Đã hơn ba thế kỷ qua, chiếc nón làng Chuông không chỉ che nắng, che mưa, che những nhọc nhằn của các bà, các mẹ trên đồng ruộng, mà còn để làm duyên, làm dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Những phiên chợ nón cứ họp hết ngày này qua tháng khác như để khẳng định làng Chuông vẫn âm thầm “giữ hồn” nón Việt…
“Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông…”, câu ca dao được lưu truyền bao đời nay về nghề làm nón lá ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) bởi vẻ đẹp duyên dáng cũng như độ bền, chắc của nón. Chiếc nón trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Thanh Oai.
Tự hào nón Chuông
Theo các cụ cao niên kể lại, làng nghề nón Chuông có lịch sử hơn 300 năm, xuất phát từ đâu thì người làng Chuông hiện giờ không ai biết. Những chiếc nón trắng đặc trưng của làng Chuông từ thời phong kiến từng được tiến dâng Hoàng hậu và Công chúa. Đến nay, ngôi làng nhỏ bé bên dòng sông Đáy vẫn gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông.
Người làng Chuông vẫn âm thầm, bền bỉ làm nón
Để làm nên những chiếc nón xinh xắn, người thợ làng Chuông phải bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên là chọn lá, lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó lá được miết nhanh cho phẳng mà không giòn, không rách. Vòng nón làm bằng cật tre, nứa vót nhỏ và đều, khi nối bắt buộc phải tròn, không gợn. Nón làng Chuông gồm 16 lớp vòng giúp nón có độ bền, chắc nhưng vẫn mềm mại. Việc khâu nón giữ vai trò quan trọng, bởi nó quyết định vẻ đẹp về hình dáng của chiếc nón. Bàn tay người thợ cầm kim đưa thoăn thoắt từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm sinh để cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không bị mốc. Chiếc nón cầu kì hơn sẽ được trang trí vào lòng nón những họa tiết hoa lá bằng giấy sắc màu, hoặc chỉ khâu nhiều vòng giăng mắc ở hai điểm đối diện để buộc quai nón. Chiếc nón hoàn tất khi kết thúc công đoạn làm nôi, tức phần buộc quai nón, tùy nón mà nôi pha mầu, phối mầu. Chiếc nón lá trắng tròn trịa chỉ cần thêm một dải lụa mềm buộc làm quai nón sẽ tôn lên vẻ đẹp dịu dàng cho người đội, càng thêm duyên dáng khi kết hợp với bộ áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Chợ nón làng Chuông một tháng họp sáu phiên vào các ngày (4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch). Bên trong chợ Chuông, những chồng nón các loại xếp cao ngất cùng với các vật liệu làm nón như: Lá nón, vòng nón, cước khâu, sợi tế bày la liệt. Nhịp sống của làng nón Chuông không gấp gáp, sôi động như các làng quê khác, chỉ âm thầm, bền bỉ nhưng có sức hút riêng của một làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời. Đã hơn ba thế kỷ qua, chiếc nón làng Chuông không chỉ che nắng, che mưa, che những nhọc nhằn của các bà, các mẹ trên đồng ruộng, mà còn để làm duyên, làm dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Những phiên chợ nón cứ họp hết ngày này qua tháng khác như để khẳng định làng Chuông vẫn âm thầm “giữ hồn” nón Việt.
Làng nón Chuông giờ đây tập trung làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch
Thời gian gần đây, làng nghề nón Chuông đã tìm được hướng đi mới, đó là tập trung vào làm hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu. Nhiều mẫu mã nón mới với đủ kích cỡ khác nhau, ngoài phục vụ cho nhu cầu sử dụng như truyền thống, còn có các loại nón làm đồ lưu niệm, trang trí… Trong đó phải kể đến nón được làm kết hợp với lụa Vạn Phúc. Trước đây, người làng Chuông chủ yếu làm nón lá dân dụng, giá trên thị trường dao động khoảng 30 – 40 nghìn đồng, nay có những chiếc nón lụa cách tân chất lượng cao, mẫu mã đẹp có giá từ 150 – 200 nghìn đồng. Hiện tại, mỗi năm xã Phương Trung cung cấp khoảng ba triệu chiếc nón, chủ yếu làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Lo lắng mai một nghề cổ
Toàn xã Phương Trung có khoảng 2.700 hộ gia đình làm nón. Làm nón là nghề thủ công, qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn, tốn nhiều công sức, nhưng thu nhập của người làm lại không cao. Người làng Chuông ngoại trừ thợ lành nghề có thu nhập khá, thu nhập bình quân của người thợ bình thường chỉ từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều bạn trẻ không mặn mà với nghề truyền thống. Nếu như 20 năm trước, già trẻ, trai gái làng Chuông thi nhau làm nón, coi nghề làm nón như nghề chính thì giờ đây lớp trẻ dần chuyển nghề khác mưu sinh. Lo lắng nghề làm nón thất truyền, những nghệ nhân tâm huyết như ông Lê Văn Tuy, Lê Xuân Đạt, bà Phạm Thị Nụ, Phan Thị Nhung, Tạ Thu Hương… vẫn luôn chú tâm tổ chức dạy nghề để truyền cảm hứng, sự yêu thích, nhiệt huyết với nghề cho nhiều bạn trẻ. Là người gắn bó với nghề nón hơn 40 năm, nghệ nhân Lê Văn Tuy chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên tại làng Chuông, luôn mang trong mình một tình yêu sâu sắc với chiếc nón lá quê hương. Để người trẻ hiểu và yêu hơn hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam, ông còn dạy nghề tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện… Mong sao mỗi chiếc nón luôn đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ.
Việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Nón Chuông”, tạo cơ hội tốt để quảng bá nghề làm nón, mở rộng thị trường, đặc biệt là phát triển du lịch. Xã Phương Trung cũng đã quy hoạch dự án gần 20ha để phát triển nghề làm nón. Hy vọng nghề làm nón làng Chuông ngày càng phát triển mạnh mẽ, nâng cao thu nhập cho người làm nghề, trở thành địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Mai Chi