Sự kiện

Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố

Sáng 2/6, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 130 năm ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 – 5/6/2019).

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm – Ảnh: HNM

Lễ kỷ niệm do Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch Nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức.

Tham dự Lễ kỷ niệm, về phía Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Các đại biểu của TP Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội qua các thời kỳ và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm – Ảnh: HNM

Trong bài diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trân trọng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố – Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là một trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Quốc hội và Chính phủ, nhà văn hóa uyên bác của dân tộc, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người con ưu tú của quê hương Hà Nội.

Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm thống trị, cụ Nguyễn Văn Tố đã chứng kiến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo … nhưng đều thất bại. Và từ thực tiễn lịch sử đó, cụ sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.

Từ nhỏ đã nổi tiếng là người có tư chất thông minh, tinh thông Nho học, giỏi ngôn ngữ Pháp và am tường văn hóa phương Tây, năm 1905, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự – Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 1906, cụ chính thức được nhận vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội và chỉ sau mấy năm, đã trở thành một học giả nổi tiếng, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, nhất là về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Năm 1921, học giả Nguyễn Văn Tố được cử làm Chủ sự Tạp chí Trí tri của Hội Trí tri – Một tổ chức có uy tín trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc dạy và học tiếng Pháp ở Bắc Kỳ. Năm 1934, Nguyễn Văn Tố đã được bầu làm Hội trưởng Hội Trí tri. Với tầm hiểu biết sâu rộng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả là tinh thần yêu nước, Nguyễn Văn Tố đã khảo cứu, biên soạn nhiều công trình, bài viết có giá trị về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học… của dân tộc và đăng trên những tạp chí có uy tín thời đó. Những công trình, bài viết này đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, những trang viết về lịch sử, văn hóa dân tộc của Nguyễn Văn Tố còn khơi gợi lên tinh thần đấu tranh yêu nước của nhân dân ta.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm

Đầu năm 1938, Hội Truyền bá quốc ngữ (gọi tắt là Hội truyền bá quốc ngữ) được thành lập và cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Hội trưởng. Trên cương vị Hội trưởng, cụ Nguyễn Văn Tố đã vận động và tổ chức phong trào dạy – học chữ quốc ngữ sôi nổi trong cả nước, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia.

Cùng với sự nỗ lực không ngừng của các thành viên trong Hội truyến bá quốc ngữ, từ năm 1938 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Văn Tố đã giúp cho hơn 7 vạn người Việt Nam thoát khỏi nạn mù chữ, góp phần làm thất bại “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp. Thông qua phong trào dạy – học chữ quốc ngữ, tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng của nhân dân đã được bồi đắp và củng cố, nâng cao. Dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Tố, Hội Truyền bá quốc ngữ, với hệ thống tổ chức và thành viên rộng khắp trong cả nước, đã tạo tiền đề quan trọng cho thành công của cuộc đấu tranh diệt “giặc dốt” của chính quyền cách mạng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nền dân chủ mới ra đời, với tinh thần đoàn kết dân tộc, quý trọng và kêu gọi những người có tài, có đức tham gia giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội.

Thời gian này, cụ Nguyễn Văn Tố đã tổ chức thành lập Hội cứu đói ở nhiều địa phương, vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần tinh thần tương thân, tương ái, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “sẻ cơm, nhường áo”, cứu giúp những người đang bị đói. “Để giải quyết nạn đói về căn bản, cùng với những biện pháp cấp bách, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ động viên các tầng lớp nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Nhờ sự chỉ đạo khẩn trương của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn dân, nạn đói đã bị đẩy lùi, thế và lực của cách mạng ngày càng tăng, góp phần đưa cách mạng nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo, từng bước củng cố và phát triển. Trong thành tựu chung đó của dân tộc, có phần đóng góp xứng đáng của cụ Nguyễn Văn Tố” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm

Ngày 6/1/1946, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của cả nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã được nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội và ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa I, cụ đã được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong bối cảnh đất nước còn hết sức khó khăn, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội đoàn kết chặt chẽ, cùng sát cánh với Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, hoạch định và chỉ đạo thực thi các chính sách đối nội, đối ngoại; thay mặt cho Quốc hội và nhân dân góp ý, đề nghị sửa đổi các sắc lệnh về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội của Chính phủ trước khi các sắc lệnh được ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ: Một trong những cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 – ban Hiến pháp đầu tiên của nước ta, với những nội dung tư tưởng tiên tiến, mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay.

Trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Thường trực Quốc hội tích cực ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc thực thi sách lược đối ngoại tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và những phần tử tay sai.

Thời gian cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức vụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội 8 tháng (từ tháng 3 đến tháng 11/1946), đó là thời gian khó khăn, gay cấn nhất của cách mạng nước ta. Với cương vị đứng đầu Quốc hội, cụ đã cùng Ban Thường trực Quốc hội tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều chính sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và đời sống nhân dân.

Hoạt động của Quốc hội trong thời gian cụ là Trưởng Ban Thường trực đã để lại dấu ấn sâu sắc, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì nước, vì dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, sự đoàn kết, ủng hộ, gắn bó của Quốc hội với Chính phủ trong giai đoạn này là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam mà cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần thực hiện.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm

Tháng 11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được mời trở lại tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng. Trên cương vị mới, cụ vừa tham gia góp ý, xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ, vừa góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng đời sống mới, tạo dựng thế và lực cho sự nghiệp cách mạng.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngày 19/12/1946, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc, tham gia nhiều công việc của Chính phủ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Phó chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, cụ đã tích cực chỉ đạo công việc tháo dỡ, di chuyển máy móc, trang thiết bị lên Việt Bắc phục vụ cho kháng chiến lâu dài; tổ chức cho đồng bào tản cư nơi ăn, chốn ở, động viên nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Tháng 10/1947, quân Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, cụ Nguyễn Văn Tố bị địch bắt và đã hy sinh oanh liệt trước mũi súng kẻ thù. Sự hy sinh của cụ là một tổn thất lớn lao của Chính phủ, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Quốc hội và nhân dân cả nước. “Cụ Nguyễn Văn Tố đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc. Cụ đã nêu tấm gương mẫu mực của một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa uyên bác; nhà lãnh đạo đức độ, tài năng của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là tấm gương sáng luôn nêu cao tinh thần cần kiệm, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý cá nhân”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ: Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố là dịp để tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cũng là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm

Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của Cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động chia sẻ: “Noi gương cụ, trong mọi hoạt động, công tác, mỗi chúng ta phải luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc và của Đảng lên trên hết; không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các tiên liệt anh hùng dân tộc, trong đó có Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố – Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của Quốc hội Việt Nam”.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm

Cũng tại Lễ kỷ niệm, GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII khẳng định: Thân thế, con người, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố càng làm sáng tỏ hơn về sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng nhân tài.

GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi, lớp học sinh của cụ, sẽ luôn khắc sâu trong tâm khảm tấm gương hiếu học, nâng cao trí tuệ, rèn luyện bản thân, giữ gìn nhân cách cao đẹp và cống hiến với tất cả tài, trí của mình cho nhân dân, cho Tổ quốc. Hình ảnh cụ Nguyễn Văn Tố sẽ mãi mãi tỏa sáng trong thế hệ chúng tôi và con cháu chúng tôi, tự nguyện phấn đấu, rèn luyện để có thể hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó”.

Trong phần kết thúc Lễ kỷ niệm là bài phát biểu của ông Phạm Đức Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Bài phát biểu nêu rõ: Cán bộ, giáo viên, học sinh Trung tâm luôn tự hào được giảng dạy, học tập tại ngôi trường mang tên Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố. Trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử của ngôi trường đã có hơn một thế kỷ làm công tác giáo dục, thi đua dạy tốt – học tốt, giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của ngành trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên của Thủ đô. Trung tâm chủ trương lồng ghép nhiệm vụ dạy văn hóa hướng nghiệp và dạy nghề, đa dạng hóa nội dung chương trình và hình thức học tập… Trong đó có các lớp học dành cho người khiếm thị, dạy nghề hướng nghiệp cho học sinh, dạy nghề sản xuất cho người dân, nâng cao chất lượng giáo dục… đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục suốt đời của người dân Thủ đô nói riêng và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng nói chung.

P.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *