Văn hóa

Ăn mặc ở nơi công cộng

Người Hà Nội vốn tế nhị, tinh tế trong cuộc sống hàng ngày. Sự tinh tế ấy thể hiện trong lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng, ăn mặc. Đặc biệt là việc ăn mặc bên ngoài không gian sống của mình. Xưa, người Hà Nội ra đường, đến những nơi công cộng, cơ quan […]

Người Hà Nội vốn tế nhị, tinh tế trong cuộc sống hàng ngày. Sự tinh tế ấy thể hiện trong lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng, ăn mặc. Đặc biệt là việc ăn mặc bên ngoài không gian sống của mình. Xưa, người Hà Nội ra đường, đến những nơi công cộng, cơ quan công quyền…bao giờ cũng mặc quần áo chỉnh tề. Đặc biệt là đến những nơi tôn nghiêm (đền, chùa), phụ nữ Hà Nội bao giờ cũng mặc áo dài. Nhưng cùng với thời gian và sự dịch chuyển thành phần cư dân đô thị, thói quen đó ít nhiều bị mai một. Không ít người “tiện gì mặc nấy” , thậm chí mặc cả quần áo ngủ, quần sooc, váy ngắn…ra đường, nơi công cộng. Tình trạng này xảy ra với cả khách du lịch đến Hà Nội.


Ăn mặc phù hợp khi tham quan di tích là nét đẹp văn hóa

Chính sự tùy tiện đó khiến không ít người thất kinh, khi ở những nơi công cộng mà độ dài, diện tích che phủ của những áo, váy lại quá ngắn, quá ít. Dường như những người đó bất chấp quy định của các địa điểm công cộng, bỏ qua những cái nhìn thiếu thiện cảm của những người xung quanh. Những hình ảnh không đẹp đó làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa ở những nơi công cộng, gây ấn tượng không thiện cảm với những người cùng có mặt. Có người bảo “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha”…Nhưng chả lẽ lại góp ý với người lạ,  mà góp ý thế nào,  chưa kể còn bất đồng ngôn ngữ…Chuyện không đơn giản và rất tế nhị !

Du khách tham quan di tích đền Ngọc Sơn ăn mặc chưa phù hợp được mượn áo choàng

Để khắc phục tình trạng du khách ăn mặc chưa phù hợp vào tham quan, một số di tích đã may áo choàng cho du khách mượn để mặc. Các di tích như đền Ngọc Sơn, đền bà Kiệu, tượng đài Vua Lê, 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm là những địa điểm tiên phong triển khai sáng kiến may áo choàng cho các du khách lỡ mặc hở hang mượn miễn phí để tạo thuận lợi cho du khách tiếp tục hành trình tham quan. Sau đó, Văn Miếu- Quốc Tử Giám cũng làm theo cách này. Thời gian đầu, số lượng khách mượn áo choàng là khá nhiều. Ví dụ như ở đền Ngọc Sơn, mỗi ngày có khoảng 300 lượt du khách cần mượn trang phục. Sau một thời gian triển khai, số lượng khách cần mượn áo đã giảm đi một nửa. Lý do là trước khi thực hiện, các di tích đã thông báo đến các công ty du lịch với nội dung yêu cầu du khách không mặc trang phục hở hang, gây phản cảm, trang phục không phù hợp với thuần phong mỹ tục (áo ngắn, áo hai dây, áo may ô, quần đùi, quần sooc, váy ngắn…). Do vậy, các công ty du lịch đã nắm được quy định, phổ biến cho các đoàn trước khi đến di tích tham quan để mọi người có ý thức hơn trong việc ăn mặc. Hiện nay, tình trạng du khách ăn mặc chưa phù hợp ở các di tích này đã giảm hẳn. Số khách mượn trang phục đa phần là các khách du lịch lẻ, đi du lịch tự do. Tuy nhiên, những người làm công tác quản lý tại các di tích này đều cho rằng, việc cho mượn áo choàng chỉ là giải pháp tình thế. Họ mong và hy vọng rằng, ý thức về việc ăn mặc trong khách tham quan sẽ ngày càng được nâng cao, tiến tới không còn ai phải mượn áo choàng để mặc nữa.
Trên địa bàn Hà Nội còn nhiều di tích với số lượng khách tham quan cả nghìn lượt người/ngày nhưng vẫn chưa áp dụng hình thức cho khách ăn mặc chưa phù hợp mượn áo choàng. Các công viên, khu vui chơi…thiếu chế tài xử phạt, tuyên truyền nên tình trạng du khách mặc quần sooc, áo hai dây, váy ngắn…vẫn diễn ra. Nhiều trụ sở cơ quan vẫn còn tình trạng công dân đến liên hệ, giải quyết các thủ tục hành chính mặc quần áo ngủ, quần sooc, áo sát nách… gây phản cảm.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến những “triết lý” của nhà văn Nam Cao về việc ăn mặc: “Cái ăn bất tất nói làm gì. Người ta ăn ở trong nhà. Vậy thì ai muốn ăn thế nào tùy thích. Ông cũng vậy mà tôi cũng vậy. Ít ra chúng ta còn có một xó để tự do. Khi cửa nhà chúng ta khép kín. Ta có thể lố lăng mà không bận gì đến ai. Nhưng chúng ta mặc áo chỉnh tề để ra đường. Vậy thì quần áo sở dĩ có, một phần lớn không phải vì chúng ta, mà lại vì những con mắt nhìn ta. Đã vì chúng thì chiều chúng một tý kể cũng là phải lẽ. Muốn chiều chúng thật nhiều thì cũng được”. Các cụ ta đã nói “Ăn cho mình, mặc cho người”. Thành phố cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trong đó quy định rõ việc nên làm, không nên làm ở những nơi công cộng. Quy tắc khuyến khích mọi người nên có trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội. Không nên mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục gây phản cảm. Bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị quản lý thì cần lắm ý thức tự giác của mỗi người khi đến nơi công cộng. Đừng vì sự tùy tiện của mình mà gây nên ấn tượng không tốt, gây phản cảm với xung quanh. Hãy dành thời gian quan tâm, đầu tư cho việc ăn mặc mỗi khi phải ra đường, đến những nơi công cộng. Ăn mặc chỉn chu, làm đẹp cho mình chính là tôn trọng mình và tôn trọng những người xung quanh.

Khánh Vân

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *