Năm 2019 là năm bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI; năm thứ tư thực hiện Kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020; năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và Thủ đô. Với quyết tâm siết chặt kỷ cương, sáng tạo, đổi mới, trách nhiệm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ đề công tác năm 2019 – năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong cả 3 lĩnh vực: Văn hóa, Thể thao và Gia đình.
Thực hiện chủ đề năm 2019: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Sở VHTT tiếp tục rà soát, bổ sung Quy chế làm việc và các quy trình giải quyết công việc tại Sở, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Chỉ số cải cách hành chính của Sở tăng 2 bậc, từ vị trí số 14 lên vị trí 12 trong 22 các sở, ngành, cơ quan Thành phố. Hoàn thành, thực hiện 100% Thủ tục Hành chính (88 Thủ tục) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở mức độ 3,4. Sở đã tiếp nhận, phân loại và chỉ đạo xử lý 11.656 văn bản, ban hành 8.561 văn bản hành chính. 100% văn bản đi, đến của Sở đều được tiếp nhận, phát hành trên phần mềm quản lý văn bản theo quy định.
Công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra được tăng cường. Sở VHTT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở trên địa bàn Thành phố đến năm 2020. Vừa qua, Thành phố Hà Nội chính thức trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa, sáng tạo văn hóa để phát triển bền vững cho đô thị.
Sở đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”. Tham mưu báo cáo UBND Thành phố hỗ trợ các huyện xây dựng 108 nhà văn hóa thôn còn thiếu trên địa bàn Thành phố. Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trọng tâm là tuyên truyền, thực hiện 02 Quy tắc ứng xử đã được triển khai với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo, đặc biệt trong việc tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hoàn thành nghiệm thu cấp Thành phố Đề tài khoa học “Đánh giá sự phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đảm bảo an sinh xã hội nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015- 2020) và định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.”
Sự nghiệp phát triển văn hóa đạt được nhiều kết quả nổi bật. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm; Việc tu bổ, tôn tạo di tích được chú trọng đầu tư. Thành phố đã hoàn thành công tác kiểm tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư, tu bổ, tôn tạo 150 di tích đã xếp hạng, di tích cách mạng kháng chiến có giá trị tiêu biểu xuống cấp tặng tại 22 quận, huyện, thị xã. Thực hiện tu bổ, tôn tạo 177 di tích tại 30 quận, huyện, thị xã. Xếp hạng cho 52 di tích. Các di tích: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò và các di tích cách mạng kháng chiến đã đón tiếp, phục vụ hơn 3,2 triệu lượt khách.
Công tác xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở được quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Toàn Thành phố có 87% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 70.5% tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực. Mùa lễ hội 2019, thành phố Hà Nội không còn những điểm nóng về công tác quản lý lễ hội.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên
lần thứ hai tại Hà Nội
Năm 2019, Sở VHTT đã tổ chức thành công các hoạt động chào mừng ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và Thủ đô, trong đó có 3 Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Trung ương giao thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì tổ chức; 02 Lễ kỷ niệm cấp Thành phố. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên tại Hà Nội. Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan có nhiều đổi mới, góp phần làm đẹp cảnh quan đường phố Thủ đô. Tổ chức phát động: Cuộc vận động thiết kế trang trí thành phố Hà Nội năm 2019; Cuộc thi sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị năm 2019; cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế “Tự hào Hà Nội” năm 2019.
Hà Nội tổ chức kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”
Phong trào văn hóa, văn nghệ tại các quận, huyện, thị xã ngày càng được quan tâm; trong năm 2019 đã tổ chức 07 Liên hoan nghệ thuật quần chúng, đạt 05 Huy chương tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc- Ninh Thuận 2019. Các Nhà hát thuộc Thành phố tổ chức gần 2.600 buổi biểu diễn nghệ thuật, 3.300 buổi chiếu phim tại các rạp do Sở quản lý và tại các huyện, thị xã vùng sâu, vùng xa. Hà Nội có 32 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú.
Chất lượng, quy mô của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tiếp tục được nâng cao, trong đó có nhiều sự kiện để lại dấu ấn cho nhân dân và du khách như: Lễ hội hoa Anh đào; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội; Lễ hội đường phố; Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019; Giải Marathon quốc tế di sản Hà Nội năm 2019…
Phong trào thể thao quần chúng có nhiều khởi sắc. Thành phố đã tổ chức 56 hoạt động, giải thi đấu thể thao quần chúng với hơn 10.000 lượt VĐV tham dự, trao 2.901 lượt huy chương. Các quận, huyện, thị xã tổ chức 772 giải thi đấu TDTT; các xã, phường, thị trấn tổ chức 2.811 giải thể thao quần chúng. Thành phố tiếp tục phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; tổ chức giải chạy báo Hà Nội mới mở rộng lần thứ 46 vì hòa bình. Phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo xây dựng, triển khai chương trình về giáo dục thể chất và thể thao học đường thành phố Hà Nội, giai đoạn 2019- 2021. Chỉ số về phong trào Thể dục Thể thao quần chúng đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch: 40% số người luyện tập thể thao thường xuyên, 29% số hộ gia đình thể thao;
Năm 2019, Hà Nội đăng cai tổ chức 14 giải thể thao chuyên nghiệp toàn quốc với sự tham dự của trên 3.000 vận động viên. Thể thao thành tích cao Hà Nội giữ vững vị trí là địa phương đứng đầu cả nước khi tham gia các giải thể thao trong nước và quốc tế, với 2.814 huy chương tại các giải thi đấu trong nước, 463 huy chương quốc tế. Nổi bật là thành tích: HCV tại Giải vô địch Thế giới Muay năm 2019 của VĐV Bùi Yến Ly; HCV thế giới Taekwondo của VĐV Phạm Quốc Việt; VĐV Lộc Thị Đào giành 3 HCV SEA Games 30 môn bắn cung; VĐV Đinh Phương Thành giành 2 HCV môn thể dục dụng cụ; CLB bóng đá hà Nội giành chức vô địch quốc gia lần thứ 5 liên tiếp, trong đó, cầu thủ Nguyễn Quang Hải được vinh danh là cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất trong năm của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á.
Hà Nội là địa phương đóng góp nhiều huy chương nhất về tổng số huy chương và số huy chương vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30
Thể thao Hà Nội đóng góp 186/856 thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30 và là địa phương đóng góp nhiều huy chương nhất về tổng số huy chương và số huy chương vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Bóng đá nữ Việt Nam bước lên bục vinh quang nhận tấm HCV lần thứ 6 Bóng đá nam nhận Huy chương vàng sau 60 năm chờ đợi. Đặc biệt, năm 2019, Sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị chuẩn bị đăng cai Giải đua xe Công thức 1 năm 2020; Thực hiện khảo sát, chuẩn bị cơ sở vật chất thể dục, thể thao phục vụ công tác tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021.
Năm 2020, năm cuối thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 – 2020; với tinh thần “Đoàn kết – Kỷ cương – Trách nhiệm – Hiệu quả”, ngành Văn hóa và Thể thao quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tiếp tục thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy và các nội dung kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Thanh Mai