Lễ hội

Long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 1981 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng (43-2024)

Ngày 14/4 (tức ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch), Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phúc Thọ long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 1981 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng (43-2024).

Lễ dâng hương tưởng niệm 1981 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng

Mùa Xuân năm 40, đất nước ta dưới sự đô hộ của nhà Đông Hán. Hai Bà Trưng đã tụ quân, dựng cờ khởi nghĩa, chiến đấu chống lại quân xâm lược. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã giành thắng lợi, thu phục được 65 thành trì, non sông thu về một mối, nhân dân được hưởng thái bình.
Tuy nhiên, đến năm 42, vua Hán cử tướng Mã Viện đem hàng vạn binh lính sang tái xâm lược nước ta. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đến năm 43, quân của Hai Bà Trưng không đủ sức kháng cự. Để tránh sa vào tay giặc, Hai Bà đã gieo mình xuống dòng sông Hát vào ngày 6 tháng 3 (Âm lịch).
Để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà, bởi thế cứ vào ngày 6 tháng 3 (Âm lịch) hàng năm, lễ hội đền Hát Môn được người dân địa phương tổ chức một cách chi tiết, kỹ lưỡng để mọi người chiêm bái, hướng về cội nguồn dân tộc cũng như bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với hai vị nữ tướng anh dũng của nước nhà.
Tại buổi lễ, xã Hát Môn đã tổ chức lễ rước bánh trôi dâng lên Hai Bà.

Tương truyền, khi bị quân giặc truy đuổi, Hai Bà Trưng đã dừng chân tại một quán nhỏ ven đường, được bà quán nước mách bảo: “Phái trước là sông sâu, vận trời khó đoán, mong Hai Bà bảo trọng”. Sau khi ăn bánh trôi, biết trước vận trời, để bảo toàn khí tiết, Hai Bà đã sai quân mang chôn cất ấn tín, cùng đoàn quân gieo mình xuống dòng sông Hát. Kể từ đó, để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà, hàng năm, Nhân dân xã Hát Môn làm bánh trôi dâng cúng vào ngày giỗ của Hai Bà vào ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch. Nghi lễ rước bánh trôi là nghi lễ hết sức quan trọng, mang đậm tính tâm linh và văn hóa sâu sắc. Lễ rước có sự tham gia của Nhân dân 10 thôn dân cư.
Những đĩa bánh trôi dâng lên Hai Bà được làm theo một quy trình nghiêm ngặt. Việc chuẩn bị lễ vật cúng tế không thực hiện tại khuôn viên Đền mà được thực hiện tại một gia đình trong làng gọi là nhà chứa lễ. Gia đình chứa lễ phải là gia đình song toàn, còn đủ ông bà, con cái có đủ trai đủ gái, gia phong nền nếp. Lúc này, các cụ trong Ban tu lễ sẽ đến để làm bánh trôi chuẩn bị dâng cúng Hai Bà. Gạo dùng để giã lấy bột làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, chọn bỏ hạt đen, hạt vỡ. Bột để làm bánh dâng cúng phải giã bằng tay, bánh được làm với quy trình vô cùng cẩn thận từ trùng bánh, khám bánh, tắm bánh trước khi dâng cúng lên Hai Bà. Quy trình làm bánh trôi dâng cúng Hai Bà phải do ban tu lễ thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tế. Bánh trôi cúng là bánh chay, được xếp lên bát, giữa bát phải dành khoảng trống để rưới nước mật. Nước mật cũng được chế biến công phu, nấu từ mật mía, hoa hồi, quế, thảo quả và phải đảm bảo có màu trong như hổ phách, đậm, sánh, ngọt, thơm.
Sau khi hoàn tất các công đoạn làm bánh, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ để cùng rước bánh về Đền dâng lên Hai Bà theo nghi thức truyền thống. Bánh dâng cúng phải xếp vào quả rước có nắp đậy (quả rước giống như tráp đựng trầu cau to và có nhiều ngăn xếp chồng lên nhau) và làm lễ rước quả về Đền.
Sau phần rước lễ làng, các thôn dân cư tập trung tại trụ sở UBND xã để rước bánh trôi mà các thôn đã chuẩn bị về Đền Hát Môn. Đội hình rước bánh đều được chọn cử ở các thôn khoảng 40 – 50 người (tuỳ số lượng mâm bánh) và là những phụ nữ đảm đang, mặc trang phục áo dài truyền thống. Khi các đoàn rước bánh về Đền, mỗi đoàn sẽ chọn ra một đĩa ngon nhất, đẹp nhất vào làm lễ, thành kính dâng lên Hai Bà, số còn lại để mời du khách thập phương thụ lộc.
Cũng từ lệ này, người dân Hát Môn dù ở quê hay xa quê đều không ăn bánh trôi vào Tết Thanh minh (3/3 Âm lịch), chỉ đến ngày 6/3, sau khi làng đã dâng bánh cúng Hai Bà, các gia đình mới mở tiệc bánh trôi để thể hiện sự tôn kính với 2 vị nữ tướng.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Thành phố, huyện, các xã, thị trấn cùng dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt của Hai Bà Trưng

Tại buổi lễ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn đã tuyên chúc văn kỷ niệm 1981 năm Ngày giỗ Hai Bà Trưng. Trong không khí thiêng liêng, thành kính, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Thành phố, huyện, các xã, thị trấn cùng dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt của Hai Bà Trưng, những người đã viết nên những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước.

PT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *