Sáng 19/4, tại Thềm Rồng Điện Kính Thiên, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ủy […]
Sáng 19/4, tại Thềm Rồng Điện Kính Thiên, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện các sở ngành thành phố và đông đảo các nhà khoa học.
Ký biên bản bàn giao Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di tích quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới. Nằm ở khu vực trung tâm của thủ đô Hà Nội, với bề dày lịch sử hơn 1300 năm, khu di tích có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô cổ của Việt Nam.
Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc, kỹ – mỹ thuật của Khu di tích được lãnh đạo Thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Từ năm 2007, UBND Thành phố đã giao Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội thực hiện lập Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích (tỷ lệ 1/500) và lựa chọn đơn vị tổng thầu tư vấn lập quy hoạch là: Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.
Công bố phối cảnh tổng thể Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Phạm vi quy hoạch có diện tích 18,353 ha, bao gồm khu Thành cổ và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Trong phạm vi khu vực lập quy hoạch có nhiều di chỉ khảo cổ học đã phát lộ và còn tiềm ẩn dưới lòng đất, có nhiều di tích và công trình có giá trị cao về lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, kiến trúc nghệ thuật, khẳng định tính liên tục xuyên suốt của lịch sử Thăng Long – Hà Nội.
Toàn bộ quy hoạch có định hướng tổng thể để đảm bảo kết nối các di sản, di tích, kiến trúc trong không gian cảnh quan chung, phù hợp với tính chất chung của khu vực có di sản, di tích; trưng bày giới thiệu một cách hiệu quả các hiện vật và di chỉ khảo cổ học. Đồng thời kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với Khu Trung tâm chính trị Ba Đình và các khu vực xung quanh.
Quy hoạch được phê duyệt gồm ba sản phẩm: Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích; Quy chế Quản lý Đầu tư Xây dựng và phát huy giá trị Khu di tích.
Nội dung quy hoạch chi tiết cũng xác định rõ chức năng của bốn phân khu. Khu vực từ Kỳ Đài tới Đoan Môn: Không gian này là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, thiết kế sắp đặt, trồng cây xanh cố định, chậu cây di động theo thiết kế chi tiết được duyệt. Khu vực từ Đoan Môn tới Hậu Lâu: Tiến hành bảo tồn và tôn tạo không gian xung quanh các di tích, khôi phục trục chính không gian kết nối các điểm di tích từ Đoan Môn tới Thềm Rồng Điện Kính Thiên- di tích cách mạng nhà D67 và Hậu Lâu. Khu vực từ Hậu Lâu tới Bắc Môn: Trục chính từ Hậu Lâu tới Bắc Môn là không gian cây xanh, sân vườn dự trữ khảo cổ học kết hợp tổ chức cảnh quan và trưng bày; xây dựng bảo tàng Hoàng thành để lưu giữ, trưng bày các tư liệu, hiện vật. Khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu: Trưng bày tại chỗ giới thiệu các hố khai quật A, B và D4- D6, bảo tồn nguyên gốc các di chỉ khảo cổ học, dấu tích kiến trúc đã phát lộ với điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp, đúng tiêu chuẩn bảo quản; Kết hợp giới thiệu các mô hình, sa bàn và trình chiếu đa phương tiện.
Việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai kế hoạch tổng thể, các dự án đầu tư nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích, hướng tới xây dựng toàn bộ Khu di sản thành “Công viên Lịch sử – Văn hóa” của Thủ đô Hà Nội.
Kim Yến