Sự kiện

Làng Tò he vào xuân

Nặn tò he không đơn thuần là một nghề bởi những con tò he luôn mang nặng những giá trị văn hóa phi vật thể. Nó lưu giữ những giá trị tinh thần, văn hóa vô cùng to lớn của người Xuân La và đã tồn tại trong tâm thức người Việt từ bao  đời […]

Nặn tò he không đơn thuần là một nghề bởi những con tò he luôn mang nặng những giá trị văn hóa phi vật thể. Nó lưu giữ những giá trị tinh thần, văn hóa vô cùng to lớn của người Xuân La và đã tồn tại trong tâm thức người Việt từ bao  đời nay. Và mỗi khi Tết đến, Xuân về làng Xuân La lại tưng bừng, rộn rã hơn bao giờ hết để mang con tò he đi khắp mọi miền, phục vụ khách du xuân. Trong tiết trời rét hại, kèm theo mưa tầm tã, chúng tôi về Xuân La, đón nhận cái Xuân của một làng nghề truyền thống lâu đời.

Với sự tài khéo của mình, người Xuân La đã nặn ra các con tò he đủ hình, đủ loại một cách sống động, giống như thật. Nào gà nào lợn, nào chim muông cầm thú, rồi hoa lá, cỏ cây, đến cả nhà, cả đình chùa, thuyền buồm…Này đây những bông hồng khi thì màu đỏ chót, đỏ sẫm, khi thì màu vàng, màu hồng phơn phớt với nhụy vàng trông thật mềm mại, sinh động. Rồi con gà trống mào đỏ chót, cổ vươn cao như đang gáy, cánh xòe ra như muốn bay lên trời xanh đón ánh mặt trời. Qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của người thợ, chỉ với một chút bột thôi, trong nháy mắt đã có một anh bộ đội quân phục chỉnh tề, gương mặt nghiêm trang, 2 tay bồng súng. Trong tích tắc lại một chiếc máy bay hay tàu vũ trụ như muốn lao lên bầu trời cao xanh vời vợi. Đơn giản hơn, gần gũi hơn lại là thầy trò Đường Tăng lên đường thỉnh kinh, hay bay bổng và dũng mãnh là một chú hổ, chú báo hay một con rồng vàng, một chú rùa linh vật… Người xem luôn trầm trồ, thán phục với tài nghệ của người thợ. Mỗi con vật, đồ vật, bông hoa không còn là sự vật vô tri nữa mà là một tác phẩm nghệ thuật sinh động, có tâm hồn.

Trời lạnh là thế mà những nghệ nhân, những người thợ của làng vẫn thoăn thoắt đi đến các nẻo đường đất nước, những khu vui chơi, vườn hoa, hội chợ, điểm sinh hoạt công cộng để làm nghề, như nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Lệ dù đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn rong ruổi khắp nơi, mang những con tò he đi giới thiệu cả ở nước ngoài, từ Âu sang Á, sang Mỹ…Muốn gặp họ thật khó vô cùng. Càng vào dịp Tết thì họ lại càng bận bịu.

Sau bao năm người ta vẫn chưa tìm ra ông tổ nghề nặn tò he là ai. Sinh thời nghệ nhân dân gian Đặng Văn Tố thường nói với những ai khi hỏi về nguồn gốc và ông tổ nghề rằng nghề nặn tò he này đã có đến 8 đời (khoảng gần 400 năm nay). Vốn đây là nghề của những người nghèo khó. Bởi vùng chiêm trũng xưa chỉ cấy 1 vụ lúa, năng suất thấp, thu hoạch bấp bênh, cái đói cái nghèo cứ kéo dài triền miên với phần lớn người dân địa phương. Vì nghèo nên người nông dân không có tiền mua đồ chơi cho con mà thời gian thì rất nhiều. Cơm không đủ ăn, ăn cháo thì không chịu nổi, họ liền dùng số gạo ít ỏi để làm bánh, bánh trộn với rau dại để ăn cho no lòng. Người khéo tay lấy số bột ít ỏi còn lại nặn thêm con giống như gà, vịt, chim, cò, lợn…hấp cùng bánh cho con. Thứ thịt giả con giống ấy khó ăn, nhưng hấp dẫn bọn trẻ vô cùng nên chúng để đấy làm đồ chơi. Từ màu trắng của bột gạo làm con giống, người ta nghĩ ra cách tô màu cho con giống bằng màu đỏ của gấc, màu xanh của lá cây, màu vàng hay đen của nghệ hòa vào với bột để nặn cho đẹp. Cứ thế màu sắc càng ngày càng nhiều, từ 4- 5 màu cơ bản thành 15 -20 màu khác nhau ngày thêm phong phú, hấp dẫn bởi cách pha chế, trộn màu của nghệ nhân và dưới bàn tay họ, những con giống được nặn ra ngày một sinh động, khéo léo, giả mà như thật, cuốn hút cả trẻ con lẫn người lớn. Tuy nhiên đối tượng phục vụ chính của tò he vẫn là trẻ em. Hễ cứ thấy những người Xuân La vân vê bột màu là chúng xúm lại xem, bỏ mặc những trò chơi khác.

Thấy bọn trẻ thích thú những con giống nhiều màu, một số người già đã đem các con giống ấy ra chợ bày mẹt bán. Bán chợ gần rồi lại bán chợ xa, từ chợ Cống, chợ Tía, chợ Vồi đến chợ Đồng Vàng, Đồng Vinh, Đồng Quan…lâu ngày thứ quà ấy trở thành hàng hóa, được người Xuân La làm và đem đi bán khắp nơi, từ Nam chí Bắc, từ những phiên chợ ngày thường đến những phiên chợ Tết hay ngày hội hè, Tết Trung thu… ở khắp mọi nơi.

1

Sự tài khéo của người Xuân La được thể hiện qua các sản phẩm Tò he

Ảnh: T.Q

Người Xuân La phần lớn là những người thợ khéo tay, tài hoa. Đa số đàn ông trong làng với đồ nghề trong tay, rong ruổi đi khắp cả nước để hành nghề, nặn tò he, làm đẹp cho đời. Trong số những người thợ tài hoa của làng, nhiều người đã trở thành nghệ nhân như cụ Đặng Văn Tố- nhiều lần mang nghề sang Nhật, là cụ Nguyễn Văn Thuận- đem tò he đi Mỹ, đi Nhật, là ông Đặng Văn Tẫn – 2 lần mang nghề sang Nhật…Thế hệ trước đó phải kể đến những bàn tay tài hoa nổi danh bốn phương trong cả nước như cụ Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Ổi, Đặng Thống Hoàng, Đào Văn Cảnh, Nguyễn Văn Lộ, Đặng Văn Chuyển, Vũ Văn Sai…Dù ở đâu, trong nước hay ngoài nước thì những người thợ – nghệ nhân của làng cũng đem hết tài khéo của mình để phục vụ nhân dân, làm đẹp cho đời, làm nổi danh thương hiệu làng nghề Tò he Xuân La.

Và bao đời qua, nghề nặn tò he không chỉ là một nghề mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người Xuân La trong dịp nông nhàn mà còn là một nghề truyền thống độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Nó không còn là giá trị hàng hóa, vật chất nữa mà mang tính tinh thần, văn hóa to lớn. Người Xuân La luôn nâng niu, giữ gìn nghề truyền thống và giá trị văn hóa tinh túy của làng.

          Khi những cành hoa mai, hoa đào khoe sắc, mặc cái giá rét của mùa Đông và báo hiệu một mùa Xuân nữa đang đến gần, người Xuân La lại tỏa đi khắp các nẻo đường, mang cái Xuân và những con tò he rực rỡ đến góp vui cho một năm Mới An Khang thịnh Vượng.

 2

Sản phẩm Tò he

Ảnh: T.Q

Phạm Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *