Ngày 06/6, thừa ủy quyền của lãnh đạo TP Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ đã tiến hành trao Bằng di tích lịch sử cho đình Đạo Ngạn, thuộc xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ.
Đình Đạo Ngạn tọa lạc ngay sát tỉnh lộ 419, có quy mô bề thế, nức tiếng trong vùng. Đình có kết cấu theo chữ “Tam” bao gồm các hạng mục: Nghi môn với ba lối đi dẫn vào bên trong, tả hữu mạc là hai dãy nhà chín gian hút tầm mắt, đại bái là hạng mục năm gian hai chái với bốn mái đao cong, phương đình hai tầng tám mái, hậu cung ba gian hai chái bê thế nguy nga; các bộ vì được làm bằng gỗ lim, lợp mái ngói ta, chân tảng đá và các cột cao to sừng sững…
Đình Đạo Ngạn thờ Đại Tư Đồ Quốc Lão, Ứng Quận Công Thượng đẳng phúc thần Đặng Đình Tướng. Ông là vị tướng tài có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước vào thời vua Lê chúa Trịnh. Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, Đình làng Đạo Ngạn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử vô giá. Giai đoạn sau cách mạng tháng 8 năm 1945, tại Đình Đạo Ngạn đã tổ chức bầu cử Quốc Hội đầu tiên năm 1946. Trong thời kỳ chống Pháp, thực hiện lệnh tiêu khổ kháng chiến, du kích của làng và bộ đội địa phương tổ chức đốt đình thực hiện vườn không nhà trống, không có nơi cho giặc làm đồn bốt để đàn áp nhân dân.
Thời chống Mỹ cứu nước, đình Đạo Ngạn làm kho dự trữ lương thực phục vụ kháng chiến. Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, với tinh thần “Bản lai dịch mục”, “Cố sự tầm nguyên”, nhân dân địa phương đã tu chỉnh, cải tạo nhà kho dự trữ lương thực thành ngôi đình hiện nay để thờ Thành hoàng làng đáp ứng lòng kính ngưỡng của nhân dân với các bậc thánh nhân, để phụng sự nhà khoa bảng đã thành danh Đặng Đình Tướng dưới thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, với những giá trị và những hiện vật quý hiếm còn được lưu giữ tại di tích, đình Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng đã được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết Định số 101, ngày 9/1/2020 xếp hạng di tích lịch sử.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm nhấn mạnh: Đình Đạo Ngạn được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định xếp hạnh di tích lịch sử là cở sở pháp lý đến cán bộ và nhân dân thôn có quyền tự hào về lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương, đồng thời có trách nhiệm quản lý, bảo vệ giữ gìn phát huy giá trị của di tích cho thế hệ hôm nay và mai sau. Để làm tốt được điều đó, đồng chí yêu cầu cán bộ và nhân dân thôn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần giáo dục cho các thế hệ con em địa phương luôn trân trọng, giữ gìn, kế thừa và phát huy những nét đẹp tinh hoa văn hóa, thuần phong mỹ tục của ông cha để lại. Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo vệ giữ gìn di tích lịch sử để bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn các thế hệ cha ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước…
Hiện nay, hiện vật của ngôi đình còn khá sơ sài, kết cấu kiến trúc giản lược, do đó, việc công nhận Di tích lịch sử đình Đạo Ngạn sẽ là cơ sở, tiền đề để nhân dân và chính quyền địa phương có kế hoạch cụ thể để từng bước tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử; đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm kê, giám định khoa học và bổ sung các hiện vật có trong di tích để phục vụ công tác quản lý.
Cùng với đó, việc được UBND TP Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố sẽ là cơ sở, tiền đề để tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, mở rộng quá trình xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi của các tổ chức xã hội và nhân dân vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn với việc quản lý nhà nước bằng các văn bản pháp quy.
PV
Theo MaskOnline