Địa danh

Làng nghề thêu Quất Động

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, làng Quất Động (huyện Thường Tín) cuốn hút du khách xa gần không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với cây đa tỏa bóng mát, với đền thờ đậm màu rêu phong, cổ kính mà còn bởi sự độc đáo ẩn chứa trong từng tác phẩm […]

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, làng Quất Động (huyện Thường Tín) cuốn hút du khách xa gần không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, với cây đa tỏa bóng mát, với đền thờ đậm màu rêu phong, cổ kính mà còn bởi sự độc đáo ẩn chứa trong từng tác phẩm tranh thêu tay. Từ những tấm vải, những sợi chỉ màu sắc, bàn tay và khối óc tài hoa của người thợ Quất Động đã tạo ra những tác phẩm chinh phục khách hàng xa gần.


Một gian trưng bày các sản phẩm thêu tay Quất Động Ảnh: Đức Nghiêm

Ngay đầu làng Quất Động là đền thờ cụ Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu của làng và cũng là ông tổ nghề thêu của cả nước. Theo sử sách ghi lại, Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái. Ông sinh năm 1606 tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1637, ông đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê. Năm 1646, ông đi sứ nhà Minh. Trong thời gian này, ông đã học được cách thêu lọng của người Trung Quốc rồi về dạy lại cho người dân quê hương. Ghi nhận những đóng góp của ông, nhiều nơi lấy ngày mất của ông (12 tháng 6 âm lịch) làm ngày giỗ tổ nghề thêu.
Để làm ra một bức tranh thêu, đầu tiên phải vẽ phác thảo bằng bút chì trên vải. Đó có thể là những loài hoa, cây đẹp (tùng, cúc, trúc mai, lan đào, mẫu đơn…), danh lam, thắng cảnh (chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, vịnh Hạ Long…), hoặc là những hoạt động sản xuất của nhà nông (làm đồng, cấy, cày, đánh cá, dệt vải…) cũng có khi là chân dung. Nghề thêu Quất Động dùng các kỹ thuật thêu gồm thêu nối đầu, chăng chặn, đâm xô, thụt lùi, bó bạt, đột, thắt gút, khốn vảy, độn nổi, kim tuyến… Trong các kỹ thuật đó thì thêu độn nổi và kim tuyến công phu nhất, đòi hỏi sợi chỉ phải kín, thẳng; đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét; hình thức phải cân đối, sáng tươi, gần gũi với cuộc sống…Tùy vào nội dung bức tranh mà người làm nghề sử dụng nhiều hay ít màu chỉ. Công việc của nghề thêu không đòi hỏi nhiều về sức lực nhưng cần có nhiều kỹ thuật, đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo với sự trau chuốt trong từng mũi kim và sự cảm nhận tinh tế về màu sắc, một tâm hồn nhạy cảm, rung động trước cái đẹp và chuyển tải cái đẹp đó vào từng chi tiết để tạo ra một tác phẩm sống động, tinh tế, hài hòa. Tùy vào độ khó và kích thước mà một sản phẩm có thời gian hoàn thiện từ vài ngày đến vài tháng.

Những nghệ nhân Quất Động dành tâm huyết
cho từng đường kim mũi chỉ – Ảnh: Đức Nghiêm

Cùng với những biến động của lịch sử, nghề thêu Quất Động cũng có lúc thăng, lúc trầm. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề phát triển mạnh mẽ với rất nhiều xưởng thợ có từ 200- 500 người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước Đông Âu. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, làng nghề giảm sút về số xưởng, số thợ. Tuy khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhưng nhiều người Quất Động vẫn dành tình yêu cho nghề, kiên quyết giữ nghề với những hy vọng tốt đẹp ở tương lai.
Tình yêu nghề của người Quất Động đã được đền đáp khi nghề dần được khôi phục, phát triển trở lại, khẳng định được uy tín trên thị trường, giúp cuộc sống của người dân thêm ổn định. Với người dân Quất Động, công việc thêu tranh đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày. Bên những khung thêu, người già, trẻ nhỏ cần mẫn làm nghề. Kế thừa và phát triển nghề truyền thống, Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính (đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương), Nghệ nhân Nhân dân Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu này. Ông chính là tác giả bức tranh thêu nhà vua Thái Lan Phu Mi Bon A Đun Da Dệt, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn trong bộ sưu tầm của hoàng gia Thái Lan.
Cuộc sống ngày càng phát triển, giống như nhiều nghề khác, nghề thêu cũng được hiện đại hóa bởi những máy thêu công nghiệp. Thế nhưng, người làm nghề thêu tay Quất Động vẫn duy trì cách làm truyền thống của cha ông. Những sản phẩm tranh thêu tay Quất Động vẫn có tiếng nói riêng trên thị trường. Nó không thể bị lẫn vào các sản phẩm thêu công nghiệp hàng loạt bởi sự độc đáo, bởi tình cảm, tâm huyết mà mỗi nghệ nhân đã gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ, bởi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tình yêu, niềm trân trọng, tự hào về nghề.

Nguyễn Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *