Văn hóa

Làng họa sỹ Cổ Đô

          Nằm bên dòng sông Hồng, cách đó không xa là bến Trung Hà, nơi sông Đà và sông Hồng hợp lưu là làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì). Cổ Đô mang dáng vẻ của làng quê châu thổ vói vẻ đẹp bình dị hiền hòa cây đa bến sông con đò. […]

          Nằm bên dòng sông Hồng, cách đó không xa là bến Trung Hà, nơi sông Đà và sông Hồng hợp lưu là làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì). Cổ Đô mang dáng vẻ của làng quê châu thổ vói vẻ đẹp bình dị hiền hòa cây đa bến sông con đò. Người Cổ Đô chăm chỉ sáng tạo trong làm ăn. Xưa kia Cổ Đô từng có nghề dệt lụa nức tiếng gần xa. Vài chục năm nay Cổ Đô lại vang danh làng họa sỹ.

          Họa sỹ Nguyễn Sỹ Tốt được xem là ông tổ nghề tranh của làng Cổ Đô. Tốt nghiệp khóa 1 – Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Mỗi lần về thăm quê, cũng như khi về Cổ Đô vui thú điền viên lúc cuối đời, khi ông cầm cọ, con cháu, đám bạn bè chúng và tụi trẻ đều háo hức túm tụm lại xem. Thấy vậy, ông liền tranh thủ chỉ bảo, cầm tay chúng uốn từng nét vẽ. Giấy vẽ là nền đất, sân gạch, bút vẽ là miếng gạch non, là cành tre đập dập. Những bức tranh đầu tiên của chúng chính là những đàn gà, chú ỉn, lũy tre, đụn rơm, bụi duối quanh nhà. Ông đã gieo niềm say mê hội họa vào tâm hồn vốn đã đầy chất nghệ của dân làng.

          Làng Cổ Đô có khoảng 800 nóc nhà với gần 3.000 dân mà gia đình nào cũng có người vẽ tranh. Họ coi vẽ tranh như một thú giải trí thường nhật. Cả ngày quần quật với công việc đồng áng nhưng khi chiều về, nhiều người lại mang giấy bút, toan, màu ra triền đê say sưa ngồi vẽ. Trong ngõ xóm, trên đường làng, bên những cây rơm, bờ tre, rặng nhãn, các em nhỏ đang say sưa vẽ những ước mơ của mình lên bờ tường, nền đất; còn hình ảnh thường trực là những giá vẽ được đặt ngay bên những luống cày, ruộng cấy để khi ngơi tay cuốc, tay cày hoặc khi cảm hứng sáng tác bất thần trỗi dậy thì những người nông dân lấm lem bùn đất ấy có thể ngay lập tức thả hồn vào tranh.

          Họa sỹ Trần Hòa – Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, một trong những đại thụ của làng. Tranh của ông không chỉ góp mặt trong hàng ngàn bộ sưu tập lớn nhỏ của những người yêu tranh cả nước, được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà còn đang chu du ở khá nhiều nước trên thế giới như Đức, Hà Lan, Canada (ông nổi tiếng từ năm 1957 khi đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi vẽ tranh quốc tế được tổ chức ở Đức với bức Chăm học khi mới lên 10 (bột màu). Dân làng vẫn đùa rằng với số tranh ông đã bán, phải dùng xe bò mà kéo thì mới hết… Hiện nay, ngoài những tên tuổi của những họa sĩ đã thành danh – lớp kế cận ngay sau ông tổ Sỹ Tốt – như Trần Hòa, Giang Khích, La Vuông, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai v.v., làng còn có rất nhiều họa sĩ không chuyên, ở đủ mọi lứa tuổi. Nhiều người trong số họ có phòng tranh riêng, đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Đã có lần một triển lãm của 10 họa sỹ là người làng Cổ Đô đã được tổ chức quy mô tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Thế hệ họa sĩ thứ ba của Cổ Đô, những Hoàng Việt, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Đức, Hoàng Liệt, Nguyễn Ngọc Cũi… đang là lực lượng nòng cốt của làng. Nhiều lớp đào tạo vễ tranh do các họa sỹ thành danh của Cổ Đô mở ngay tại làng, thu hút đông đảo mọi người tham gia, có gia đình cả 3 thế hệ cùng tham gia. Gần 100 học viên được trang bị cho những kỹ năng cơ bản của nghề vẽ để người nào có điều kiện thì tiếp tục học cao lên mà trở thành giáo viên dạy hội họa, họa sỹ; bằng không thì cũng có thể kiếm sống được bằng nghề truyền thần, kẻ vẽ quảng cáo v.v.. Từ những lớp học đơn sơ ấy, đến nay đã có 20 em trong làng trở thành giáo viên hội họa; gần 20 em nữa đang theo học mỹ thuật ở các cấp học cao đẳng và đại học trong cả nước…

            Một CLB họa sĩ với gần 30 hội viên thuộc đủ các thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp là gốc bền duy trì phát triển nghề. Đều đặn mỗi năm hai lần, họ tổ chức 2 triển lãm tranh do các họa sĩ nông dân là con em trong làng vẽ.  Hiện tại làng Cổ Đô có 10 họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đó là Sỹ Tốt, Sĩ Thiết, Sỹ Tuấn, Trần Hòa, Giang Khích, Ngô Bình Thiểm, Nguyễn Ngọc Thạch, Huỳnh Mai, La Vuông và Nguyễn Quang Trung. Có 7 họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội.

1

Phòng trưng bày tranh tại làng họa sỹ Cổ Đô

Quốc Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *