Văn hoá đời sống

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Tạo sức sống cho các di sản

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 được tổ chức từ 9/11 đến 17/11 có chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Hà Nội sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản tiêu biểu với hàng trăm hoạt động sáng tạo ở 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụ, di tích quốc gia đặc biệt, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có những di sản đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế: Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Di tích nhà tù Hỏa Lò.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 được tổ chức từ 9/11 đến 17/11 có chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Hà Nội sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản tiêu biểu với hàng trăm hoạt động sáng tạo ở 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Giao lộ sáng tạo còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của Thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo, đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội.

 Ba công trình biểu tượng tương tác với di sản

Lễ hội gồm 3 công trình biểu tượng Pavilion mang tên Hành lang thơ ngây tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Dòng ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, Rồng rắn lên mây tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các công trình biểu tượng được sắp đặt để tương tác với di sản, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho các di sản.

Thông qua sự tương tác này, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển và cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.

Pavilion Hành lang thơ ngây bắt đầu và kéo dài “vô tận” qua dãy các hành lang ra sân Cung Thiếu nhi Hà Nội. Điểm giao giữa các hành lang trở thành những khối trưng bày chính và cũng là một điểm dừng để nhìn lại những hành lang cũ – mới đan liên.

Pavilion Rồng rắn lên mây được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không tạo ra một điểm nhấn kiến trúc mà hòa nhập, đối thoại với cảnh quan của bảo tàng. Từ góc nhìn này, lễ hội mong muốn gửi thông điệp tới công chúng về những ký ức, di sản văn hóa  mà chúng ta muốn lưu giữ và truyền tải tới thế hệ sau.

Hai “Đại triển lãm” trong lòng di sản

Quen thuộc với công năng giáo dục Tòa 19 Lê Thánh Tông – một trong những cơ sở của Đại học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng nhiều người có thể quên mất, đây cũng là công trình hiếm hoi tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương còn giữ được gần như nguyên vẹn. Cung Thiếu nhi Hà Nội, vừa là một biểu tượng kiến trúc với sự kết hợp hài hòa giữa cụm các tòa nhà kiến trúc Pháp và các toà nhà kiến trúc hiện đại được xây dựng sau này, vừa là một nơi lưu giữ những ký ức sáng tạo của nhiều thế hệ thanh thiếu nhi. Trong cảm hứng sáng tạo của Lễ hội năm nay, lần đầu tiên, hai di sản này sẽ mở cửa và “đối thoại” với đông đảo công chúng tham quan thông qua hai “Đại triển lãm” với trên 50 thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật.

Cung Thiếu nhi Hà Nội nơi diễn ra Đại triển lãm “Cung Thiếu nhi Hà Nội – Hoài niệm cho tương lai”

Ảnh: BTC

Điểm khởi đầu của “Trục Tinh hoa di sản” Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông là Cung Thiếu Nhi Hà Nội, nơi tổ chức Đại triển lãm “Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” với trên 30 hoạt động bao gồm hàng loạt chương trình triển lãm, chiếu phim, biểu diễn sân khấu, sân chơi, sắp đặt kiến trúc; kết hợp với các sự kiện vệ tinh bao gồm workshop, hành trình trải nghiệm, tọa đàm và các hoạt động cộng đồng.

Chuỗi các hoạt động tại đây có sự tham gia đa dạng của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà làm phim, nhà nghiên cứu văn hóa-nghệ thuật… Dù ở những độ tuổi khác nhau, lĩnh vực khác nhau, nhưng tất cả đều chia sẻ cảm thức về lịch sử và văn hóa của Cung Thiếu nhi Hà Nội. Nhóm giám tuyển đã lựa chọn các tác phẩm có sự phản hồi, tương tác đồng điệu với bối cảnh và cả các sáng tác có tính đối thoại với từng không gian và ký ức của Cung. Qua đó, kích hoạt những di sản vô hình và hữu hình đã và đang lưu giữ ở đây, tiếp nối với những đối thoại và tự sự liên thế hệ, gợi mở những nhìn nhận quá khứ và những viễn kiến cho tương lai.

Tại trường Đại học Tổng hợp sẽ diễn ra Đại triển lãm “Cảm thức Đông Dương”

Ảnh: BTC

Điểm cuối của “Trục Tinh hoa di sản” là tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ – tiền thân là tòa nhà chính của Đại học Đông Dương – nơi diễn ra Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương”. Đại triển lãm trưng bày 22 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những KTS, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại. Các tác phẩm nghệ thuật thị giác sẽ được “phủ kín” từ sảnh chính cho đến giảng đường, hành lang, từng ô cửa sổ và mái vòm của toà nhà…

Các nghệ sĩ sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để “kể” những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương. Cum tác phẩm hứa hẹn là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh và âm thanh, gợi mở cái nhìn sâu sắc hơn về kiến trúc và nghệ thuật của di sản, và sự sáng tạo trân trọng di sản, hài hòa với di sản để chuyển tải những câu chuyện lịch sử và hiện đại một cách độc đáo.

Hai đại triển lãm được thực hiện trong sự vận động của những thực thể “sống”, nơi không gian tự thân trở thành một chất liệu và cộng sự nghệ thuật, thay vì là một nơi trưng bày các tác phẩm bất kỳ. Thông qua việc tạo diện mạo mới cho các công trình cùng nỗ lực kết nối cộng đồng, giới sáng tạo thể hiện không chỉ là sự trân trọng với di sản, mà còn mong muốn cùng những lớp người gắn bó với Thủ đô tiếp tục kiến tạo những ký ức văn hóa, đặt tiền đề cho cách sống cùng với “di sản”.

Nguyễn Tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *