Văn hóa

Một lòng gìn giữ vốn quý quê hương

Những thành tích và tiếng vang của CLB ca trù Chanh Thôn hôm nay, công đầu là của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngoan – Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Đã ngoài 70 tuổi, chân chậm, mắt mờ đục, nhưng hễ nhắc đến ca trù là bà Nguyễn Thị Ngoan – Nghệ nhân ưu tú – Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn lại như một con người khác: Nhanh nhẹn, hoạt bát và say sưa nói chuyện về ca trù. Đam mê ca trù quê hương đã ăn vào máu thịt bà, là niềm vui mà bà nguyện gắn bó trọn đời.

Theo Lịch sử xã Văn Nhân (cũ), nay là xã Nam Tiến, đầu thế kỷ XIX, nho sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, quê ở Hưng Yên, vốn là một kép đàn về làng Chanh Thôn sinh sống và đã lập ra phường hát và truyền dạy đàn, hát ca trù cho con cháu. Ca trù Chanh Thôn phát triển rầm rộ suốt hàng thế kỷ. Thập niên 30 của thế kỷ XX, ca trù Chanh Thôn nức tiếng xa gần, trở thành giáo phường với hơn 30 ca nương. Giáo phường ca trù Chanh Thôn nhiều lần đi thi thố tài năng với các giáo phường ca trù xung quanh Hà Nội và bao giờ cũng giành phần thắng. Thời đó có ca nương Nguyễn Thị Ước, nhiều lần được triều đình nhà Nguyễn mời vào Huế biểu diễn liên tục mấy tháng liền. Đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân Chanh Thôn đã mở một số ca quán ở nhiều nơi trên đất Bắc, thu hút nhiều văn nhân từ khắp nơi về cầm chầu. Ngay từ thuở ấy, ca trù Chanh Thôn đã mang một màu sắc riêng, khác với các giáo phường hát ca trù khác như Khâm Thiên, Thái Hà… bởi còn giữ được nguyên bản vốn ca trù cổ: Lời ca, giai điệu và cách biểu diễn.

Sau bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, ca trù Chanh Thôn vẫn giữ được vốn quý đó – là báu vật văn hóa cổ của người dân – như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định. Những người có công đầu trong việc giữ gìn, lưu truyền vốn ca trù cổ là 2 nghệ nhân Nhân dân: Nguyễn Thị Khướu và Nguyễn Thị Vượn. Đó còn là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Vằng, Nguyễn Thị Ngoan, Nguyễn Hồng Ngưu.

Bà Nguyễn Thị Ngoan sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát ca trù. Từ nhỏ bà đã mê ca trù, nhưng lớn lên bà lại chọn nghề giáo viên với mong muốn truyền dạy các tác phẩm văn học trong, ngoài nước đến các em học sinh. Khi về hưu, thấy ca trù quê hương mai một, có nguy cơ thất truyền, với niềm đam mê và sự ủng hộ của người thân và chính quyền địa phương bà Ngoan đã không quản khó khăn, vất vả tìm đến những ca nương một thời để ghi chép lại lời ca và xem họ biểu diễn. Bà còn đứng ra tổ chức  các lớp học, mời nghệ nhân trong làng dạy hát ca trù miễn phí cho tất cả mọi người. Thời kỳ đầu khôi phục ca trù, bà Ngoan hàng ngày đi đến từng nhà vận động người già, người trẻ tham gia hát ca trù. Sự kiên trì và yêu quý vốn văn hóa dân gian của quê hương của bà Ngoan đã được đền đáp xứng đáng khi số người tham gia học ca trù, chơi đàn đáy, đánh trống chầu ngày càng đông. Vui hơn, năm 2007, sau những nỗ lực không ngừng của bà Ngoan và mọi người, ca trù Chanh Thôn đã được khôi phục, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ đỏ văn hóa. Câu lạc bộ (CLB) ca trù Chanh Thôn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ đấy. Ban đầu CLB chỉ có mươi người, hoạt động rời rạc, đến nay CLB ca trù Chanh Thôn đã mở được 17 lớp học ca trù, truyền thụ được cho khoảng 200 học viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau: Thiếu niên, thanh niên, trung niên, cao tuổi. Trong số các thành viên của CLB Ca trù Chanh Thôn, có những nghệ nhân đã sớm thành danh, như ca nương Vũ Thị Ngân sinh năm 1989 đã được nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó còn có những ca nương nhỏ tuổi như: Nguyễn Thị Khánh Ly (9 tuổi), Nguyễn Thị Thu Phương (11 tuổi) và không thể thiếu được lớp nghệ nhân gạo cội của CLB là Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Hồng Ngưu…Cùng với các nghệ nhân gạo cội, bà Ngoan đã nhiệt tình truyền dạy những điệu ca trù truyền thống hàng trăm năm nay của quê hương. Mong muốn lớn nhất của bà và các nghệ nhân trong CLB là gìn giữ, phát huy vốn quý của địa phương, để ca trù Chanh Thôn ngày càng phát triển, thu hút ngày càng đông ca nương, trống chầu ở Chanh Thôn và huyện Phú Xuyên.

Bà Ngoan và các thành viên CLB ca trù Chanh Thôn trong những buổi tập luyện

Ngôi nhà bà Ngoan là một trong những địa điểm luyện tập của CLB ca trù

Với sự giúp đỡ của ngành VHTT, các cơ quan, tổ chức đến nay CLB ca trù Chanh Thôn đã được trang bị đầy đủ nhạc cụ như: Đàn đáy, trống chầu và 25 bộ phách. CLB còn gây tiếng vang trong cả nước nhờ đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, như: 4 Huy chương Vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2009, Huy chương Bạc năm 2014. Năm 2017 CLB giành 2 giải Đặc biệt, 1 giải A và 1 giải A2 tại Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội v.v.

Tiếng lành đồn xa, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về Chanh Thôn tìm hiểu vốn ca trù ngày càng đông. Đài truyền hình Hà Nội, truyền hình trung ương và nhiều cơ quan báo chí thường về Chanh Thôn viết bài, quay cảnh luyện tập, biểu diễn của CLB. Bên cạnh đó, CLB đã nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt của ngành VHTT trong việc truyền dạy và nâng cao trình độ biểu diễn ca trù cho các kép đàn và ca nương. CLB ca trù Chanh Thôn, ngoài việc biểu diễn phục vụ Nhân dân địa phương còn thường xuyên đi biểu diễn ở các quận, huyện trong Thành phố, đi nhiều tỉnh thành trong cả nước để đem cái hay, cái độc đáo của ca trù Chanh Thôn đến với mọi người.

Bà Ngoan (bên trái ảnh), cảm động đón nhận quà của lãnh đạo huyện Phú Xuyên trao tặng.

Những thành tích và tiếng vang của CLB ca trù Chanh Thôn hôm nay, công đầu là của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngoan – Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Với tâm huyết và tấm lòng yêu quý, giữ gìn, phát huy vốn quý của quê hương bà Ngoan đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019 và được phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2022, cùng nhiều Giấy khen của xã Nam Tiến và huyện Phú Xuyên.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *