Chưa được phân loại

Minh Kha – Làng văn hóa kiểu mẫu

Về thôn Minh Kha, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai thấy diện mạo làng quê thay đổi mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Không những thế, Minh Kha vẫn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê Việt, đó chính là nền tảng để Minh Kha xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Ngay từ năm 1997, Minh Kha đã được công nhận Làng văn hóa. Để nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, từ năm 2017, UBND huyện Thanh Oai đã tiên phong triển khai xây dựng mô hình điểm Làng văn hóa kiểu mẫu tại bốn làng, tổ dân phố trên địa bàn, trong đó có Minh Kha, với nhiều tiêu chí được lượng hóa, bổ sung, nâng cao hơn so với tiêu chí xây dựng Làng văn hóa ở giai đoạn trước. Ở Minh Kha, diện mạo một “Làng Việt cổ” hiện lên thật ấn tượng. Bên cạnh cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, thôn Minh Kha vẫn còn lưu giữ được những nét cổ xưa với các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như: Đình làng, chùa Thanh Quả, đền Bà, miếu Bà Chúa Chợ…Chính quyền và các đoàn thể trong thôn Minh Kha đã thống nhất xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, được Nhân dân đồng thuận cao.

Thôn Minh Kha vẫn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tại thôn Minh Kha, phần lớn các dòng họ đều xuất phát từ các cụ đồ Nghệ khu 4 ra sinh sống. Các cụ am tường mọi việc, thường dạy chữ nho cho con em trong thôn, làm thầy thuốc chữa bệnh, làm thầy thống. Cái tên Minh Kha ra đời cũng do các cụ đặt tên nhằm hướng đến xây dựng thôn Minh Kha biết đối nhân xử thế, đoàn kết xây dựng xóm làng ngày càng tươi sáng, thịnh vượng hơn. Trải qua bao thế hệ, người dân Minh Kha luôn coi đình làng là hình ảnh thân quen, lắng sâu trong ký ức, trái tim  mỗi người. Nơi đây không chỉ thờ Thành hoàng mà còn dùng làm nơi sinh hoạt, hội họp của Nhân dân địa phương. Trước Cách mạng tháng Tám, mọi hương ước, luật lệ của thôn đều được bàn bạc tại đình, dân làng theo đó tự nguyện thực hiện. Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, đình làng vẫn được trưng dụng làm nơi nội họp của Nhân dân bàn về mọi vấn đề diễn ra trong thôn. Ngày 13/7 âm lịch hàng năm, Minh Kha tổ chức lễ hội linh đình, đồng thời kết hợp là ngày gặp mặt toàn dân. Thôn mời tất cả bà con làm ăn sinh sống ở mọi miền đất nước về  tụ họp, giao lưu, cùng hiến kế xây dựng xóm làng. Bức tranh quê Minh Kha thanh bình, yên ả đan xen nét cổ kính và hiện đại, tình cảm bà con thân thương, quý mến khiến những người con xa quê khi trở về mang trong mình cảm giác lưu luyến khôn nguôi.

Minh Kha hôm nay có đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Nhân dân còn phát triển thêm dịch vụ kinh doanh buôn bán; thành lập tổ thợ xây dựng; tổ xe tắc xi, xe khách… tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. 95% hộ trong thôn có mức sống trên trung bình, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ có nhà ở bền vững cao, không còn nhà dột nát, số hộ nghèo giảm, 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, đường làng được bê tông hóa, được xã hội hóa trồng hoa, cây xanh… Thôn Minh Kha đã triển khai được nhiều mô hình xây dựng, phát triển quê hương, tiêu biểu như: Mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường. Cứ sáng thứ Bảy hàng tuần, mỗi khi nghe thấy tiếng loa truyền thanh của thôn, các đoàn thể và Nhân dân đều tiến hành quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi quy định để tổ vệ sinh vận chuyển về nơi tập kết rác. Với mô hình xây dựng đường làng phong quang sạch sẽ, Minh Kha triển khai đường hoa, cây xanh, tranh phong cảnh từ trước cửa đình làng đến đường đi Cienco5 có chiều dài khoảng hơn 1km và một số đường nhánh khác cũng được nhân rộng các thảm hoa, cây xanh, cây cảnh góp phần bảo vệ môi trường, tô đẹp cảnh quan xanh, sạch, đẹp nơi mình sinh sống. Minh Kha cũng xây dựng mô hình khu vui chơi giải trí ở đầu thôn, giữa thôn và cuối thôn có lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao, tạo điều kiện cho người dân tham gia tập luyện. Đến nay, Minh Kha đã xây dựng được một sân vận động và Nhà văn hóa khang trang đạt chuẩn theo quy định phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của Nhân dân địa phương. Tại Nhà văn hóa thôn có niêm yết bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng để người dân đọc, tìm hiểu và chấp hành. Ông Bùi Văn Đức, thôn Minh Kha chia sẻ: “Từ khi thôn lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao, những lúc rảnh rỗi được ra tập luyện rèn luyện sức khỏe, tôi cảm thấy cuộc sống vui tươi, yêu đời hơn”.

 

Nhờ làm tốt công tác vệ sinh môi trường nên các ngõ xóm của thôn Minh Kha luôn phong quang, sạch sẽ.

Với việc cụ thể hóa mục tiêu, thôn Minh Kha triển khai được việc gắn số nhà, đặt biển chỉ dẫn các ngõ xóm, lắp đặt các thùng rác công cộng nên đường làng luôn sạch sẽ, phong quang. Minh Kha hiện nay có trên 90% hộ gia đình 3 năm liên tục được công nhận Gia đình văn hóa. Việc sửa đổi, bổ sung quy ước đảm bảo phù hợp với các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Minh Kha đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Việc cưới được tổ chức gọn nhẹ, ấm cúng trong một ngày tại Nhà văn hóa thôn, việc tang có tỉ lệ hỏa táng đạt trên 65%. 100% người dân thực hiện tốt quy tắc ứng xử nơi công cộng. Chi bộ thôn luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Các đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra. Trong thôn không để xảy ra các vụ khiếu kiện vượt cấp đông người. Năm 2020, Minh Kha được huyện Thanh Oai công nhận Làng văn hóa kiểu mẫu.

Kết quả xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu ở Minh Kha đã tạo sức lan tỏa rộng rãi để các địa phương khác học tập, góp phần xây dựng thêm những miền quê đáng sống ở Thủ đô.

Mai Phương

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *