Ngày 8/9/2020, Thường trực Hội đồng nhân dân quận Đống Đa khoá XIX nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã tổ chức phiên giải trình trực tuyến “Công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đối với các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn quận Đống Đa”.
Phát biểu khai mạc phiên giải trình, ông Nguyễn Anh Cường, Phó Bí thư Thường trực quận uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận khẳng định: Thường trực Hội đồng nhân dân quận tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp về nội dung công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đối với các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn quận nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai; quản lý có hiệu quả công tác xây dựng, tu bổ, tôn tạo, sửa chữa các công trình kiến trúc chính của di tích, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Các đại biểu tham dự phiên giải trình.
Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Nguyễn Anh Cường, công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Uỷ ban nhân dân các phường, các phòng, ban, đơn vị quận thường xuyên tăng cường kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý có hiệu quả công tác xây dựng, tu bổ, tôn tạo, sửa chữa các công trình kiến trúc chính của di tích, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của nhà nước…
Tuy vậy, tại nhiều di tích, do hồ sơ pháp lý về đất đai còn thiếu, chưa được cắm mốc giới theo đúng quy định của luật Di sản văn hoá. Một số di tích được kê khai theo hiện trạng nhưng một số di tích kê khai theo chỉ giới khoanh vùng xếp hạng di tích đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý về di sản văn hoá, quản lý trật tự xây dựng. Thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại các hộ dân sinh sống trong khuôn viên, chỉ giới đường đỏ của di tích gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm tại nơi có di tích…
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi về cơ chế chính sách, khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất đai, cắm mốc ranh giới, khoanh vùng quản lý đất của di tích và công tác kê khai cấp giấy chứng nhận, tiến độ xếp hạng di tích. Các câu hỏi của đại biểu đã được các phòng, ban của quận giải trình thấu đáo.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương hỏi: Hiện quận còn 10 di tích chưa được xếp hạng (1 chùa, 5 đền, 4 đình) đề nghị Hội đồng nhân dân quận cho biết tiến độ tổng hợp, nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học để đề xuất cấp có thẩm quyền xếp hạng các di tích này cũng để công tác quản lý được tốt hơn. Ngoài ra hiện trên địa bàn Quận cũng còn 34/66 di tích chưa có hồ sơ quản lý, hoặc hồ sơ chưa chính xác, vậy quận có chủ trương, định hướng thế nào để quản lý các di tích này?
Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên giải trình.
Giải trình câu hỏi này, đại diện Phòng Văn hoá quận cho biết, công tác lập hồ sơ xếp hạng các di tích được quy định theo từng cấp. Trong thời gian qua quận đã tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị xếp hạng thêm các di tích và nâng hạng các di tích. Quận cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ xếp hạng các di tích còn lại. Trong đó, năm 2025 sẽ hoàn thiện hồ sơ xếp hạng các di tích cấp Thành phố ở một số phường, đến năm 2030, sẽ hoàn thành xếp hạng các di tích còn lại. Năm 2020 quận đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đề nghị xếp hạng di tích đền Vườn thuộc phường Láng Thượng, ngoài ra lập hồ sơ nâng xếp hạng chùa Cát Linh lên di tích quốc gia.
Về nội dung khoanh vùng quản lý các di tich, đại diện Phòng Văn hoá cũng cho biết, hiện quận có 66 di tích nhưng chỉ có 55 di tích có hồ sơ quản lý là do có những cụm di tích ( 2-3 di tích) nhưng chỉ có 1 hồ sơ. Ngoài ra bản đồ khoanh vùng và hồ sơ pháp lý không khớp nhau. Quận cũng đã tiến hành cắm mốc giới, di dân giải phóng mặt bằng tại đền Phúc Khánh, Thổ Quan. Thời gian tới, quận tiếp tục giải phóng mặt bằng, đánh giá thống kê công tác quản lý sử dựng đất tại 100% di tích; căn cứ kết quả khảo sát đề xuất phương án cụ thể. Đến năm 2020 hoàn thiện cấp giấy chứng nhận cho tất cả các di tích.
Giải trình câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phú Bình, đại biểu Mai Văn Lâm: Phần lớn các di tích lịch sử văn hoá, các cơ sở tôn giáo tin ngưỡng trên địa bàn quận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó lý do chính là hồ sơ quản lý đất đai thiếu hoặc chồng lấn nhau…Phòng Tài nguyên Môi trường cho biết: Trong thời gia qua, Phòng Tài nguyên Môi trường đã tham mưu quận ra nhiều văn bản hướng dẫn các phòng, ban, các phường, các cơ sở tôn giáo hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận cho các di tích. Tuỳ từng hồ sơ cụ thể phòng sẽ tham mưu với quận công tác tháo gỡ vướng mắc…
Về việc 25 di tích có hồ sơ mà chưa được cấp giấy chứng nhận, đại diện Phòng Tài nguyên môi trường cho biết không phải toàn bộ 25 hồ sơ đều có hồ sơ đất đai đầy đủ. Trong 25 di tích trên, trong đó có 4 chùa, 2 đình đền đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận; các trường hợp còn lại Phòng Tài nguyên vẫn đang đôn đốc các phường thực hiện đúng chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra các câu hỏi khác của đại biểu trong phiên giải trình cũng được đại diện Uỷ ban nhân dân giải trình làm rõ.
Thanh Thanh