Cuộc đấu tranh giữa hai nhân vật đại diện cho cái thiện và cái ác chưa thể phân định thắng thua nhưng sự xuất hiện của vị thiền sư dường như đã hóa giải mọi ân oán.
Vở cải lương “Ngạ quỷ” của Nhà hát Cải lương Việt Nam được biểu diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ số 8, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội vào tối 8/11/2016 đã gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.
Ngạ quỷ là vở diễn thuộc thể loại giả tưởng kết hợp hư cấu lịch sử, dùng các sự kiện lịch sử có thật phối kết với nhau nhằm làm toát lên thông điệp chính. Là một người thấu hiểu về quan niệm cũng như giáo lý của Phật giáo, tác giả kịch bản là Đại đức Thích Nguyên Thanh đã thông qua câu chuyện của Ngạ quỷ để lý giải cái ác dưới góc nhìn của đạo Phật, đồng thời qua đó gửi gắm thông điệp mong muốn con người sống thiện và hướng thiện.
Câu chuyện của Ngạ quỷ được tác giả kết nối từ hai sự kiện lịch sử của hai nền văn hóa cách nhau hàng nghìn năm. Đó là chuyện về vụ án chu di tam tộc nhà họ Triệu vào thời Xuân thu – Trung Quốc. Vì can gian vua Tấn Linh Công không nên ca lấy mạng sống của quần thần và dân lành làm trò tiêu khiển mà Triệu Thuẫn bị gian thần Đồ Ngạn Giả gài bẫy hãm hại với tội danh hành thích vua và bị tu di tam tộc. Riêng Triệu Võ là cháu nội của Triệu Thuẫn được bảo vệ nên sống sót và trở thành con nuôi của Đồ Ngạn Giả lấy tên là Đồ Ngạn Trình. 16 năm sau, khi Đồ Ngạn Giả phát hiện ra sự thật, chưa kịp “trừ hậu họa” thì Đồ Ngạn Giả đã bị giết bởi những bằng hữu thân thuộc với Triệu Thuẫn. Câu chuyện thứ hai xảy ra vào nửa cuối thế kỷ XIV, thời Trần lúc bấy giờ có hôm quân Nhật Lễ cũng có tâm địa độc ác không khác gì Đồ Ngạn Giả. Nhật Lễ là con ruột của kép hát Dương Khương, lúc vợ của Dương Khương đang mang thai thì “lọt mắt xanh” của Cung túc vương Trần Nguyên Dục và Nhật Lễ được chọn làm vua vì nhà Trần lúc bấy giờ đang khó khăn trong việc chọn người kế vị.
Theo đạo Phật, thì có 6 cõi luân hồi gồm: Cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục. Những con người độc ác khi thác sanh sẽ bị đày xuống cõi ngạ quỷ. Nhân vật Đồ Ngạn Giả được xem là hiện thân của các ác không thể hóa giải. Với tâm địa độc ác và thâm thù cố chấp, sau khi chết, Đồ Ngạn Giả bị thác sanh vào cõi ngạ quỷ và linh hồn của con người này vẫn không thoát khỏi những việc làm độc ác trước đây.
Và với Ngạ quỷ, tác giả đã liên kết hai câu chuyện bằng cách cho linh hồn của Đồ Ngạn Giả đã thông qua con rối để chi phối số phận của kép hát Dương Khương và con trai ruột của ông ta là Nhật Lễ. Đặc biệt là nhân vật hôn quân Nhật Lễ, những việc làm của con người này quả là không khác với Đồ Ngạn Giả hay Tấn Công Linh là mấy. Bày nhiều trò tiêu khiển độc ác, thậm chí tệ hơn, Nhật Lễ còn nhẫn tâm giết cả Thái hậu, người đã bất chấp mọi lời can gián của quần thần để đưa Nhật Lễ lên ngôi khi sự thật về thân phận của mình có nguy cơ bị bại lộ…
Với việc sử dụng thủ pháp hư cấu và giả định trong tác phẩm Ngạ quỷ, tác giả không chỉ lý giải riêng về bản chất của cái ác trong nhân vật hôn quân Nhật Lễ mà còn lý giải chung về bản chất của cái ác ở đời. Đó là: “Quỷ dữ ở cõi Ngạ quỷ về bản chất chính là phần “thức” của những kẻ khi sống ở dương gian từng gieo nhiều nhân dữ. Chết đi rồi vẫn chấp nê, nặng lòng sân hận, không chịu buông xả, linh hồn vất vưởng không thể siêu thoát, cố bám víu lấy dương gian, tiếp tục gây họa cho con người”.
Nói về Triệu Thuẫn, sau khi chết dù không bị đày xuống cõi ngạ quỷ nhưng linh hồn của vị quan trung thần vẫn tình nguyện ở lại cõi này nhằm ngăn chặn những tội ác mà Đồ Ngạn Giả tiếp tục gây ra cho nhân gian.
Phần cuối vở diễn là cuộc chiến đấu cam go khó phân thắng bại giữa linh hồn hai nhân vật: Triệu Thuẫn và Đồ Ngạn Giả và cuộc chiến đó chỉ dừng lại khi xuất hiện của nhân vật thiền sư. Chi tiết này rất có ý nghĩa của vở diễn bởi lẽ trong cuộc sống thì cái thiện và cái ác luôn song hành tồn tại như hai mặt của một vấn đề. Cuộc đấu tranh giữa hai nhân vật đại diện cho cái thiện và cái ác chưa thể phân định thắng thua nhưng sự xuất hiện của vị thiền sư dường như đã hóa giải mọi ân oán.
Ngay từ khi ra mắt, vở cải lương Ngạ quỷ đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ khán giả cũng như những người làm chuyên môn. Đây là vở diễn được xem có nhiều thử nghiệm mới trong sáng tạo từ sử dụng thủ pháp hư cấu, yếu tố giả định trong khâu biên kịch đến bố cục không gian, thời gian và trang phục.
Đáng chú ý nhất là phần trang trí sân khấu với một hình bánh xe luân hồi với hai mặt bố trí hai biểu trưng trái ngược nhau về cuộc sống vương giả nơi cung đình và bần hàn nơi dân dã. Hơn thế nữa, bánh xe này có thể xoay và đặt ở các góc khác nhau phù hợp với từng cảnh diễn.
Đặc biệt với Ngạ quỷ, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên đã mạnh dạn đưa nghệ thuật múa rối vào sân khấu cải lương. Những con rối tay, rối que, rối dây, rối người xuất hiện trong các lớp kịch thể hiện lại các trò diễn xướng dân gian xưa bị quỷ ám… mang đến cho khán giả nhiều cảm nhận mới lạ. Và những thử nghiệm mới này đòi hỏi các diễn viên phải vừa diễn, vừa hát kết hợp với con rối sao cho hợp lý. Đây quả là một thử thách không dễ dàng gì, nhất là với hai diễn viên đảm nhận các vai Dương Khương, Nhật Lễ.
Ngạ quỷ với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn diễn xuất 1 – Nhà hát Cải lương Việt Nam như: Văn Đáng, Minh Hải, Xuân Thông, Minh Lý, Hoàng Tùng, Quang Khải, Minh Phương, Thiên Hoa…
Hy vọng không chỉ đêm diễn 8/11/2016 tại Rạp Âu Cơ mà thời gian tới đây, Ngạ quỷ sẽ được tổ chức biểu diễn để giới thiệu rộng rãi hơn tới đông đảo công chúng cả nước.
Huyền Chi
Theo MaskOnline