Di sản – Bảo tồn

Ngân vang tuồng cổ trên miền quê xứ Đoài

Tại một miền quê xứ Đoài, các thế hệ đã gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật tuồng cổ của Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ đã qua. Vùng quê ấy có tên gọi Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) – nơi Câu lạc bộ (CLB) tuồng Dương Cốc với những “nghệ sĩ nông dân” đã, đang “cháy” hết mình cùng tuồng cổ nước nhà.

“Thôn Dương Cốc trước kia có tới hơn 90% hộ gia đình tham gia múa hát tuồng. Tất cả đều là những người yêu nghệ thuật truyền thống và không qua trường lớp đào tạo chính quy nào”, ông Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm CLB tuồng Dương Cốc, mở đầu câu chuyện tuồng cổ đã được lưu giữ, phát triển không ngừng trong 55 năm qua.

Điệu “tuồng” ngấm vào máu

Nhiều địa phương tại Thủ đô Hà Nội hiện vẫn giữ được các di sản văn hóa phi vật thể thuộc diện “vàng ròng” như ca trù, hát xẩm, hát dô, hát Trống quân,… nhưng tuồng cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nổi tiếng nhất trên đất Thăng Long ngàn năm văn hiến với điệu tuồng cổ là Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức), và ngay sau đó phải kể đến tuồng cổ thôn Dương Cốc ở xứ Đoài.

tuong-co-3-.png
Thành viên CLB tuồng Dương Cốc biểu diễn trong một sự kiện tại địa phương.

Chủ nhiệm CLB tuồng Dương Cốc Nguyễn Văn Lý chia sẻ, những năm 50 thế kỷ XX, thôn Dương Cốc có một đội văn nghệ chuyên hát, hò tại đình làng để phục vụ trong những ngày lễ tết. Những năm đầu thập kỷ 60 đội chuyển sang tập múa hát chèo. Đến năm 1967, chiến tranh ác liệt, các đoàn văn công, nhà hát đã sơ tán về thôn Dương Cốc. Trong đó có Nhà hát Tuồng Liên khu 5 (Nhà hát tuồng Đào Tấn, tỉnh Bình Định hiện nay). Thời điểm đó, đình làng thôn Dương Cốc là nơi tập luyện, biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Liên khu 5.

Thấy những người nông dân thôn Dương Cốc có niềm đam mê, yêu thích nghệ thuật tuồng cổ, cùng nhiều cá nhân có chất giọng tốt, lại hay xem cả lúc tập lẫn lúc diễn, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Liên khu 5 đã chỉ dạy, hướng dẫn người dân Dương Cốc thực hành loại hình văn hóa phi vật thể này. Khi được các nghệ sĩ chuyên nghiệp hướng dẫn, dạy tận tình, những người nông dân thôn Dương Cốc nhanh chóng tiếp cận được với hát múa tuồng và nhanh chóng ngấm vào máu người dân ở vùng đất xứ Đoài. Không lâu sau, Đội Tuồng thôn Dương Cốc được thành lập, mở ra một chương mới về phát triển văn hóa, đời sống tinh thần tại địa phương.

ui672.png
Điệu múa hát tuồng đã ngấm vào máu người dân Dương Cốc hơn nửa thế kỷ qua.

Sẵn có chất giọng tuồng trời phú cùng những tháng ngày tập hò, tập “xiến”, tập múa, lăn, lộn người…, các “nghệ sĩ nông dân” Đội tuồng Dương Cốc có được ngón nghề trong tay, đi biểu diễn phục vụ các làng, xã trong huyện và các đơn vị bộ đội dân quân trực chiến tại các điểm. Càng về sau Đội tuồng Dương Cốc càng thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tại Hà Nội cũng như cả nước, hiếm có đội văn nghệ “cấp thôn” nào hái được nhiều quả ngọt như CLB tuồng Dương Cốc, bởi hơn 50 năm hình thành và phát triển, CLB đã sở hữu hơn 200 huy chương vàng trong các hội diễn nghệ thuật từ cấp địa phương đến quân khu và toàn quốc. CLB tuồng Dương Cốc hiện có 40 thành viên, trong đó 9 người đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

ty.png
CLB tuồng Dương Cốc đã dựng hàng trăm vở thuộc tuồng lịch sử, truyền thống, hiện đại. Trong ảnh, các thành viên CLB trong vở tuồng cung đình “Ngọn lửa Hồng Sơn”.

“Đến nay CLB tuồng Dương Cốc đã tập luyện được cả trăm vở gồm tuồng truyền thống, tuồng lịch sử, tuồng hiện đại để phục vụ nhân dân và tham dự liên hoan sân khấu Thủ đô cũng như toàn quốc. Hàng loạt vở tuồng như Trưng Nữ Vương đề cờ, Quốc Toản ra quân, Cô gái sông Tích, Sáng mãi niềm tin, Trần Bình Trọng, Nghêu Sò Ốc Hến, Ngọn lửa Tiểu Kỳ, Ngọn lửa Hồng Sơn, Máu lửa nhập thiên đường, Nắng soi dòng suối Păng Pơi… đã làm nên tên tuổi CLB tuồng Dương Cốc. Nhiều cái tên trong CLB cũng đã nổi tiếng khắp cả nước như cụ Nguyễn Ngọc Bỉnh, các nghệ nhân Nguyễn Thị Lực, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Thị Hưởng, Nguyễn Đình Hiệp…”, ông Nguyễn Văn Lý giọng đầy tự hào.

Để “lửa” tuồng cháy mãi

Bởi điệu tuồng đã ngấm vào máu, nhiều người dân ở Dương Cốc mỗi khi nông nhàn, rảnh rỗi đã ngồi lại với nhau, quây quần sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn hoặc tư gia của thành viên CLB, để ngân nga, trầm bổng các làn điệu tuồng cổ cùng niềm đam mê bất tận. Trong thôn, xã, huyện cũng như Thành phố có sự kiện chính trị nào bất kỳ, nếu nhận được lời mời, thành viên CLB tuồng Dương Cốc lại tất bật “chạy vở”, biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể tới cộng đồng, xã hội.

360110190_604505021749378_4691009223818537669_n.jpg
Tuồng cổ Dương Cốc được biểu diễn trong nhiều sự kiện của địa phương đến toàn quốc.

Nhằm khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật sân khấu tuồng trong thế hệ trẻ, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai, chính quyền xã Đồng Quang và CLB tuồng Dương Cốc thời gian qua đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Chủ nhiệm CLB tuồng Dương Cốc cho biết, các lớp truyền dạy thường có từ 40 đến 50 học viên, thời gian kéo dài trong khoảng 3 tháng. Hầu hết các học viên tham gia lớp truyền dạy đều có tố chất, đam mê tuồng cổ.

“Cháu rất yêu thích tuồng cổ, khi ông bà đi diễn cháu đều theo để xem. Cháu muốn trở thành diễn viên tuồng, mong được các ông bà trong CLB chỉ dạy nhiều để hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật truyền thống này”, em Nguyễn Quỳnh Trang, thành viên CLB tuồng Dương Cốc, chia sẻ.

ui67.png
ui674.png
Các lớp tập huấn hát tuồng cho thế hệ trẻ do thành viên CLB tuồng Dương Cốc truyền dạy.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, tuồng cổ Dương Cốc có được “hương thơm quả ngọt” như ngày hôm nay bởi nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ VH-TT&DL, UBND Thành phố Hà Nội cùng các sở, ban ngành liên quan của Thủ đô, chính quyền huyện Quốc Oai tới xã Đồng Quang. Đây là nguồn động lực tinh thần để các “nghệ sĩ nông dân” CLB tuồng Dương Cốc vẫn đắm say, nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội cũng như xã Đồng Quang nói riêng.

Mặc dù đã nhận được những sự quan tâm kể trên, song theo Chủ nhiệm CLB tuồng Dương Cốc, để gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc có ở địa phương hơn nửa thế kỷ qua, CLB rất mong nhận được sự hỗ trợ về kinh phí. Bởi thời gian qua, trong các dịp biểu diễn, thành viên CLB tuồng Dương Cốc nhiều khi phải bỏ tiền túi để mua (thuê) trang phục, đồ hóa trang…

“Chúng tôi rất mong các cơ quan, ban ngành quan tâm hơn nữa để giúp cho tuồng cổ được bảo tồn giữ vững, giúp cho cộng đồng dân cư luôn được gắn kết bên nhau và ngọn lửa tuồng Dương Cốc sẽ không bao giờ tắt”, ông Nguyễn Văn Lý, bày tỏ./.

“Do điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách hàng năm của xã không có để chi cho CLB tuồng Dương Cốc. Qua đây chúng tôi cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa, có một phần kinh phí phân bổ cho CLB tuồng Dương Cốc có điều kiện hoạt động thường xuyên, tốt hơn nữa.

Chính quyền xã sẽ cố gắng liên kết với các nhà trường, trước mắt các trường trên địa bàn để CLB đến biểu diễn trong hoạt động ngoại khóa. Biết đâu tuồng vào nhà trường, có em học sinh yêu thích tuồng. Trong một ngàn học sinh mà có vài em đam mê sẽ rất tốt. Nếu được hỗ trợ kinh phí để thuê, may trang phục, dựng các trích đoạn khoảng 10 phút, CLB sẽ lan tỏa được nghệ thuật truyền thống tới thế hệ trẻ, đặc biệt có thể tìm được lớp người kế cận gìn giữ nghệ thuật tuồng Dương Cốc”, ông Vương Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang chia sẻ.

Vũ Phạm

Ngân vang tuồng cổ trên miền quê xứ Đoài (nguoihanoi.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *