Sự kiện

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội 70 NĂM- MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

​Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố trước toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1946, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất, Hà Nội được vinh dự chọn làm Thủ đô của cả nước trong kỷ nguyên mới.

70nam1.jpg

Chỉ hơn một năm sau ngày đất nước giành được độc lập, tự do, nhân dân Thủ đô lại phải đương đầu với một cuộc xâm lược mới của thực dân Pháp. Đêm 19/12/1946, theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến. Sau tám năm trường kỳ chiến đấu, ngày 10/10/1954, Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô.

Trong không khí tưng bừng chào đón Ủy ban quân chính Hà Nội và những chiến sỹ quyết tử rời Thủ đô ra đi đêm đất trời bốc lửa, nay trở về trong hào quang của vòng nguyệt quế, ngoài cờ và hoa đỏ rực năm cửa ô cho tới các phố phường là những tiếng loa thông tin phát ra từ những chiếc ô tô vang lên những bài ca cách mạng, nhất là bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Tiếng loa cũng vang vọng các khu phố đông đúc, len lỏi vào các ngõ xóm lao động những bài giải thích "Tám chính sách với Thành phố mới giải phóng", "Mười điều kỷ luật của bộ đội, nhân viên vào tiếp quản", "Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô", "Thông cáo của Ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội", "Nhật lệnh của  Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho các đơn vị tiếp quản"…

Chỉ đạo công tác thông tin lúc này là Sở Tuyên truyền văn nghệ đã vào tiếp quản Nha Thông tin Bắc Việt của ngụy quyền đóng ở nhà Khai trí Tiến Đức, góc phố Hàng Trống- Lê Thái Tổ. Ngoài phát thanh lưu động còn đặt một số điểm phát thanh cố định như ở Trạm thông tin nhà Thủy Tạ, Nhà Thông tin Tràng Tiền…Người tham gia đều là học sinh kháng chiến Hà Nội. Anh em công tác rất nhiệt tình, sau trở thành cán bộ, nhân viên của Đài truyền thanh, Sở Tuyên truyền văn nghệ và các đoàn văn nghệ chuyên nghiệp.

Tờ Tin tức, cơ quan của Ủy ban quân chính ra số đầu đúng ngày Thủ đô giải phóng với danh nghĩa  "Cơ quan thông tin xuất bản tại Thủ đô". Nhà Thủy Tạ trở thành trạm thông tin đầu mối với một số tuyến dây và loa mắc ở các phố chung quanh, đã có những buổi phát thanh cố định với lời mở đầu: "Đây là buổi phát thanh của Sở Tuyên truyền văn nghệ Hà Nội". Ngày phát  chương trình đầu tiên 14/10/1954 đã trở thành ngày thành lập Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội bây giờ.

Hình thức thông tin tuyên truyền nữa là các đội tuyên truyền văn nghệ xung kích hoạt động ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, nơi có đông người, gây được không khí sôi động, phấn khởi trong nhân dân.

Sau khi hoàn thành công tác tiếp quản, tờ Tin tức chuyển nhiệm vụ cho tờ Tin Hà Nội với danh nghĩa "Cơ quan thông tin xuất bản tại Thủ đô". Tháng 9/1954, Sở Tuyên truyền văn nghệ đổi thành Sở Văn hóa và chuyển trụ sở về 47 Hàng Dầu. Trạm truyền thanh Thủy Tạ chuyển về Nhà thông tin 45 Tràng Tiền. Với sự viện trợ của Liên Xô, tới năm 1956, Đài đã có 2 máy tăng âm 5000W với hệ thống đường dây loa dài 85km, nối tiếng ra các quận ven ngoại. Đài đã lập chương trình hàng ngày, có các chuyên mục văn hóa, xã hội bên cạnh, hàng tuần có phần ca nhạc, sân khấu truyền thanh, đọc chuyện đêm khuya. Tới năm 1964, hệ thống truyền thanh Hà Nội đã có 3 cấp: Thành phố, huyện và cơ sở xí nghiệp, công trường, trường học.

Ngày 26/5/1965, tiếng còi báo động phòng không lần đầu tiên từ Nhà hát Lớn phát ra trên hệ thống truyền thanh, đưa Hà Nội chuyển sang thời chiến. Từ năm 1967, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vào Hà Nội ngày càng ác liệt, đài đã mở chuyên mục "Tin chiến thắng" phát ngay sau mỗi trận đánh trả máy bay địch. Đến đợt 12 ngày đêm đối mặt với Pháo đài bay B52, Đài truyền thanh là nơi phát mệnh lệnh của Hội đồng phòng không để nhân dân biết, kịp thời phòng tránh. Sau mỗi trận đánh lại phản ánh ngay tội ác của địch giết hại dân lành, tàn phá xí nghiệp, làng xóm và ta đã diệt bao máy bay, bắt bao giặc lái.

Công tác tuyên truyền chiến thắng của cả hai miền Nam Bắc được quan tâm đặc biệt. Khu vực vòng quanh bờ Hồ Gươm trở thành  một trung tâm cổ động lớn. Hàng chục pa nô lớn ghi chiến công bắn rơi máy bay Mỹ hàng ngày của Hà Nội và của cả nước, đồng thời cộng số máy bay Mỹ bị bắn rơi đến ngày đó là con số bao nhiêu. Hình thức bảng chiến thắng còn được lập ở khắp các phường, xí nghiệp, trường học. Ở bờ Hồ còn những bản đồ các mặt trận ở miền Nam, hàng ngày giải phóng nơi nào ghi cờ đỏ ở nơi đấy, lại có các cán bộ quân đội trực tiếp đến nơi nói chuyện về các trận chiến đấu với đồng bào. Đây cũng là nơi tập trung các hình ảnh thời sự mới nhất từ miền Nam gửi ra. Vào chủ nhật có buổi tuyên truyền đặc biệt với chương trình văn nghệ đặc sắc.

Đất nước thống nhất, Đài truyền thanh Hà Nội có bước phát triển vượt bậc. Bỏ loa công cộng ở nội thành, đưa loa con vào gia đình, thành lập Đài truyền thanh các huyện, tiến tới phát sóng cực ngắn thay cho đường dây thường bị đứt hỏng.

Vào dịp 23 năm giải phóng Thủ đô, tháng 10/1977, Đài chuyển thành Đài phát thanh Hà Nội, tách khỏi Sở Văn hóa và trực thuộc Thành phố từ 1960. Tháng 6/1989, Đài phát thử nghiệm chương trình  truyền hình và trở thành Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội.

Sở Văn hóa Hà Nội có nhiều nhiệm vụ, nhiều phòng ban, xí nghiệp, công ty, đoàn nghệ thuật  trải ra khắp nội ngoại thành. Về tên gọi: Từ 1955 đến 1966 là Sở Văn hóa, 1966 thành lập Sở Thông tin bao gồm cả Đài truyền thanh. Năm 1970 nhập vào với Sở Văn hóa thành Sở Văn hóa- Thông tin, năm 2008 tách phần thông tin ra thành lập Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, cũng năm này sáp nhập Sở Văn hóa với Sở Thể thao và Sở Du lịch thành Sở Văn hóa, thể thao và du lịch. Tháng 9 năm 2015, tách ngành Du lịch, thành Sở Văn hóa và Thể thao.

Sở Văn hóa thông tin là một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và điều hành rất nhiều các chuyên ngành mà không một sở công vụ nào sánh kịp. Từ khi thành lập đến nay (2015) về tổ chức bao gồm các đơn vị trực thuộc như sau, có thay đổi chút không đáng kể mỗi thời kỳ.

Các phòng ban trực thuộc Sở: Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kế hoạch tài vụ, Phòng Thông tin và Phòng nghiên cứu biên tập sau nhập lại thành Phòng Thông tin cổ động, sau là Trung tâm Thông tin- triển lãm, Phòng Văn hóa quần chúng sau là Nhà nghệ thuật quần chúng- trung tâm văn hóa, bao gồm cả Phòng Nếp sống, Phòng Văn nghệ, Phòng Bảo tồn bảo tàng sau là Ban Quản lý di tích, danh thắng; Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm văn hóa-  khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban quản lý nhà tù Hỏa Lò, Thư viện Hà Nội, Phòng Văn nghệ sau là Nhà sáng tác rồi Phòng Nghệ thuật, Phòng quản lý báo chí, Phòng Quản lý văn hóa phẩm, Trường nghệ thuật sau là trường Cao đẳng  nghệ thuật, Nhà in Hà Nội, Quốc doanh phát hành sách sau là Công ty phát hành sách, Quốc doanh chiếu bóng sau là Công ty chiếu bóng, Công ty Mỹ thuật, Công ty Nhiếp ảnh, Đội tu sửa, Nhà triển lãm hội chợ, Công ty Vật tư văn hóa, Công ty Biểu diễn nghệ thuật, Công ty băng nhạc, Xí nghiệp nhạc cụ; các đoàn nghệ thuật sau thành nhà hát: Ca múa nhạc, kịch, chèo, cải lương, múa rối Thăng  Long, Đội kiểm tra văn hóa – thông tin…

Nhìn vào danh sách trên đã thấy bộn bề công việc, ngổn ngang các chuyên ngành. Mỗi ngành lại có bao nhiêu nhà hát, rạp chiếu bóng, hiệu sách, hiệu ảnh…Sở lại phụ trách công tác cổ động, trang trí khánh tiết cho Thành phố các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, các đại hội của các tổ chức, các triển lãm – hội chợ của Thành phố. Sở cũng là đơn vị đứng ra tổ chức Đại hội văn nghệ của Hà Nội năm 1966, đến nay là Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội với 9 hội chuyên ngành: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc.

Về xuất bản báo chí và bản tin của ngành, ngay từ năm 1958, Sở đã cho ra tờ báo văn nghệ quần chúng phục vụ nông thôn mang tên Tiếng hát quê ta làm sân chơi rèn luyện  ban đầu, với 15 năm, tờ báo đã góp phần đào tạo hàng trăm cây bút, sau nhiều người trở thành văn nghệ sỹ chuyên nghiệp. Năm 1959 xuất bản tờ Tiếng máy phục vụ công nhân. Năm 1960, ra tờ  Đường phố mới phục vụ nhân dân nội thành. Tờ Tin Hà Nội ngừng xuất bản khi Thành ủy cho ra đời báo Thủ đô. Năm 1961, sáp nhập hai tờ Tiếng máyĐường phố mới thành Tập san Văn nghệ Hà Nội ra hàng tháng, đó là tiền thân của tờ Người Hà Nội của Hội Văn nghệ Hà Nội sau này. Cũng năm 1961, xuất bản tờ Màn ảnh Hà Nội sau thành báo Màn ảnh sân khấu cho đến bây giờ. Sở còn ra hàng tháng Sổ tay công tác văn hóa thông tin, sau chuyển thành tờ Thông tin, bản tin Văn hóa Thông tin Hà Nội,  rồi Văn hóa Hà Nội. Bộ phận du lịch có Du lịch Hà Nội, Thể thao có báo Thể thao ngày nay. Ngoài báo chí, bản tin, Sở còn xuất bản nhiều sách như Thủ đô Hà Nội (20, 25, 30 năm Giải phóng), Hà Nội xưa và nay, Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến và nhiều sách gương Người tốt, việc tốt, gương Anh hùng lao động, Anh hùng quân đội, Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Với khẩu hiệu "Quanh năm huấn luyện, bốn mùa hội thi", Sở mở rộng phong trào quần chúng làm văn hóa- thông tin, ngoài các lớp nghiệp vụ, Sở tổ chức các hội thi thông tin bắt đầu từ xí nghiệp năm 1971 sau mở ra với các xã, phường. Thành lập các đội tuyên truyền văn nghệ xung kích phục vụ sản xuất ngoại thành, phòng chống thiên tai, các đơn vị phòng không…mở trại, cuộc thi sáng tác văn nghệ hàng năm, ba năm về các đề tài nếp sống mới, sinh đẻ có kế hoạch, chống lãng phí, tham ô, kết nghĩa Hà Nội- Huế- Sài Gòn. Phát động các phong trào múa hát tập thể, ca khúc chính trị, tiếng hát át tiếng bom, thông tin lưu động với các cuộc thi phát thanh, thông tin lưu động, sân khấu, ca nhạc hàng năm. Hội diễn văn nghệ đầu tiên là của ngành giáo dục năm 1971. Khi chiến tranh phá hoại nổ ra, phong trào lối sống thời chiến giản dị, tiết kiệm, vui khỏe, lành mạnh, văn minh lịch sự, quân sự hóa được mở rộng. Sau này là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó còn có các phong trào đọc sách, kể chuyện sách, xây dựng câu lạc bộ, nhà văn hóa, phòng truyền thống, viết sử cách mạng địa phương, tu bổ, bảo vệ các di tích được xếp hạng…Năm 1976 tuyên truyền cho việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, Đội Thông tin lưu động của Sở đã đi các quận, huyện cổ vũ người đi rồi lại vào vùng đất mới hàng chục lần phục vụ bà con nơi định cư.

Các cuộc triển lãm – hội chợ trong những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn đều đạt hiệu quả cao, góp phần giới thiệu với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

70 nam2.jpg

Hà Nội thêm đẹp nhờ công tác tuyên truyền cổ động trực quan

trong các ngày lễ, kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước

 

Từ các đoàn nghệ thuật tư nhân chuyển thành các đoàn nghệ thuật quốc doanh rồi thành các nhà hát, nghệ thuật chuyên nghiệp đã có những vở diễn đặc sắc đạt nhiều huy chương vàng hội diễn, nhiều nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú.

Từ 1980, ngành phát động liên tục phong trào chống văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, chống tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn minh.

Năm 1985, Sở đã quan tâm đến xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học, đề ra những vấn đề về lịch sử, hội lễ, nghệ thuật, lối sống, phong tục… giúp cho các ngành nâng cao lý luận, hiểu biết thực tiễn để xây dựng các đề án công tác một cách khoa học. Sở cũng được Thành phố giao trách nhiệm chuẩn bị cho việc đặt tên các đường phố mới để Hội đồng nhân dân Thành  phố thông qua hàng năm.

Qua ba lần mở rộng Thành phố vào các năm 1961, 1978, 2008, việc tiếp quản và ổn định tổ chức, điều hành hoạt động nhanh chóng đi vào quỹ đạo chung, không để xảy ra mất đoàn kết, suy tị, thất thoát tài sản. Nhất là khi mở rộng sáp nhập cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã của tỉnh Hòa Bình, lại sáp nhập 3 Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch phải điều chỉnh cán bộ, sắp xếp nơi làm việc cũng là việc phức tạp mà vẫn giải quyết được nhanh chóng để phục vụ kịp thời lễ kỷ niệm trọng đại 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Đến nay, Hà Nội có 5.175 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong đó 1.150 đã xếp hạng cấp quốc gia, 1.059 xếp hạng cấp Thành phố, với hàng nghìn lễ hội truyền thống. Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu- Quốc Tử Giám là hai trong số di tích quốc gia đặc biệt. Lại còn những di tích và văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản thế giới cần bảo vệ cho nên văn hóa Hà Nội có tính chất đặc biệt quan trọng đối với quốc gia.

Về Thể thao, Hà Nội là một trong những trung tâm thể thao lớn của cả nước, với những sân bãi thi đấu, nhà huấn luyện mang tầm quốc tế. Hà Nội quan tâm xây dựng cơ sở thể thao thành tích cao, từng bước củng cố và phát triển đỉnh cao ở đấu trường SEA Games và Olympic. Cùng với việc nâng cao thành tích thể thao, phải đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, tác phong sinh hoạt, tính trung thực cho các vận động viên trẻ. Ngành đầu tư tập huấn trong nước, đi nước ngoài cho các môn mũi nhọn cũng như mời huấn luyện viên nước ngoài sang tập luyện.

Phòng Thể thao thành tích cao đã xây dựng điều lệ giải cho 34 môn thi đấu tại Đại hội thể thao Thủ đô lần thứ 7, tổ chức các giải thi đấu cấp quốc gia và quốc tế tại Hà Nội. Hướng về cơ sở, Trung tâm thể dục Hà Nội phát triển rộng rãi ở tất cả các quận, huyện, thị xã và là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào TDTT quần chúng. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục phát triển. Thành phố có ước 26,5% dân số thường xuyên luyện tập, 18% số hộ là gia đình thể thao, gần 3000 câu lạc bộ thể thao. Giải chạy báo Hà Nội mới ngày càng mở rộng và đã trở thành sự kiện TDTT được chú ý.

Về du lịch, năm 2014, tạp chí Du lịch hàng đầu châu Á là Smart Travel Asia đã bình chọn Hà Nội là Thành phố du lịch đứng thứ 2 trong bảng danh sách điểm đến hàng đầu châu Á. Trong khi đó, trang điện tử Trip Advison bầu chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 8/25 điểm du lịch hàng đầu thế giới năm 2014.

Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam có lịch sử lâu đời vẫn còn khu phố cổ với 36 phố phường xưa, lại có khu phố Tây kiến trúc thời Pháp thuộc có nhiều di sản, lễ hội văn hóa, nhiều món ẩm thực được yêu thích, nhiều điểm đến hấp dẫn, con người Việt Nam thân thiện, hào hoa phong nhã, là những điều kiện để du lịch Thủ đô phát triển bền vững. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Hà Nội đón hơn 7 triệu du khách. Năm 2014, đã đạt 18,5 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế, mới thấy du lịch Hà Nội có sức bật tốt.

Với Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, khu phố cổ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thăng Long tứ trấn, chùa Một Cột, chợ đêm Đồng Xuân, phố đi bộ nhàn tản, những món ăn khoái khẩu, lại có hệ thống bảo tàng, xem múa rối nước, thăm các làng nghề truyền thống là những điểm hấp dẫn du khách. Hà Nội cần tiếp cận với các điểm du lịch ở Bắc bộ, lập các sản phẩm du lịch kết nối làm ngày càng phong phú thêm sẽ còn tăng trưởng nhiều hơn nữa.

70 nam 3.jpg

70 nam 4.jpg

70 năm là quãng thời gian quá ngắn của hơn nghìn năm Thăng Long nhưng văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch Hà Nội đều có bước tiến vượt bậc đánh dấu sự trưởng thành của một ngành có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, để mãi xứng đáng là văn hóa Thủ đô.

Giang Quân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *