Vào 31/10 tới đây, Dự án Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám sẽ tổ chức buổi mạn đàm đầu tiên với chủ đề: “Đóng góp của khoa cử, trí thức Việt Nam thế kỉ XIX trong dòng chảy thời đại”.
Buổi mạn đàm có sự tham gia của TS. Vũ Đức Liêm – giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhà nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. Buổi mạn đàm là cuộc trò chuyện xoay quanh nội dung về tầm quan trọng của tầng lớp tri thức khoa cử trong xã hội Nho giáo; khung cảnh giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX; và đóng góp lớn của giới trí thức khoa cử trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
Đây là câu chuyện về vai trò của khoa cử và trí thức trong dòng chảy thời đại ở Việt Nam thế kỷ XIX. Nền giáo dục Nho học truyền thống là cơ sở hình thành nên bộ máy quan lại, là bước chuẩn bị để giới trí thức gia nhập chốn quan trường, thi thố tài năng, hành đạo Thánh hiền.
Vào thế kỷ XIX, sứ mệnh đặt lên vai họ nặng nề hơn lúc nào hết. Trong một thế kỷ, ít nhất có ba làn sóng thời đại thách thức các quan chức và tầng lớp trí thức: việc giải quyết các vấn đề hậu chiến và tạo dựng khuôn khổ một nước Việt Nam thống nhất ở ba thập kỷ đầu; việc đối mặt với các sức ép từ phương Tây và nỗ lực hiện đại hóa Việt Nam ở ba thập kỷ tiếp theo, và sau cùng là công cuộc chống Pháp xâm lược.
Những người trí thức khoa cử Việt Nam đã trả lời các câu hỏi lớn của dân tộc và thời đại như thế nào? Nỗ lực của họ đã thay đổi nền chính trị và số phận của nước Việt Nam ra sao? Và đâu là bài học dành cho hậu thế từ hoạt động dấn thân, nhập thế của giới trí thức và sứ mệnh, cam kết của họ với thách thức thời cuộc?
Buổi mạn đàm sẽ diễn ra vào 09h30 ngày 31/10/2021 theo hình thức trực tuyến qua fanpage: Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám.
VM