Lễ hội vật trâu giằng búa của thôn Bến Bây, xã Chí Chủ xưa (nay là xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Làng Chí Chủ trước đây có 3 thôn, mỗi thôn thờ một ông thành hoàng, đều có sắc phong của các triều đại phong kiến xưa. Do chiến tranh nhiều năm đình làng không còn nữa, ngày nay chỉ còn lại 7 sắc phong của triều Nguyễn. Sắc phong vị thành hoàng Đào tướng quân của vua Minh Mạng (1820 – 1840).
Dân thôn Bến Bây tâm niệm: Đào tướng quân là vị thần rất linh thiêng. Mọi người phải tránh tên huý của thần, lễ hội giằng búa là để nhớ lại tục lệ luyện và khao quân của Đào tướng quân thuở xưa. Tương truyền Đào tướng quân là vị tướng to cao lẫm liệt, sức khỏe phi thường, đa mưu, đa kế, vào trận tả xung hữu đột, trí dũng thông minh, phi thường. Sau các trận đánh thắng, tướng quân thường khao quân, cho quân lính giằng búa đập đầu trâu rồi giết mổ, đồng thời ban thưởng cho ai giằng được búa.
Đình làng Bến Bây tổ chức lễ hội giằng búa vào sáng mồng hai Tết Nguyên Đán hàng năm. Để có ngày lễ hội này, cả dân làng phải chuẩn bị rất công phu với những quy định chặt chẽ. Trước hết là việc đi tậu trâu, chăm sóc trâu. Thôn Bến Bây chia làm bốn dâu, người cao tuổi nhất trong thôn được đứng dâu nhất. Dâu nhất năm ấy được đăng cai cho mọi việc lễ hội trong năm, việc mua giữ trâu, đến mua sắm mọi lễ vật từ rằm tháng chạp năm trước đến sáng ngày mồng hai Tết Nguyên Đán là ngày cầu chính.
Trâu được tậu về nhà ông "đăng cai" đúng vào ngày rằm tháng chạp. Gia đình ông "đăng cai" làm ván lễ, lễ thành hoàng và cầu mong cùng gia đình trông nom, gìn giữ trâu thờ được mạnh khỏe béo tốt. Cúng lễ xong ông đăng cai nổi chiêng trống báo cho dâu làng đến chiêm ngưỡng trâu thờ. Hàng ngày theo thứ tự đã được định trước, các gia đình lần lượt cắt cỏ, lấy rơm sạch, nước uống và tắm rửa cho trâu bóng nhẫy, ngày này qua ngày khác cho đến sáng mông hai Tết.
Dắt trâu ra đình làm lễ cúng thành hoàng. Cũng giờ này mọi gia đình đều dạy sớm, ăn mặc chỉnh tề, đến nhà ông đăng cai để tham gia vui hội cầu trâu thờ thần. Dắt trâu ra đình thờ gồm có 8 người trai tráng tuổi từ 18 đến 30 tuổi, gia đình không có tang ma, bản thân không có khuyết tật, có đạo đức phẩm chất tốt. Họ không chỉ là trai trẻ, khoẻ mạnh mà hình thể phải nở nang, cân đối, trông như một dũng sĩ. Họ phải được kiêng kỵ sạch sẽ từ những ngày trước, không được nói năng khiếm nhã, tròng ghẹo phụ nữ. Sáng ngày mồng hai Tết, mặc dù có những năm vào ngày mưa rét lạnh, 8 trai tráng này phải tắm rửa sạch sẽ tại giếng của làng. Những trai này phải cởi trần, quần dài trắng sắn ống quần thật cao, chân đất, đầu đội khăn xanh bỏ mối – sau gáy, lưng thắt bao xanh có mối bỏ bên phải. Để chống rét họ phải xoa các bắp thịt cho nhau, vỗ ngực, làm những động tác cho người hồng hào, có người phải uống nước mắm để chống rét. Họ tập trung ở nhà ông đăng cai để ăn bánh lọc trước khi đi cầu. Ông đăng cai đã chuẩn bị hai mâm sà có sơn son thiếp vàng. Một mâm để ván thờ gồm có sôi nếp trắng, một con gà thiến chín, một mâm rượu, một bát nước, đĩa trầu cau, hương nhang, đèn nến, có người cầm tàn che. Một mâm đựng trầu cau do các gia đình trong thôn góp lại. Mâm này cũng có người cầm tàn che. Mọi việc chuẩn bị xong, ông chủ tế mặc áo thụng xanh quần dài trắng chỉnh tề vào xin đem trâu ra đình làm lễ.
Từ nhà đăng cai đoàn người dắt trâu ra đình, người đi đầu tiên là người đứng tuổi, cao đẹp thuộc người dâu nhất, cầm đóm bằng những cây cỏng (cây chít) được chẻ làm đôi, bỏ ruột, bóc bẹ nhẵn nhụi, được chuẩn bị ngâm phơi từ trước. Người thứ hai thuộc dâu hai cầm gươm. Người thứ ba thuộc dâu ba cầm búa. Búa thờ có cán dài 70cm, người đi thứ tư thuộc dâu tư cầm trống khẩu. Trống có hai mặt bằng da, đường kính mặt trống 30cm, tang trống làm bằng gỗ mít, sơn son vẽ rồng tất cả những người này đều ăn mặc thống nhất, khăn đội đầu bằng vải đen bỏ mối phía sau, áo the mặc ngoài áo dài trắng, ngoài cùng là áo nỉ đỏ có rồng chầu, hổ phục, thắt lưng xanh bỏ mối phía phải, quần trắng, chân đất, kế đến là vị chủ tế, rồi đến ông đăng cai, tiếp đến là người đội các mâm cỗ thờ; các quan viên mặc quần áo chỉnh tề, tiếp theo là 8 người dắt trâu, mỗi bên chạc bốn thanh niên đối diện nhau. Đi đầu cầm chạc trâu là hai thanh niên dâu tử. Khi ra khỏi nhà đăng cai, tất cả hàng ngũ được chấn chỉnh lại thành một hàng dọc thẳng tắp với quần áo đủ mầu. Đến cửa giữa đại bát người cầm đóm đạp mạnh vào cửa đình, cửa mở toang ra, các cửa khác được trai tráng trực sẵn nhắc ra xếp gọn vào một chỗ. Người cầm đóm đi tiếp vào hậu cung, cửa cung đình được mở hết, các mâm thờ được đặt lên sập thờ. Các công việc chuẩn bị cho lễ cầu đã xong, các quan viên vào chiếu tế. Đoàn dắt trâu đứng nghiêm trang giữa sân đình, dân làng vây quanh, đông chật hai bên tả mạc. Tất cả chờ tế xong sẽ đắt trâu ra bãi vật.
Cuộc tế lễ bắt đầu, ông chủ tế vào tế, các quan viên cũng lễ theo, sau đó lần lượt bốn người cầm đóm, gươm, búa, trống vào lễ, cuối cùng là 8 trai tráng dắt trâu thay nhau vào lễ. Sau khi lễ xong, ông chủ tế cầm bát rượu từ trong hậu cung ra, dừng bước trước đầu trâu khấn vái rồi đổ rượu vào đầu trâu. 8 người được lệnh dắt trâu ra bãi vật. Người ta dùng hai thòng lọng to cho trâu bước vào tròng rồi cùng nhau hô to vật đổ trâu.
1 tráng sĩ trong số 8 người này được cử vào lĩnh búa thờ tại cung đình. Lễ tạ thành hoàng xong, ông chủ tế trao búa thờ, người lĩnh búa chạy một mạch ra bãi vật. Ra giữa bãi vật, búa được tung lên cao, thế là hội giằng búa bắt đầu. Một cuộc giằng co, dượt đuổi, trèo kéo, tiếng trống, với tiếng hò reo cổ vũ của người dân vang lên từng hồi. Sau một hồi lâu giằng búa, ban tổ chức nổi chiêng chấm dứt cuộc chơi này và cho mổ trâu để sắm cỗ thờ vào sáng ngày mông ba Tết.