Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Đây là nguồn lực quan trọng có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành quan trọng của văn hóa và là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm chủ trương khuyến khích, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống của thành phố : Đề án bảo tồn làng nghề, thúc đẩy đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề, có chương trình khuyến công, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường làng nghề… Nhờ vậy, đã giúp các làng nghề phục hồi, phát triển sản xuất, đặc biệt là giai đoạn hậu COVID-19…
Một sản phẩm chứa đựng sự tài hoa của nghệ nhân thêu Quất Động
Bức tranh làng nghề của Hà Nội rất đa sắc. Bên cạnh những ngành nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, may da Kiêu Kỵ, thêu Quất Động, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, chạm khắc gỗ Vân Hà, điêu khắc Định Quán, may Vân Từ … thì còn có một số nghề mới: Nuôi trồng sinh vật cảnh, chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ…Các sản phẩm mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại các làng nghề của Hà Nội rất đa dạng, gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí gia đình; đồ gỗ trong nhà và ngoài trời; dệt gia dụng, thêu ren; quà tặng và sản phẩm của các đồng bào dân tộc; trang sức, phụ kiện và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Tổng doanh thu từ 318 làng nghề, làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm.
Được đánh giá là có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội của Thủ đô nhưng sự phát triển của các làng nghề thủ công mỹ nghệ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm. Kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng…
Những nghệ nhân gốm Bát Tràng không ngừng cải tiến mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Để thúc đẩy thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống Hà Nội gắn với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng chọn Hà Nội thí điểm xây dựng dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 67/KH – UBND về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Hà Nội sẽ xét công nhận 50 danh hiệu (làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 100 làng nghề). Đồng thời, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Để tạo “đòn bẩy” cho công tác phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội, hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm với hàng trăm mẫu mới được tạo ra, trong đó có các mẫu sản phẩm phục vụ du lịch; tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, tạo ra trên 200 mẫu sản phẩm mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ mỗi năm…
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt- Điểm đến thú vị của nhiều du khách bởi lối kiến trúc độc đáo cùng những giá trị văn hóa đặc sắc
Các sở, ngành của thành phố cũng thực hiện việc liên kết sản xuất – thiết kế – tiêu thụ sản phẩm làng nghề; xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề khắc phục các khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thiết kế…; quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề nhằm thúc đẩy các hộ sản xuất và doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng mặt bằng và đầu tư thiết bị hiện đại cho sản xuất. Qua đó đã và đang góp phần bảo tồn được các giá trị văn hóa đặc sắc và nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình, tour giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đã giúp chủ thể sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, phố nghề của Thủ đô thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hợp lý hóa trong quá trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, Hà Nội có 15 nhóm ngành hàng dịch vụ du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Hà Nội đã xác định phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo” là một hướng ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Qua đó, không chỉ giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của Thủ đô, góp phần triển khai thực hiện sáng kiến, cam kết gia nhập mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Để thích ứng với những biến động của nền kinh tế thế giới hậu COVID-19, cũng như thiết thực thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã và đang chung sức với thành phố, tiếp tục nỗ lực vượt khó để phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Nguyễn Tâm