Sân khấu

“Ngàn năm mây trắng” kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong cùng tác phẩm

“Ngàn năm mây trắng” – Vở diễn có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc gồm cải lương, chèo, xẩm và ca Huế vừa được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam ra mắt khán giả tối 11/8/2019 tại Rạp Kim Mã, Hà Nội.

Ngàn năm mây trắng là vở kịch được tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết dựa trên cảm hứng từ hình tượng hòn vọng phu của vùng đất Lạng Sơn với câu chuyện về nàng Tô Thị bồng con đi tìm chồng và cuối cùng hóa đá. Tác phẩm được chuyển thể kịch hát bởi soạn giả cải lương Hoàng Song Việt và NSND Thanh Ngoan. Vở diễn được đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên và NSND Thanh Ngoan dàn dựng với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc là cải lương, chèo, hát xẩm và ca Huế. Sự thể nghiệm mới này đã mang đến cho khán giả có mặt ở đêm tổng duyệt nhiều cảm xúc từ ngỡ ngàng đến hào hứng và thích thú.

Mở đầu vở diễn là hình ảnh nàng Tô Thị bế con đang ngóng trông chồng là Trần Khôi nơi biên ải. Và rồi, sự xuất hiện của Trương Lỗ, người anh em kết nghĩa của Trần Khôi đã khiến cho trái tim của người vợ trẻ tan nát. Từ biên ải trở về, Trương Lỗ báo tin Trần Khôi bị trúng tên độc và đã hy sinh ngoài chiến trận. Trương Lỗ cũng mang theo chiếc khăn kỷ vật mà Tô Thị đã tự tay thêu tặng Trần Khôi với mong muốn gá nghĩa cùng nàng theo tâm nguyện của người anh kết nghĩa trước lúc ra đi. Tuy nhiên, với Tô Thị, nàng một mực không tin chồng đã chết và quyết tâm bồng con đi khắp nơi dò tìm tung tích Trần Khôi. Trong suốt hành trình gian nan đi tìm chồng, Trương Lỗ luôn ở bên bảo vệ mẹ con Tô Thị.

Trên đường đi, họ gặp một phường Chèo và được mọi người kể cho nghe câu chuyện về một vị tướng có tên gọi Trần Khôi. Đó là một con người văn võ song toàn, lưu lạc đến phương Bắc, quý mến tài năng và đức độ của Trần Khôi, công chúa đã đem lòng yêu thương chàng. Và dù bị vua cha phản đối nhưng công chúa vẫn một lòng xin được kết duyên cùng Trần Khôi. Nhưng tâm nguyện của vị tướng khôi ngô, tuấn tú đó luôn hướng về quê hương và không muốn phụ bạc người vợ tào khang cùng con nhỏ nơi quê nhà. Từ chối làm phò mã, Trần Khôi bị nhà vua phương Bắc ra lệnh xử tử. Tuy nhiên câu chuyện về tướng quân Trần Khôi của phường Chèo cũng không làm thay đổi niềm tin của Tô Thị. Nàng cho rằng người đó không phải là chồng mình nên nhất định vẫn tiếp tục lên đường tìm kiếm.

Hành trình tiếp theo mẹ con Tô Thị và Trương Lỗ gặp là một gánh hát Xẩm và khi hỏi thăm tung tích của chồng, nàng lại được nghe họ kể về một người cũng có tên gọi Trần Khôi. Chuyện kể rằng thấy chàng có chiếc khăn quý, một thương nhân phương Bắc đã dụ Trần Khôi theo sang đó để hưởng vinh hoa phú quý. Dù lòng vẫn thương nhớ vợ con nhưng không vượt qua được những cám dỗ, Trần Khôi đã theo thương nhân phương Bắc và trượt dài vào chốn ăn chơi… Nghe xong câu chuyện, Tào Thị không tin đó là Trần Khôi chồng nàng và vẫn một mực tin rằng người chồng mà mình yêu thương vẫn còn sống và lưu lạc ở một nơi nào đó…

Tiếp tục hành trình tìm kiếm, họ đi qua một ngôi đền linh thiêng với văng vẳng tiếng hát văn Huế của một cô đồng đã thôi thúc Tô Thị bế con ghé vào. Và rồi, nàng đã nghe câu chuyện kể về một Trần Khôi bị người em kết nghĩa hãm hại nơi chiến trận. Đến lúc này, bộ mặt và dã tâm của Trương Lỗ mới bại lộ. Thì ra chỉ vì cùng đem lòng yêu thương Tô Thị mà Trương Lỗ đem lòng ghen ghét và rắp tâm giết hại Trần Khôi rồi mang chiếc khăn về với mong muốn gá nghĩa cùng Tô Thị. Biết được sự thật, Tô Thị ngỡ ngàng và đau đớn nhưng trong lòng người vợ thủy chung vẫn không nguôi hy vọng về một phép màu rằng chồng mình vẫn còn sống ở đâu đó trong rừng sâu. Và nàng lại một mình ôm con lặn lội tìm chồng để rồi cuối cùng hóa thành hòn vọng phu trên đỉnh núi.

Với người Việt Nam, câu chuyện cổ tích về người vợ ôm con ngóng chờ chồng đến hóa đá đã trở nên quen thuộc. Nhưng hình tượng người phụ nữ chờ chồng trong Ngàn năm mây trắng được tác giả Nguyễn Thế Kỷ phác họa và gửi gắm là hình tượng người phụ nữ chờ chồng nơi chiến trận, là nỗi niềm chinh phụ – chinh phu mang tính chất tiêu biểu và điển hình với một đất nước trải qua hàng ngàn năm binh lửa như Việt Nam. Thông qua câu chuyện về nàng Tô Thị, Ngàn năm mây trắng ca ngợi những chiến binh dũng cảm đã không tiếc máu xương bảo vệ quê hương, đất nước và ca ngợi lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.

Đặc biệt, Ngàn năm mây trắng cũng là vở diễn đầy sáng tạo và mang tính chất thể nghiệm của hai đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên và NSND Thanh Ngoan khi kết hợp một cách nhịp nhàng uyển chuyển nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong cùng một tác phẩm. Vì vậy mà xem Ngàn năm mây trắng, khán giả vừa được thưởng thức cải lương, đắm mình trong chèo, nghe xẩm và ca Huế với nhiều cảm xúc mới lạ và thú vị.

Ngàn năm mây trắng (Thiết kế mỹ thuật: Hồng Vân; Âm nhạc: NSƯT Duy Hòa; Ánh sáng: Hồng Hải; Biên đạo múa: Tuyết Minh; Thiết kế trang phục: Minh Hùng) với thời lượng 90 phút và có sự tham gia diễn xuất của 60 nghệ sĩ, diễn viên nhạc công của 3 đơn vị nghệ thuật là: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Dàn nhạc dân tộc nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đó có nhiều gương mặt quen thuộc như: Thu Trang, Quang Khải, Tuấn Thanh, Văn Chương…

Ngàn năm mây trắng là tác phẩm được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng để tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V – Hà Nội 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Đồng thời vở diễn cũng là công trình nghệ thuật kỷ niệm 74 năm thành lập Đài tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 – 7/9/2019) và 70 năm thành lập Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam.

Theo kế hoạch, sau khi tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, Ngàn năm mây trắng sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội cũng như phát sóng trên các kênh phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam và một số địa phương để phục vụ khán giả cả nước.

Lan Hương

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *