Chưa được phân loại

Lưu giữ, lan tỏa những ký ức vẻ vang

Đã 75 năm trôi qua, song ấn tượng về Cách mạng Tháng Tám vẫn còn in đậm trong lòng nhiều người dân Hà Nội. Dấu ấn đó đến từ những câu chuyện, ký ức và cả những di tích Cách mạng Tháng Tám –  chứng tích một thời gian khó nhưng kiêu hãnh, đáng tự […]

Đã 75 năm trôi qua, song ấn tượng về Cách mạng Tháng Tám vẫn còn in đậm trong lòng nhiều người dân Hà Nội. Dấu ấn đó đến từ những câu chuyện, ký ức và cả những di tích Cách mạng Tháng Tám –  chứng tích một thời gian khó nhưng kiêu hãnh, đáng tự hào của đất nước. Gìn giữ và phát huy những di tích ấy không chỉ làm sống động thêm những bài học lịch sử, mà còn góp phần lưu giữ, lan tỏa những ký ức vẻ vang, phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Du khách tham quan di tích lịch sử Nhà số 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) – nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

Dấu ấn cách mạng qua những chứng tích lịch sử

Nằm trên con phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) sầm uất, ngôi biệt thự số 101, trụ sở của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hiện nay, còn được biết đến là địa điểm nhóm họp của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội) 75 năm trước. Đây chính là nơi đã phát đi kế hoạch tổ chức mít tinh, biểu tình chống phát xít Nhật và ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội.

“Có nhiều người đến đây để tìm hiểu về lịch sử tòa nhà, thăm thú cảnh quan, không gian và đều được hướng dẫn tận tình. Đó là cách chúng tôi thể hiện niềm tự hào với một trong những điểm đến lịch sử, in đậm dấu ấn Cách mạng Tháng Tám trong lòng Thủ đô Hà Nội”, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam Trần Công Phong cho biết.

Cách phố Trần Hưng Đạo không xa là phố Hàng Ngang (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm), nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có ngôi nhà số 48, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội tháng 8-1945. Tại đây, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã được đề ra. Đặc biệt, tại căn phòng trên tầng 2 của ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đến thăm di tích, em Đặng Thanh Tùng (học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy) chia sẻ: Chứng kiến những hiện vật một thời và nghe hướng dẫn viên kể chuyện, chúng em cảm nhận được bầu không khí thiêng liêng của thời khắc lịch sử, sự nhất tâm, đồng lòng của người dân Thủ đô hướng về Bác Hồ, về cách mạng. Đặc biệt, câu chuyện về bản “Tuyên ngôn độc lập” càng trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn, khi được nghe kể ở ngay chính nơi tác phẩm ra đời.

Còn theo chị Quách Thị Hương Trà, hướng dẫn viên di tích Nhà số 48 Hàng Ngang, trong những năm qua, rất đông học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước đến di tích để tìm hiểu lịch sử, nhất là vào các dịp lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước, cho thấy sức hút của điểm đến di sản này.

Phát huy giá trị di tích Cách mạng Tháng Tám

Là nơi mang đậm dấu ấn của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Thủ đô Hà Nội sở hữu hàng trăm di tích lịch sử, cách mạng, trong đó có nhiều địa chỉ gắn liền với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, góp phần khẳng định vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với phong trào giải phóng dân tộc, đập tan xiềng xích nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Có thể kể đến Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, nơi chứng kiến cuộc Tổng khởi nghĩa của quần chúng cách mạng ngày 19-8-1945; An toàn khu Xứ ủy Bắc kỳ tại làng Vạn Phúc (1939-1945), với hàng chục địa chỉ nuôi giấu cán bộ cách mạng; Vườn hoa Diên Hồng, nơi Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời chính thức ra mắt quốc dân đồng bào ngày 20-8-1945…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, mỗi di tích lịch sử, cách mạng đều góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhận thức chân thực, sâu sắc về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Do đó, bảo tồn, phát huy giá trị những di tích này là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với lớp người đi trước, đồng thời là cơ hội để tiếp tục khơi dậy, lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc.

Đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, nhất là truyền thống cách mạng vẻ vang, trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng, đưa những nơi này trở thành địa chỉ lưu giữ những trang sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, ngành Văn hóa Hà Nội đang gấp rút hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học cho các di tích lịch sử, cách mạng; đầu tư nâng cao chất lượng trưng bày các hiện vật sưu tầm, hiến tặng; chú trọng quảng bá điểm đến thông qua hoạt động xuất bản sách, tờ rơi, đĩa CD; tăng cường giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên với sự hỗ trợ, kết nối từ các nhà trường…

“Những việc làm này góp phần tạo nên tính chất lâu bền cho mỗi di tích, lan tỏa rộng rãi giá trị truyền thống trong các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Tô Văn Động nhấn mạnh.

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/976355/luu-giu-lan-toa-nhung-ky-uc-ve-vang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *