Lễ hội

Lễ hội Kén rể ở Đường Yên

Khởi nguồn lễ hội là câu chuyện về người con gái có tên Lê Hoa, còn gọi là Ả Lự. Ở tuổi 18, nàng Hoa không chịu lấy chồng mà quyết theo Hai Bà đánh giặc…

Tương truyền lễ hội có từ hàng ngàn năm nay, ở làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh. Đường Yên là một ngôi làng cổ, nằm cạnh con sông Cà Lồ, xưa kia có tên là Trang Kim Hoa, tên Nôm là Kim Con.

Đường đến lễ hội Kén rể

Lễ hội kén rể làng Đường Yên tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Hai âm lịch và được phục dựng lại từ năm 2001, sau 60 năm thất truyền.

Khởi nguồn lễ hội là câu chuyện về người con gái có tên Lê Hoa, còn gọi là Ả Lự. Khi xưa, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc phương Bắc. Ở tuổi 18, nàng Hoa không chịu lấy chồng mà quyết theo Hai Bà đánh giặc. Bà trở thành nữ tướng đắc lực của Hai Bà Trưng, được phong là Nữ sử anh phong, có tài liệu nói bà được phong là nữ tướng mưu thần, giúp Hai Bà tìm hiểu tình hình quân địch và bày binh bố trận, đánh tan Tô Định.

Sau chiến thắng, Hai Bà lên ngôi Vương, thu phục 65 thành trì của giặc. Tướng Lê Hoa được Hai Bà Trưng phong làm tri huyện huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Tại đây, tướng bà Lê Hoa mở hội kén rể. Khi đất nước thanh bình, nữ tướng Lê Hoa phải làm tròn bổn phận của người con gái là lấy chồng. Lễ hội kén rể ra đời từ đó.

Tương truyền, từ ngàn năm trước, sau khi lễ Kén rể kết thúc, bỗng nhiên gió lớn nổi lên, 1 đám mây vàng từ trời hạ xuống, tướng bà Lê Hoa bước lên đám mây, bay đi. Dân làng Đường Yên viết tấu lên triều đình, tâu kể sự tình. Trưng vương sai quan về Đường Yên tế lễ và giao cho dân làng phụng thờ, phong bà là Nữ sử anh phong, Tuệ Tĩnh phu nhân. Nơi bà Lê Hoa bay lên cùng đám mây được làng lập miếu thờ, tôn bà là Đức Thánh Bà. Sau này, dân làng thờ bà ở đình và tôn là Thành hoàng làng.

Thời nhà Lê, tướng bà Lê Hoa được phong tặng là Giản uyển cương nghị, thời nhà Nguyễn bà được phong tặng là Dực bảo trung hưng linh phù.

Trước khi lễ hội Kén rể diễn ra, việc chọn người tham gia được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người đóng vai mẹ của nữ tướng Lê Hoa phải là người đẹp song toàn, gia đình ổn định; người đóng vai nữ tướng Lê Hoa và 2 chàng rể phải là trai thanh gái lịch, chưa có gia đình.

Lễ hội kén rể gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ là đám rước long trọng, trang nghiêm được các bô lão trong làng chủ trì để đưa thành hoàng làng từ đền về đình tế lễ. Ngoài đám rước tướng bà Lê Hoa, ở phần lễ còn có các màn múa kiếm thể hiện tinh thần thượng võ.

Lễ hội Kén rể

Phần hội có màn múa cờ thần tái hiện cảnh bà Lê Hoa đánh giặc, màn múa bỏ mo cau của nữ tướng Lê Hoa. Màn múa tái hiện cảnh nữ tướng Lê Hoa dùng mo cau làm áo giáp tham gia đánh giặc. Màn múa được thực hiện bởi các em nhỏ đeo mặt nạ. Ở phần này, màn trống hội mở màn phần thi canh nông, kén rể. Phần hội lấy tiếng trống để điều khiển cuộc thi. Xưa kia, làng Đường Yên được chia làm 2 phe: Phe Bắc và phe Hậu. Mỗi phe sẽ cử ra 1 chàng trai đại diện để thi đấu. Các chàng trai phải trải qua các phần thi: Thi cày, thi câu ếch, bắt chạch trong chum và thi chõng chó (chọc cho chó sủa). Ban giám khảo cuộc thi Kén rể là 5 bậc cao niên được làng cử ra, cho điểm các phe bằng thẻ. Ở mỗi phần thi đều công bố người thắng cuộc. Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo công bố người thắng cuộc Kén rể. Tại đây, ai được nhiều thẻ sẽ được Mẫu bà ban thưởng và chọn làm rể. Đôi trai gái sẽ làm lễ bái tổ, dân làng tổ chức múa hát chúc mừng đôi trai gái. Phần hội của Lễ hội kén rể làng Đường Yên còn có hát ca trù, hát quan họ…

Xưa kia, lễ hội Kén rể làng Đường Yên tổ chức trong 2 ngày (từ ngày 1-2 tháng Hai âm lịch), ngày nay chỉ tổ chức trong 1 ngày mùng 2 tháng Hai, để tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa với dân, với nước. Lễ hội kén rể làng Đường Yên giờ đã bỏ đi phần thi chõng chó, chỉ còn 3 phần thi là thi canh nông, bắt chạch trong chum và câu ếch.

Lễ hội kén rể làng Đường Yên xưa kia còn có tục tế sống lợn, mỗi giáp nuôi 1 con lợn. Trước ngày hội, người ta tắm gội cho lợn bằng nước thơm. Những người tham gia tế lễ phải kiêng ăn thực phẩm nặng mùi, khi tế lễ phải mặc áo thụng thâm, quần trắng…Ngày nay, tục tế lợn cũng được bỏ.

Quỳnh Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *