Di sản – Bảo tồn

Lễ hội Đền Và – Nơi lưu dấu hành tung của Đức Thánh Tản

Vùng xứ Đoài, lễ hội đền Và được coi là lớn nhất. Cứ 3 năm dân địa phương tổ chức hội lớn (đại đám) một lần, với quy mô hoành tráng, nhằm vào các năm tí, mão, ngọ, dậu. Các năm khác chỉ tổ chức hội lệ.

Đền Và là một di tích lịch sử văn hóa, đã được Bộ VHTT xếp hạng từ năm 1964. Nơi đây lưu giữ lễ hội truyền thống liên quan đến Đức thánh Tản Viên – Đệ nhất Phúc thần trong hàng tứ bất tử ở nước ta. Đền Và thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 40km. Di tích đền Và nằm trên một quả đồi hình con rùa, gọi là đồi Kim Quy (Rùa vàng) đang trong tư thế bơi về phía mặt trời.
Đền Và còn có tên gọi Đông Cung, trong tứ cung thuộc xứ Đoài. Từ xa xưa, đền Và được coi là trung tâm vùng văn hóa thờ Tản Viên Sơn Thánh và là 1 trong số 108 đền sở thờ Ngài. Đền Và được coi là vùng đất linh thiêng, xung quanh là rừng lim già bao bọc. Địa danh Vân Gia, với ngôi đền Và là nơi lưu giữ nhiều huyền thoại, truyền thuyết về Sơn Tinh: Sự tích Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh với kỳ tích chiến thắng lũ lụt của Ngài; chuyện Thánh Tản dựng hành cung là Đền Và vì nhìn thấy đám mây lành ngũ sắc bay qua (Vân Già – mây lành, gọi lệch là Vân Gia, tên làng được giữ từ bấy đến giờ); chuyện Thánh Tản tắm gội bên sông Hồng (dấu tích là đền Ngự Dội); chuyện Ngài kéo vó trên sông Tích – khởi nguồn của tục đánh cá (đả ngư) trên sông Tích vào ngày Rằm tháng Chín hàng năm; chuyện Thánh Tản xin muối, xin vôi – khởi nguồn của tục hèm “trầu không vôi, xôi không muối” mỗi khi thờ cúng Thánh Tản ở đền Và…Lễ hội đền Và thể hiện niềm mong ước của dân vùng sông nước mong cho mưa thuận gió hòa, đánh cá được nhiều. Nó cũng thể hiện nhân sinh quan của người nông dân là thần thánh hóa một con người cụ thể, và cụ thể hóa một vị Thánh thần linh thiêng như một con người với những hành trạng hết sức thông thường mà thật gần gũi, đáng yêu. Đó là Nguyễn Tuấn, con của bà Đinh Thị Điên (gọi chệch là Đen) và ông Nguyễn Cao Hành (gọi chệch là Hiềng), con rể của Vua Hùng, chồng của Ngọc Hoa Công chúa – Người đã dám nhường ngôi báu cho cháu họ vua Hùng là Thục Phán An Dương Vương để giữ yên đất nước, vì bách tính lê dân.


Hàng năm, dân xã Trung Hưng (gồm 5 thôn: Vân Gia, Thanh Trì, Mai Trai, Nghĩa Phủ, Ái Mỗ và Nhân dân vùng lân cận như Thanh Vị (xã Thanh Mỹ), Phù Sa, Phú Nhi (xã Viên Sơn cũ), thuộc thị xã Sơn Tây và thôn Di Bình, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, xuân thu nhị kỳ mở hội. Thảy có 8 làng tham gia mà vai trò quan trọng hơn cả trong lễ hội là thôn Vân Gia và thôn Phù Sa. Chủ tế trong hội nhất thiết phải là người Vân Gia. Cứ 3 năm dân địa phương tổ chức hội lớn (đại đám) một lần, với quy mô hoành tráng, nhằm vào các năm tí, mão, ngọ, dậu. Các năm khác chỉ tổ chức hội lệ. Vùng xứ Đoài, lễ hội đền Và được coi là lớn nhất:

Thứ nhất là hội đền Và
Thứ nhì hội Nả, thứ ba hội Thầy
(ca dao)

Lễ hội mùa Xuân (Rằm tháng Giêng âm lịch) là nhằm suy tôn công đức Vô Sơn Dữ Tề (không có núi nào cao hơn) của Đức Thánh Tản. Tại lễ hội này, Nhân dân địa phương sẽ diễn lại sự tích Thánh Tản tắm gội bên bờ sông Hồng, tâm điểm của lễ hội là lễ rước Thánh sang sông, sang đền Ngự Dội. Thông thường, Nhân dân chọn ra 300 trai tráng xung vào đội hàng đô, chấp kích, kèm theo đó là một đội rước lớn với những nghi trượng, chiêng trống, cờ quạt. Mọi công việc được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, cho đến ngày 13 tháng Giêng là hoàn tất. Chiều ngày 14 tháng Giêng sẽ làm “lễ phong triều”, chính thức khai hội. Đoàn rước khổng lồ đi từ đền Và vào trung tâm thị xã, theo đường Ngô Quyền, Phùng Hưng, Phó Đức Chính đến UBND thị xã, rồi theo phố Lê Lợi, Hồng Hà lên đê, qua cổng cảng Phù Sa rồi xuống bè, sang sông… Đi đầu là đoàn cờ, quạt, chiêng, trống, bát cửu, rồi đến đoàn kiệu lễ của các đoàn, tiếp theo là đoàn kiệu Văn, kiệu lồng mũ, cuối cùng là kiệu Thánh bày 3 cỗ long ngai bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản là Nguyễn Tuấn, Cao Sơn, Quý Minh. Trong ngày lễ Nhân dân Trung Hưng bày sẵn hương án nghênh tiếp ở 2 bên đường. lễ vật bên đường nghênh đoán gọi là Lễ cung đốn.
Đoàn rước sẽ hạ kiệu trên đê là Lễ độ hà, cầu mong thủy thần phù trợ đoàn sang sông an toàn. Sang bên kia sông, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, đoàn đến đền Ngự Dội và cử hành 3 tuần tế Mộc dục, diễn lại tích Thánh Tản tắm gội khi xưa. Nước làm lễ Mộc dục được lấy ở giữa dòng sông Hồng. Sau tuần Lễ Triệu hồi, đoàn rước lại theo trật tự cũ trở về đền Và. Chiều 17 tháng Giêng thì kết thúc lễ hội, sau tuần Tế giã.


Lễ hội mùa Thu: Được tổ chức vào ngày 15 tháng Chín âm lịch, còn gọi là Hội đả ngư, diễn lại tích Thánh Tản kéo vó trên sông, Thánh dạy dân đánh cá và cũng mang ý nghĩa khuyến ngư, giữ gìn môi trường sinh thái. Lễ hội này có tục thờ cá, ăn trầu. Nơi diễn ra lễ hội là đoạn sông Tích từ cầu Vang đến Mả Mang. Dân khi ấy được tự do đánh bắt cá. Ai dâng được 1 trong số 99 con cá trắng to năm ấy sẽ là người may mắn. Cá đánh được sẽ chế biến thành 4 món: Luộc, nướng, gỏi, nham và bày thành 10 mâm. Mỗi mâm phải đủ 4 món. 9 mâm trong số đó được dâng lên trước ngai tam vị Đức Thánh Tản, 1 mâm để cúng thần Bếp. Bày biện xong các cụ sẽ cử hành lễ tế cá.Tại lễ hội này, các món dâng cúng, cơm ăn, cỗ, xôi, trầu đều nhạt: Trầu không vôi, xôi không muối. Rằm tháng Chín năm Nhâm dần 2022 – tức ngày 10/10/2022, thị xã Sơn Tây đã tổ chức Lễ hội Đả Ngư rằm tháng 9 năm Nhâm Dần 2022, lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Đông đảo Nhân dân thị xã Sơn Tây và du khách thập phương đã đến dự hội và thắp hương tưởng nhở Đức Thánh Tản.

Lễ hội đền Và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2016.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *