Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho sự phát triển toàn diện trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt quyền trẻ em trên địa bàn Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Về nội dung thực hiện, kế hoạch tập trung triển khai 6 nội dung chính, gồm:
1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
2. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền giáo dục pháp luật về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, kiến thức phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111), Đường dây nóng về dịch vụ trợ giúp khẩn cấp của Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (0243.22.33.111).
3. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiêu chuẩn, quy trình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em phù hợp với giai đoạn mới. Đảm bảo nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
4. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tăng cường công tác rà soát, thu thập, quản lý tốt tình hình trẻ em trên địa bàn nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường thực hiện việc chuẩn hóa, làm sạch, cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về trẻ em, cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em các cấp, đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em.
5. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch cho trẻ em. Xây dựng lộ trình thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi theo quy định. Duy trì và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, kết nối các dịch vụ phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng liên thông, chất lượng, thuận lợi trong tiếp cận đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em theo 03 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp.
6. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí. Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kịp thời phản ánh, phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ em.
UBND Thành phố yêu cầu việc triển khai thực hiện phải bám sát quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 232-KH/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch của UBND Thành phố. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành, địa phương, xác định đây là nội dung đặc biệt quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố; bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo quy định.