Sân khấu

Lưu giữ ca trù Chanh Thôn

Làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) hiện đang bảo tồn, lưu giữ một loại hình văn hóa phi vật thể quý giá, đó là hát ca trù… Nét văn hóa xưa Theo các cụ trong làng kể lại, người Chanh Thôn biết hát ca trù từ cuối thế kỷ […]

Làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) hiện đang bảo tồn, lưu giữ một loại hình văn hóa phi vật thể quý giá, đó là hát ca trù…

Nét văn hóa xưa

Theo các cụ trong làng kể lại, người Chanh Thôn biết hát ca trù từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Cụ tổ ca trù của làng Chanh Thôn là cụ Nguyễn Văn Đỉnh. Sau này, các con, cháu, chắt của cụ đều theo nghiệp hát ca trù và là những ca nương giỏi của làng.

Một buổi tập luyện của CLB ca trù Chanh Thôn.

Những năm trước Cánh mạng Tháng Tám, làng Chanh Thôn đã có một đội hát ca trù gồm 17 kép đàn và 32 ca nương, đều được rèn luyện, hội tụ đủ những tiêu chuẩn khắt khe như: Giọng hát, năng khiếu âm nhạc, kiến thức âm nhạc để chuyển tải và thể hiện được những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Thời gian này ca trù phía Bắc phát triển rất mạnh, ca trù Chanh Thôn đã kết hợp với các phường giáo ca trù xung quanh thành phố Hà Nội. Hàng năm, các phường giáo ca trù đều tổ chức mở hội thi đàn hát ca trù để chọn kép đàn, ca nương giỏi đi phục vụ tại Cung đình Huế…
Cho tới ngày nay, ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam và cả nhân loại. Ca trù còn là nghệ thuật dân gian được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp… Những lý do trên đã khiến ca trù Chanh Thôn có cơ hội để thăng hoa, phát triển.

Cần được bảo tồn và phát triển

Từ một đội ca trù có tính chất dòng họ, năm 2008, làng Chanh Thôn đã thành lập CLB hát ca trù và phát triển trong toàn thôn. Người trẻ tuổi nhất tham gia CLB là 8 tuổi, người già nhất hiện nay là 92 tuổi… CLB ca trù Chanh Thôn hoạt động đều đặn, bài bản và có quy chế tổ chức rõ ràng. Ban chủ nhiệm CLB gồm có 4 người: Cụ Nguyễn Văn Vằng 92 tuổi (đánh trống chầu), cụ Nguyễn Thị Khướu 93 tuổi (ca nương), ông Nguyễn Hồng Ngưu (kép đàn) và bà Nguyễn Thị Ngoan 68 tuổi (Chủ nhiệm CLB).
Sau 10 năm thành lập, các cụ cao tuổi trong CLB đã dìu dắt được nhiều lớp ca nương trưởng thành để bảo tồn và phát huy ca trù Chanh Thôn. Họ đều là những người hát hay, đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi liên hoan ca trù thành phố và toàn quốc.

Các nghệ nhân truyền dạy ca trù cho con cháu ở đình làng

Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Xuyên, chúng tôi đến thăm CLB hát ca trù Chanh Thôn. Mới đến cổng làng, chúng tôi đã nghe rộn ràng tiếng trống, tiếng phách, tiếng luyến láy của giọng hát “vang, rền, nền, nảy” – đặc trưng của hát ca trù, của những ca nương trẻ với khăn áo chỉnh tề, “chuẩn” từ cách ngồi đến đôi tay đánh phách điệu nghệ.Đặc biệt, CLB còn mời được 2 nghệ nhân còn lưu giữ được “cái hồn” đặc sắc của ca trù cổ Chanh Thôn đến truyền dạy. Đó là cụ Nguyễn Văn Vằng, sinh năm 1926 (đánh trống) và cụ Nguyễn Thị Khướu, sinh năm 1925 (ca nương). Hiện tại, cụ Khướu đã được phong Nghệ nhân Nhân dân và cụ Vằng đang được phong Nghệ nhân Ưu tú.

Cụ Nguyễn Văn Vằng, râu, tóc bạc phơ, vẫn đánh trống chầu rất ăn ý với kép đàn Nguyễn Hồng Ngưu (là con trai cụ). Còn ca nương Nguyễn Thị Khướu 93 tuổi, nhưng chất giọng vẫn rất nền, nảy. Cụ Khướu chính là người đã giữ được “hồn cốt” của ca trù làng Chanh Thôn. Cụ cho biết: “Kỹ thuật hát ca trù rất khó, khi hát phải ngậm miệng, phải điều phối được hơi thở, đẩy mạnh từ trong ra, tiếng hát mới hay, mới rền, nảy”.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB hát ca trù Chanh Thôn chia sẻ: “Ca trù đã ngấm sâu vào máu thịt người dân làng Chanh Thôn từ nhiều năm nay. Các cụ, các bà đều ru cháu, ru con bằng ca trù, nên lớp trẻ Chanh Thôn tập hát ca trù rất nhanh khớp giọng. Một số người làng bên cũng đến học, nhưng khi hát rất khó bắt giọng, không hát được chuẩn như dân gốc Chanh Thôn”.
Hiện nay, CLB đã được trang bị đầy đủ nhạc cụ như: Đàn đáy, trống chầu và 25 bộ phách. CLB thường xuyên mở lớp học hát ca trù cho thế hệ trẻ vào các buổi tối thứ năm, thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, nhằm bảo tổn và phát huy giá trị nghệ thuật này.
Cụ Nguyễn Thị Khướu tâm sự: “Tôi hát ca trù khi mới 8 tuổi, đến năm 11 tuổi đã trở thành ca nương giỏi, được đi hát ở những lễ hội lớn trong các đình làng ở nhiều nơi, được đi phục vụ các tầng lớp quan lại. Khi ca trù bị quên lãng, tôi đã khóc. Nhiều khi tôi tự hát, đánh phách một mình. Tôi phải lấy ca trù để ru con, ru cháu cho đỡ nhớ. Khi ca trù được khôi phục, tôi rất mừng và như được sống lại ở cái tuổi mười tám, đôi mươi. Vì thế, tôi còn sống ngày nào, sẽ dồn hết tâm huyết để truyền lại cho lớp trẻ cái tinh hoa của nghệ thuật ca trù”.
Dù tuổi đã cao, khi ngồi hát, đánh phách rất khó, nhưng cụ Khướu không bỏ một buổi dạy nào. Cụ tận tình uốn nắn cho các cháu từng động tác đánh phách, từng câu hát, cách ngân giọng… Hiện tại, CLB có những ca nương hát hay, chuẩn giọng ca trù như ca nương trẻ: Vũ Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Thu Hà. Đặc biệt, hai ca nương nhí: Nguyễn Thị Khánh Ly (9 tuổi), Nguyễn Thị Thu Phương (11 tuổi) rất có năng khiếu với loại hình nghệ thuật này.

Nhờ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của ca trù nên từ năm 2008 đến nay, trong các dịp liên hoan ca trù của Hà Nội và toàn quốc, CLB ca trù Chanh Thôn đều đoạt giải cao. Tiêu biểu, năm 2009 đoạt 4 Huy chương vàng tại liên hoan CLB ca trù toàn quốc; được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Năm 2017, tại liên hoan nghệ thuật ca trù do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức, CLB ca trù Chanh Thôn đoạt 2 giải đặc biệt, 1 giải A1, 1 giải A2…

Nhìn những ca nương nhí say sưa tập hát, ông Nguyễn Tùng Lâm mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí để huyện Phú Xuyên bảo tồn, gìn giữ, phát huy loại hình văn hóa phi vật thể này được phát triển tốt nhất. Đồng thời để ca trù Chanh Thôn là địa chỉ văn hoá, là niềm tự hào của người dân Phú Xuyên.

Theo Báo Hànộimới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *