Lễ hội

Lễ hội truyền thống Bích Câu Đạo Quán

Ngày 4 tháng 2 âm lịch năm Giáp Thìn 2024, tại di tích Bích Câu Đạo Quán, phường Cát Linh, quận Đống Đa đã diễn ra lễ hội truyền thống Bích Câu Đạo Quán kỷ niệm ngày thành đạo của Tiên ông Trần Tú Uyên.

Màn rước kiệu tại Lễ hội truyền thống Bích Câu Đạo Quán năm 2024 – Ảnh: KTĐT

Bích Câu Đạo Quán nằm toạ lạc trên phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa. Di tích được xây dựng vào thời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, là nơi để các đạo sĩ đến luyện phép trường sinh và thờ cúng thần tiên.

Nhân vật thờ trong Bích Câu Đạo Quán là Tiên ông Trần Tú Uyên. Theo truyện “Bích Câu kỳ ngộ ký” của Đoàn Thị Điểm thì vào đời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) có chàng trai nghèo tên là Trần Tú Uyên chỉ dựng được một căn lều tạm bên ngòi nước ở phường Bích Câu làm nơi ăn học. Một hôm đi xem hội ở chùa Ngọc Hồ (tức chùa Bà Ngô, nay thuộc phường Văn Miếu), Tú Uyên gặp tiên nữ Giáng Kiều, hai người cảm mến và yêu nhau, nhưng do người trần và tiên nữ nên họ không đến được với nhau. Để được sống gần người yêu, tiên nữ Giáng Kiều đã hoá phép náu mình vào bức họa rồi hiện hình thành người trần thế chung sống với chàng Tú Uyên. Họ sinh được một con trai đặt tên là Châu Nhi. Sau này Tú Uyên sinh ra phóng đãng, uống rượu, bỏ học hành. Khuyên can chồng không được, Giáng Kiều tức giận bỏ về trời. Tú Uyên sống một mình hiu quạnh, buồn bã toan tự tử thì Giáng Kiều lại xuất hiện khuyên can chồng chú tâm học nghề thuốc cứu người. Tú Uyên nghe lời vợ học hành thành đạt, cứu chữa cho người dân quanh vùng. Được một thời gian thì cả hai cùng cưỡi hạc bay về trời, Nhân dân đã kính cẩn lập đền thờ ngay trên nền nhà học cũ gọi là Bích Câu Đạo Quán.

Màn trống hội mở màn Lễ hội truyền thống Bích Câu Đạo Quán năm 2024 – Ảnh: KTĐT

Từ xưa, Bích Câu Đạo Quán không chỉ là nơi thờ phụng Đức Tiên ông Trần Tú Uyên mà đây còn là nơi hội tụ của các vị tao nhân, mặc khách đến xin thư, ca, phú, dâng thơ, vịnh thơ, xin đơn thuốc đều linh nghiệm. Các vị quan lại, nho sinh học và làm việc ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng thường qua lại quán, biến nơi đây thành địa điểm tụ hội của những tài năng văn chương trong cả nước.

Bích Câu Đạo Quán là một di tích tiêu biểu và được xem như sự khởi đầu của việc truyền bá những tư tưởng của Đạo Lão trong tôn giáo ở Việt Nam. Với những giá trị của di tích, ngày 02/3/1990, Bích Câu đạo quán đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Lễ hội truyền thống Bích Câu Đạo Quán được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng 2 âm lịch kỷ niệm ngày thành đạo của Tiên ông. Trong ngày hội chính có các chương trình như: lễ tụng kinh thỉnh Phật, thỉnh Thánh, tế lễ. Sau phần lễ là chương trình văn nghệ biểu diễn ca trù và hoạt cảnh Tiên ông tu học, làm thuốc cứu người rồi gặp tiên nữ. Buổi chiều dành cho dân làng và khách thập phương vào dâng hương làm lễ.

Biểu diễn Ca trù tại Lễ hội Bích Câu Đạo Quán năm 2024 – Ảnh: Báo Công thương

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Sơn – Trưởng tiểu Ban Quản lý Di tích Bích Câu Đạo Quán: Năm Giáp Thìn 2024 là năm rồng nên lễ hội năm nay ngoài múa lân, khiêng kiệu còn có múa rồng. Bên cạnh cạnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trình diễn còn có viết tặng thư pháp… nhằm tạo nên những nét đặc sắc và lan toả mạnh mẽ các giá trị văn hoá truyền thống của di tích Bích Câu Đạo Quán tới cộng đồng.

Nhiều năm qua, Bích Câu Đạo Quán còn là địa chỉ quen thuộc của khán giả yêu thích ca trù. Đây được chọn là nơi biểu diễn của Câu lạc bộ ca trù của NSƯT Bạch Vân và cũng là nơi có nhiều lớp học ca trù miễn phí do Nghệ nhân ưu tú Vân Mai tổ chức. Ngoài ra, tại Bích Câu Đạo Quán còn có các hoạt động nghệ thuật truyền thống khác như: trình diễn, giao lưu hát xẩm, chầu văn của Câu lạc bộ Ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội, học hán nôm, học võ, học dưỡng sinh… được tổ chức định kỳ, thu hút đông đảo người dân đủ các lứa tuổi tham gia.

Cũng theo Trưởng tiểu Ban Quản lý Di tích Bích Câu Đạo Quán Nguyễn Xuân Sơn: Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Bích Câu Đạo Quán sẽ là địa điểm của những người yêu ca trù cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, tiến tới trở thành điểm du lịch văn hoá hấp dẫn của Hà Nội.

Bích Câu Đạo Quan hiện là một trong cụm di tích quan trọng của quận Đống Đa nói riêng cũng như thành phố Hà Nội nói chung. Tin rằng với việc làm tốt công tác tôn tạo, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng như các di sản văn văn hoá phi vật thể tiêu biểu, thì cùng với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bích Câu Đạo Quán hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch lịch sử, văn hoá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội.

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *