Tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII với chủ đề “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức ở Đảng bộ thành […]
Tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII với chủ đề “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức ở Đảng bộ thành phố Hà Nội”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác trong cán bộ và nhân dân Thủ đô.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong tham luận tại Đại hội
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 18-KH/TU của Thành ủy Hà Nội, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được gắn với công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ sở, qua đó, trực tiếp tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội của đơn vị, địa phương và Thành phố.
Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hằng năm, Hà Nội đều triển khai các chủ đề công tác theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, như: thực hiện chủ đề “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 – 2020, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp”…
Thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát huy được vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các đơn vị. Từ đó, đã có tác động chuyển biến mạnh ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của mọi người, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, ý thức phục vụ nhân dân, thực hành tiết kiệm, chấp hành pháp luật, kỷ cương, kỷ luật; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nền nếp sinh hoạt; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, quản lý nhà nước; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, tồn đọng của nhân dân (nhất là trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các vấn đề dân sinh bức xúc khác…).
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói lãnh đạo mà không gương mẫu thì lãnh đạo làm sao được?”. Cán bộ, đảng viên dù ở vị trí nào và ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho mọi người. Chủ đề Báo cáo chính trị tại Đại hội lần này cũng đã nêu rõ: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức ở Đảng bộ Hà Nội trong tình hình mới, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, về trí tuệ, về đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân, của tổ chức, tập thể lên trên lợi ích gia đình và cá nhân.
Sự tiên phong, gương mẫu phải bắt đầu từ trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên của mỗi đảng viên; từ sự nêu gương giữa đời thường; từ ý thức tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từ thái độ kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), nâng cao ý thức, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định về những điều đảng viên không được làm, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; đồng thời, cần tiếp tục xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong mọi mặt của đời sống xã hội Thủ đô; phát huy vai trò giám sát, đóng góp ý kiến của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, của quần chúng nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên.
Tự hào với truyền thống lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hơn lúc nào hết cần phát huy ý thức và tinh thần trách nhiệm của mình, tự giác, cổ vũ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, những tấm gương, hành vi đẹp trong cuộc sống bình dị hàng ngày; đồng thời, kiên quyết đấu tranh phê phán những cái xấu, những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, chuẩn mực xã hội để Hà Nội trong mắt người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế mỗi ngày một đẹp hơn, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng nêu rõ: Trong Dự thảo Báo cáo chính trị khẳng định: Văn hóa và con người phải thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Để quan điểm này thực sự đi vào thực tiễn hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cần nhận thức sâu sắc rằng: trong mọi công việc, yếu tố văn hóa cần được quan tâm trước hết, nhất là văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thăng Long – Hà Nội, để văn hóa Thăng Long – Hà Nội trở thành một dòng chảy xuyên suốt trong mọi lĩnh vực đời sống: chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển con người… khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; xây dựng người Hà Nội có lối sống nhân ái, nghĩa tình, sống và làm việc theo pháp luật… Làm tốt những công việc này không chỉ là góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, mà còn là hành động thiết thực, thực hiện mong muốn của Bác Hồ kính yêu với Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô.
Theo Cổng GTĐT TP