Người hâm mộ điện ảnh chẳng xa lạ gì với cái tên Quentin Tarantino – vị đạo diễn sở hữu phong cách làm phim độc nhất vô nhị ở Hollywood. Các tác phẩm của ông đều thành công vang dội tại phòng vé cũng như nhận được vô số lời khen ngợi của giới phê bình.
Một số tác phẩm đặc sắc của Quentin Tarantino
Pulp Fiction (Chuyện Tào lao, 1994)
Pulp Fiction chính là tác phẩm tạo nên thương hiệu của Quentin Tarantino khi mang về doanh thu 214 triệu USD so với kinh phí chỉ vỏn vẹn 8 triệu. Không những thế, bộ phim còn chiến thắng Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 1994 và giành được đến 7 đề cử Oscar, trong đó có hạng mục Phim Xuất sắc. Ngay khi ra mắt, tác phẩm nhanh chóng trở thành một phần của văn hóa đại chúng Mỹ và đưa tên tuổi của bộ ba John Travolta, Samuel L. Jackson và Uma Thurman trở thành sao hạng A.
Dùng kết cấu chương hồi không theo thứ tự thời gian, Quentin Tarantino, với thứ ngôn ngữ điện ảnh riêng, đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, đen tối và đậm tính nghệ thuật về chiếc vali bí ẩn cùng hai gã tội phạm máu mặt. Âm nhạc, những màn đối thoại đỉnh cao, chất bạo lực bất ngờ,… chính là thứ khiến người hâm mộ “mê mệt” từ tác phẩm này.
2 phần phim Kill Bill (Cô dâu báo thù, 2003 và 2004)
Sau Pulp Fiction, Quentin Tarantino tiếp tục tái ngộ Uma Thurman trong hai phần phim Kill Bill. Nhiều cảnh quay và khung hình trong bộ đôi siêu phẩm này đã trở thành biểu tượng của ông, từ bộ trang phục mang phong cách Lý Tiểu Long của Cô dâu cho tới những thước phim hoạt hình về quá khứ của O-Ren Ishii (Lucy Liu).
Phần phim đầu tiên mang đậm màu sắc nữ quyền với câu chuyện trả thù đẫm máu bởi loạt cảnh hành động cách điệu hóa đặc trưng của Quentin. Trong khi đó, Kill Bill: Volume 2 ra mắt chỉ 6 tháng sau lại chậm rãi và nhẹ nhàng hơn hẳn. Tác phẩm tập trung giải quyết những mâu thuẫn và câu chuyện bí ẩn của người tiền nhiệm cũng như khắc họa rõ nét tính cách các nhân vật nhờ lối dẫn dắt tài tình.
Inglourious Basterds (Định mệnh, 2009)
Lấy bối cảnh Thế Chiến II, Quentin Tarantino đã chứng tỏ rằng bản thân không ngại ngùng thay đổi lịch sử để tạo nên những tuyệt tác theo ý muốn. Inglourious Basterds tiếp tục thể hiện rõ phong cách xây dựng những màn đối thoại đỉnh cao của ông bằng đoạn mở đầu kéo dài 15 phút kinh điển. Phim là bức tranh đầy màu sắc về chiến tranh khi mang đậm tính bạo lực lẫn nhân văn từ cả hai đầu chiến tuyến.
Không những thế, Inglourious Basterds còn sở hữu kịch bản tuyệt vời do chính Quentin Tarantino chấp bút khi liên kết một cách ấn tượng những câu chuyện tưởng chừng không liên quan. Tác phẩm nhận được đến 8 đề cử Oscar và giúp Christoph Waltz mang về tượng vàng danh giá. Phim cũng đánh dấu lần đầu kết hợp giữa Quentin Tarantino và Brad Pitt.
Django Unchained (Hành trình Django, 2012)
Ra mắt năm 2012, Django Unchained là sự kết hợp giữa Inglourious Basterds và Kill Bill khi xoay quanh hành trình báo thù của một nô lệ da đen ngay trong lòng nước Mỹ năm 1858. Câu chuyện của Django không chỉ nhuốm màu tàn bạo mà còn ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ bởi cách xây dựng các tuyến nhân vật vô cùng độc đáo cùng dàn diễn viên tên tuổi.
Giống với nhiều bộ phim khác của Quentin Tarantino, tác phẩm đã nhận được hang loạt đề cử, giải thưởng danh giá và chiến thắng vang dội tại phòng vé. Phim giúp Christoph Waltz nhận tượng vàng Oscar thứ 2 trong sự nghiệp cũng như đánh dấu một trong những màn trình diễn tuyệt vời nhất của Leonardo DiCaprio trên màn ảnh rộng.
Once Upon a Time in Hollywood (Chuyện ngày xưa ở… Hollywood, 2019)
Năm 2019 này, Quentin Tarantino sẽ tái ngộ người hâm mộ với Chuyện ngày xưa ở… Hollywood sau 5 năm trời ấp ủ. Tác phẩm được vị đạo diễn viết kịch bản dựa trên những kí ức của chính mình và được ví như bức thư tình gửi đến thời hoàng kim của Hollywood những năm 1960. Với câu chuyện về tài tử hết thời Rick Dalton cùng anh bạn đóng thế Cliff Booth, ông sẽ bóc trần những mặt trái của kinh đô điện ảnh cũng như tái hiện vụ án mạng nữ diễn viên Sharon Tate chấn động cả thế giới.
Phim không chỉ là màn tái ngộ giữa Brad Pitt và Leonardo DiCaprio với Quentin Tarantino mà còn đánh dấu lần đầu kết hợp giữa hai tài tử điển trai, tài năng hàng đầu màn ảnh rộng này. Với dàn diễn viên tài năng, câu chuyện hấp dẫn và đầy hứa hẹn, Chuyện ngày xưa ở… Hollywood đã được giới phê bình đánh giá là xuất sắc cũng như mang đậm phong cách cá nhân bậc nhất của Quentin Tarantino.
Phong cách làm phim độc nhất vô nhị của Quentin Tarantino
Ông hoàng hội thoại
Hiếm ai có thể xây dựng được những màn hội thoại đỉnh cao như Quentin Tarantino trong Pulp Fiction.Quentin Tarantino chính là “ông hoàng hội thoại” của Hollywood khi tạo nên sự căng thẳng tột độ chỉ bằng những cuộc nói chuyện thông thường. Ông thường để các nhân vật dẫn dắt người xem bằng hàng loạt những câu chuyện không liên quan và hiếm khi đi thẳng vào vấn đề chính. Song, mỗi câu thoại đều ẩn chứa rất nhiều hàm ý cũng như liên quan mật thiết đến tổng thể tác phẩm.
Từ đó, hàng loạt mâu thuẫn giữa các nhân vật ngày một hiện ra và hứa hẹn những mối nguy hiểm chực chờ bùng phát. Trong khi nhịp độ đối thoại được giữ vững thì yếu tố kịch tính lại càng tăng lên một cách rõ rệt. Cho đến cuối cùng, tất cả cùng tạo nên một màn cao trào ấn tượng và thỏa mãn mọi thứ mà người xem mong đợi.
Xây dựng kịch bản tài tình
Ở mỗi tác phẩm, Quentin Tarantino lại chọn một cách tiếp cận và khai thác câu chuyện khác nhau. Có lúc, ông đảo vị trí thời gian giữa các phần như những gì đã diễn ra trong Pulp Fiction hay Kill Bill: Volume 1. Đôi khi, ông lại xây dựng hàng loạt câu chuyện không hề liên quan nhưng lại đến cuối cùng lại kết nối thành một bức tranh tổng thể đầy màu sắc như Inglourious Basterds.
Đặc biệt, các bộ phim của Quentin đều chứa đựng những đoạn hồi tưởng kéo dài và thú vị không kém gì câu chuyện chính. Qua đó, từng hành động, lời nói hay tâm lí của các nhân vật đều được giải thích một cách rõ nét và độc đáo. Khó ai mà đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo trong từng tác phẩm của vị đạo diễn này.
Ngay cả với những bộ phim lịch sử, Quentin cũng sẵn sang “bẻ lái” để tạo ra bất ngờ vào phút chót. Đó chính là lí do khiến cả thế giới mong chờ xem ông sẽ xử lí ra sao với vụ án nổi tiếng bậc nhất ngành điện ảnh trong Chuyện ngày xưa ở… Hollywood.
Hành động đậm chất bạo lực
Hiếm có đạo diễn nào ở Hollywood lại đa tài như Quentin Tarantino khi vừa làm kịch bản tuyệt vời vừa dàn dựng được yếu tố hành động cực chất. Các bộ phim của ông đều nhuốm màu bạo lực với những màn chiến đấu đậm dấu ấn riêng. Nếu đã xem Kill Bill, Inglourious Basterds hay Django Unchained, người xem sẽ nhận ra những trường đoạn hành động đều quá “ảo diệu” so với đời thực. Song, Quentin đã khéo léo thêm vào sự điên cuồng, tốc độ cao, tính tàn bạo để khiến chúng trở nên chân thật và đáng sợ hơn bao giờ hết.
Bậc thầy phim độc lập và lời hứa giải nghệ sau 10 tác phẩm
Tên tuổi của Quentin Tarantino gắn liền với dòng phim độc lập khi chỉ cần một tác phẩm là truyền tải được trọn vẹn câu chuyện cũng như thỏa mãn khán giả. Hai phần phim Kill Bill vốn dĩ là một nhưng bị chia đôi cho thời lượng quá dài. Phim của Quentin cũng chẳng được xếp vào hàng bom tấn khi kinh phí không quá cao và phần lớn được chi vào việc xây dựng bối cảnh thật chứ không hề lạm dụng kĩ xảo bắt mắt nhưng sáo rỗng.
Không những thế, ông cũng là người viết kịch bản cho tất cả các tác phẩm của mình. Vì vậy mà mỗi bộ phim đều được vị “quái kiệt” thai nghén trong nhiều năm mới có thể đến được với khán giả. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân ông nhiều lần khẳng định sẽ giải nghệ sau 10 phim và Chuyện ngày xưa ở… Hollywood đã là tác phẩm thứ 9.
Với tài nghệ của Quentin Tarantino cùng sự góp mặt của dàn diễn viên tên tuổi như Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và Margot Robbie, Chuyện ngày xưa ở… Hollywood chính là bộ phim khó có thể bỏ qua trong tháng 8 này. Tác phẩm chính là sự lựa chọn hàng đầu cho các “mọt phim” yêu thích quái kiệt của làng điện ảnh và những khán giả muốn tìm kiếm sự mới mẻ giữa một rừng bom tấn cháy nổ quen thuộc.
Thanh Huyền