Di sản – Bảo tồn

Lễ kỷ niệm Ngày đại Đăng khoa của Tiến sĩ Nguyễn Ly Châu và Nguyễn Châu Mạo

Sáng 3/12, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Đảng ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ xã Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày đại Đăng khoa của Tiến sĩ Nguyễn Ly Châu và Nguyễn Châu Mạo – Danh nhân khoa bảng thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.

Đến dự có bà Lâm Thị Phương Thanh – UV Ban chấp hành TW Đảng, Phó Chánh văn phòng TW Đảng; ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc Hội; ông Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội; ông Cao Văn Thống – Ủy viên UB kiểm tra TW; ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Chu Đức Nhuận – Vụ trưởng Vụ Khoa giáo văn xã Vưn phòng Chính phủ, UV Hội đồng Gíao dục quốc gia; ông Đỗ Đình Hồng – Thanh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Nguyễn Ngọc Việt – Thành ủy viên, Chánh Văn phòng HĐND Thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Thanh Liêm – Bí thư huyện ủy huyện Mê Linh; Cùng các đại biểu của Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh; lãnh đạo xã Văn Khê; các nhà khoa học của các cơ quan nghiên cứu Trung ương và Hà Nội; lãnh đạo Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đặc biệt, còn có đông đảo bà con là hậu duệ của hai vị Tiến sĩ đến từ thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, từ năm 1075 đến năm 1919, huyện Mê Linh có 9 người đỗ đại khoa. Theo đó, hai vị Tiến sĩ Nguyễn Ly Châu và Nguyễn Châu Mạo là những vị đã đỗ đạt cao, làm rạng danh quê hương Khê Ngoại. Họ tên, quê quán và thứ hạng đỗ đạt của hai vị Tiến sĩ được khắc trên các tấm bia Đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đời vua Lê Thánh Tông và khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực, hiện còn tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Nghiên cứu các tư liệu như chính sử, tư sử, Đăng khoa lục cho biết, Nguyễn Ly Châu, Giám sinh của Quốc Tử Giám, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đời Lê Thánh Tông khi 32 tuổi. Hơn 30 năm sau, quê hương Khê Ngoại lại có thêm một người vinh danh bảng vàng, đó là Tiến sĩ Nguyễn Châu Mạo. Năm 25 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời Lê Tương Dực. Cả hai vị Tiến sĩ đều đỗ đạt, làm quan, cống hiến tài năng của mình cho triều Lê sơ. Hai ông đều có điểm tương đồng khi được các vua Lê sơ cho đảm nhận vị trí trưởng, phó của Ngự sử đài – nơi giữ phong hóa pháp độ của Nhà nước. Nguyễn Ly Châu từng trải đến chức Phó Đô Ngự sử, trật Chánh tứ phẩm và Nguyễn Châu Mạo giữ chức Đô Ngự sử, trật Chánh tam phẩm.

Các nhà khoa học phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học đã làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Ly Châu, Nguyễn Châu Mạo với quê hương đất nước; Cùng những giá trị của di sản của hai danh nhân khoa bảng – Tiến sĩ Nguyễn Ly Châu và Nguyễn Châu Mạo trong điều kiện hiện nay.

Thái Hòa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *