Chưa được phân loại

Nét đẹp văn hóa làng Yên

Làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất là một ngôi làng cổ nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài. Làng không chỉ đẹp bởi có con đường thẳng tắp, thơ mộng dẫn vào làng, bởi những ngôi đình, chùa cổ kính, rêu phong mà còn đẹp bởi tình yêu chèo đắm đuối vọng ra từ trái tim mỗi người.

Làng Yên là vùng quê thuần nông, qua bàn tay khéo léo của người nông dân, nhiều sản vật đã trở nên nổi tiếng gần xa, tiêu biểu như quả hồng Yên thôn, cà trắng cửa núi, gạo thơm ngon…Làng Yên còn nổi tiếng với nghề biểu diễn múa rối nước. Để thêm hăng say lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, người làng Yên thường ngẫu hứng ngân nga câu hát, những giai điệu chèo ca ngợi cuộc sống thắm tình duyên quê. Vào năm 1980, làng Yên thành lập được Câu lạc bộ (CLB) hát dân ca và chèo. Những ngày đầu thành lập, CLB có  20 thành viên gồm cả diễn viên và nhạc công. Khi công việc nhà nông vơi bớt bận rộn, người nông dân làng Yên như bà Nguyễn Thị Luyến, ông Đặng Đình Lịch, ông Khương Văn Tuấn, chị Khương Thúy Tần, chị Đặng Thị Nhung, anh Khương Xuân Đảng…lại rủ nhau ra đình tập luyện hát chèo, hát dân ca. Họ say sưa, miệt mài với tiếng đàn, nhịp phách, thả hồn phiêu theo câu hát khoan thai, dìu dặt ấy. Họ tham gia vì vui, vì phong trào văn nghệ và lời mời gọi tình tứ, thiết tha của chèo. Các làn điệu chèo: Đào liễu, Chinh phụ, Quân tử vô dịch, Đò đưa, Đường trường tiếng đàn, Luyện năm cung…; các trích đoạn chèo: Quan Âm Thị Kính, Chương Viên…; các làn điệu dân ca quan họ: La rằng, Giã bạn, Tứ quý, Đường bạn Kim Loan, Gió mát trăng thanh…được các thành viên CLB biểu diễn thuần thục. Dù người còn trẻ hay đã lên chức ông, chức bà vẫn mê đắm với những làn điệu chèo, những điệu múa, lời ca; vẫn nhiệt huyết, vui tươi như thưở mười tám, đôi mươi. Chẳng mặn mà nhan sắc, chẳng ánh mắt dao cau, chẳng đôi tay thon nhỏ nuột nà, những người nông dân làng Yên với bàn tay chai sần, thô ráp đến với sân khấu chèo bằng tình yêu dung dị, mộc mạc nhưng không kém phần lôi cuốn, hấp dẫn. Họ cứ hát tự nhiên, tràn đầy sức sống như khi lao động sản xuất vậy.

Tập luyện hát chèo tại sân đình.

CLB đi vào hoạt động, các thành viên phải tự đóng góp kinh phí nhưng họ vẫn tích cực tập luyện, giao lưu. Cho dù có những buổi giao lưu được tặng quà, buổi biểu diễn phục vụ sự kiện được trả công, nhưng điều đó chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần. Các nghệ sĩ làng cất lên tiếng hát không chỉ để làm vơi bớt nhọc nhằn mà còn truyền cảm hứng tới thế hệ trẻ nơi đây cùng nhau gìn giữ, phát huy vốn văn hóa của vùng đất xứ Đoài. Dù cuộc sống có vất vả, nhưng chưa bao giờ và chưa khi nào người nông dân làng Yên hết yêu chèo. Luôn là những tháng ngày luyện tập gắt gao, những đêm sáng đèn ở sân đình, nhà văn hóa, chỉ với mong ước nhỏ bé là đưa phong trào văn hóa nghệ thuật trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho người dân thôn quê. Vào dịp lễ hội chùa Tây Phương, hội làng hay các ngày lễ, kỷ niệm do địa phương tổ chức, CLB đều tham gia biểu diễn. Thỉnh thoảng biểu diễn tại các kỳ cuộc của huyện Thạch Thất, giao lưu với các CLB trong và ngoài huyện. Hát chèo làng Yên cứ thế in sâu vào tâm thức của mỗi người theo năm tháng, để rồi những người con đi làm ăn xa, khi về tới đầu làng, chỉ cần nghe thấy tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng hát sánh quyện của chèo do các thành viên trong làng thể hiện là quên hết âu lo.

Những tưởng việc thành lập CLB hát dân ca và chèo làng Yên, người già hăng hái truyền dạy cho người trẻ, người trẻ biết phát huy sẽ nối dài sức sống của chèo. Thế nhưng, người tham gia CLB đến nay phần lớn đã mất hoặc bệnh tật tuổi già, người khỏe mạnh vẫn đam mê, da diết với chèo thì tuổi đã cao, nhiệt huyết còn nhưng hơi sức kiệt. Những người đau đáu với chèo như bà Luyến gần 80 tuổi, anh Khương Xuân Đảng – Chủ nhiệm CLB năm nay cũng chừng 60 tuổi luôn mong muốn giữ gìn truyền thống hát chèo của quê hương, nguyện bỏ thời gian, công sức truyền dạy cho lớp trẻ nhưng lớp trẻ làng Yên lại chỉ hát được ca mới, dân ca Bắc bộ, Nam bộ, không hát được chèo vì cho rằng độ luyến láy khó. Vậy là, CLB cứ dần nhạt phai, không sinh hoạt nữa. Để khơi dậy phong trào, vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội làng, anh Đảng đều đứng ra xin địa phương cho tổ chức chương trình văn nghệ. Những thành viên lớn tuổi của CLB biết tin đều đặt lịch trước xin lên sân khấu biểu diễn. Ai có sở trường gì, anh Đảng sắp xếp tập luyện cho phù hợp, anh mời thêm các bạn trẻ cùng tham gia, vì thế năm nào làng Yên cũng có được chương trình văn nghệ thật vui vẻ, hào hứng phục vụ Nhân dân.

Hoạt động phường rối làng Yên có đóng góp không nhỏ của CLB hát dân ca và chèo.

Các thành viên trong CLB hát dân ca và chèo làng Yên còn kiêm cả phục vụ biểu diễn múa rối nước. Dàn nhạc được trưng dụng cho phường rối do ông Tuấn, ông Lịch, ông Tấn đảm nhiệm; anh Đảng, chị Tần phụ trách phần hát, dẫn chương trình cho phường rối. Theo kinh nghiệm của các anh chị, người dẫn chương trình cho rối nước rất quan trọng, nếu người dẫn không biết thổi hồn cho rối thêm sống động thì tiết mục rối trở nên lạc lõng, con rối trở nên vô tri vô giác. Tiết mục rối hay, dở phụ thuộc rất nhiều vào người dẫn chương trình. Tùy từng tích trò mà các anh chị có cách lựa chọn những câu hát chèo, hát ví, dân ca, đoạn thơ sao cho phù hợp để thu hút người xem.

Một làng quê quanh năm tất bật với công việc đồng áng, làm nghề phụ và biểu diễn múa rối nước thì những điệu hát, lời ca ngọt ngào, đằm thắm của các thành viên CLB hát dân ca và chèo làng Yên như một luồng gió mát làm tan đi những giọt mồ hôi, những lo toan nhọc nhằn cuộc sống. Đó là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và phát huy ở làng Yên.

Mai Chi

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *