Ngày 24/02/2024 (tức mùng 15 tháng Giêng), Đảng ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh đã tổ chức Lễ khai hội Đền – Chùa Chi Đông Xuân Giáp Thìn 2024.
Phát biểu khai mạc, ông Ngô Chí Nghĩa – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Từ xa xưa, lệ làng Chi Đông thường tổ chức Hội làng vào ngày mùng 6 tháng Giêng và từ năm 1994 đến nay Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng để cầu thần, khấn phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, quê hương giàu đẹp, nhà nhà ấm no.
Đền Chi Đông là nơi thờ hai vị tướng của vua Triệu Việt Vương là Trương Hống và Trương Hát đã có công đánh giặc, cứu nước ở thế kỷ thứ VI. Hai vị là bậc trung thần, nghĩa liệt đã được các triều đại của nước ta tôn vinh, phong tước và Chi Đông là một trong hơn 300 làng ven sông Như Nguyệt, sông Cầu và sông Nguyệt Đức lập đền thờ, gọi là Đền thờ Đức thánh Tam Giang.
Đền Chi Đông được xây dựng với kiến trúc cổ, chạm trổ tinh vi, có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, thể hiện rõ tài năng sáng tạo, trí tuệ và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chùa Chi Đông có tên gọi Phúc Long Tự, được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1693, đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Chùa Chi Đông xưa có quy mô lớn, gồm có tòa nhà chính, nhà mẫu, hành lang và tam quan 2 tầng, 8 mái. Với sự thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời gian, đến nay chùa Chi Đông vẫn còn được giữ gìn, tôn tạo uy nghi, đồ sộ với tiền đường, thượng điện nối liền nhau thành chữ (Đinh) bên cạnh nhà Mẫu.
Đền – Chùa Chi Đông không chỉ có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, mà còn có giá trị về lịch sử cách mạng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đền – Chùa Chi Đông đã được Mặt trận Việt Minh dùng làm nơi “dán khẩu hiệu, rải truyền đơn” tuyên truyền cách mạng. Ngày 15/5/1945 tại sân Chùa Chi Đông đã có cuộc mít tinh lớn, biểu dương lực lượng, kêu gọi quần chúng đứng dậy đánh Pháp, đuổi Nhật giành chính quyền về tay Nhân dân. Sáng ngày 19/8/1945 tại sân chùa Chi Đông đã diễn ra cuộc mít tinh tập hợp lực lượng quần chúng có vũ trang, hô vang khẩu hiệu “Đánh pháp, đuổi Nhật giành chính quyền về tay Nhân dân”; sau đó kéo đi giành chính quyền.
Trong kháng chiến chống Pháp, Đền – Chùa Chi Đông là nơi trú ẩn cho dân quân và du kích tham gia cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sân chùa Chi Đông là nơi tập trung giao quân, tiễn đưa lớp lớp thanh niên vào Nam chiến đấu, góp phần làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1993, Đền – Chùa Chi Đông đã được Nhà nước công nhận là quần thể Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2010, di tích lịch sử Đền – Chùa Chi Đông được trùng tu, tôn tạo các hạng mục chính và được khánh thành vào năm 2013. Năm 2018, thể theo nguyện vọng của Nhân dân địa phương, Đình Chi Đông được phục dựng lại và khánh thành năm 2021.
Lễ hội Đền – Chùa Chi Đông là sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, mạnh khỏe, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để giáo dục con cháu và củng cố sự đoàn kết trong làng Chi Đông trước đây và thị trấn Chi Đông ngày nay.
Lễ hội Đền – Chùa Chi Đông diễn ra từ ngày 15 đến hết ngày 18 tháng Giêng với nghi thức rước kiệu truyền thống và các trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao như: Đấu vật, cờ tướng, bóng chuyền hơi nam, nữ, bóng chuyền da, văn nghệ quần chúng, hát quan họ dưới thuyền rồng… thu hút đông đảo Nhân dân cũng như du khách thập phương.
Ngọc Tuấn