Đây cũng chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4241/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Di tích nhà Hồ Chủ tịch ở và làm việc tháng 12/1946 tại Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội).
Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (là chủ đầu tư) có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu theo các nội dung được phê duyệt; đôn đốc, giám sát nhà thầu thực hiện hoàn thành các gói thầu đảm bảo tiến độ, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tuân thủ đúng quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng và đấu thầu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND quận Hà Đông hoàn tất công tác GPMB, phấn đấu hoàn thành công trình trước ngày 19/12/2016 nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2016, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 621/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình. Giải pháp thiết kế chủ yếu bao gồm quy hoạch tổng mặt bằng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, được thực hiện trên khu đất có diện tích 1.741m2. Theo đó, sẽ giữ nguyên các công trình, di tích theo nguyên gốc tại khu vực 1. Tại khu vực 2, sẽ bổ sung các hạng mục nhà 5 gian, nhà làm việc và thiết kế tổng thể tạo sân, vườn rộng trước nhà tưởng niệm. Cùng với đó, mở rộng, nâng cấp thêm khoảng 1m tuyến đường từ ngoài vào di tích. Xây dựng hệ thống tường rào bao quanh, khoanh vùng bảo vệ khu di tích. Xây dựng cổng phụ vào khu hành chính riêng biệt với khu di tích. Dự án thực hiện với tổng kinh phí 15,627 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Thành phố.
Dự án nâng cấp gồm 4 gói thầu: Gói thầu số 4: Tu bổ các hạng mục: Cổng chính, nhà chính, nhà ngang 1 và 2, nhà phụ; gói thầu số 5: Lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu xây lắp thuộc dự án; gói thầu số 6: Tư vấn giám sát thi công công trình, gói thầu số 7: Bảo hiểm công trình.
Vào cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, từ ngày 3-19/12/1946. Ngôi nhà Bác ở và làm việc trong thời gian ở Vạn Phúc nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ngôi nhà ba gian, hai tầng xây dựng năm 1941-1942 được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính. Bên phải và bên trái ngôi nhà chính là hai dãy nhà ngang, mỗi dãy ba gian, trước đây đặt khung cửi, đồ dùng của gia đình, nay được sửa chữa, nâng cấp trần và nền; Dãy bên phải là phòng khách thường xuyên đón tiếp nhân dân, khách trong nước và ngoài nước tới thăm; Dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc.
Ngôi nhà chính hai tầng: Tầng một trưng bày một số hình ảnh hiện vật của Bác trong thời gian Người ở và làm việc tại Vạn Phúc. Hai bức tranh sơn mài thể hiện hai sự kiện quan trọng: sự kiện Bác Hồ chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng bàn, quyết định toàn quốc kháng chiến và sự kiện Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Một số hiện vật Bác dùng trong sinh hoạt, luyện tập sức khỏe như chiếc chậu thau đồng nhỏ, đôi tạ tay… Phần trưng bày bổ sung là những bức ảnh, hiện vật, sách báo, tài liệu… phản ánh khái quát cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chỉ tịch Hồ Chí Minh. Tầng hai được giữ nguyên vẹn như khi Bác ở và làm việc. Các hạng mục của di tích đang xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo.
TN
Theo MaskOnline