Hội đền Măng Sơn 3 năm tổ chức đại đám một lần, hàng năm tổ chức hội lệ. Lễ hội lớn được tổ chức tưng bừng trong 7 ngày, từ ngày mùng 6-12 tháng Giêng, nhằm rước Tam Vị Đức Thánh Tản đi du ngoạn.
Lễ hội đền Măng Sơn, xứ Đoài xưa kia là hội chung của Nhân dân của 5 xã trong tổng Tường Phiêu, gồm Sơn Đông, Sơn Trung, Tường Phiêu, Trạch Lôi, Thuần Mỹ, nay thuộc thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đền Măng Sơn nay là di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia thuộc xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. Đây là ngôi đền cổ thờ Tam vị Đức Thánh Tản, còn gọi là Nam Cung.
Đền Măng Sơn được khởi dựng từ đầu thế kỷ 17 trên khu đất có vị trí đẹp của làng Sơn Đông. Kiến trúc của Đền Măng Sơn theo dạng cổng nghi môn, nhà Đại bái, hậu cung, tả mạc, hữu mạc; các cỗ Long ngai, Bài vị, kiệu bành đều điêu khắc hoa văn tinh xảo; các bức hoành phi, câu đối, bát hương, đôi Nghè tứ linh đều được tạo tác từ thế kỷ 17; bia đá 4 mặt được khắc tạo bằng chữ Hán từ năm 1746…
Hội đền Măng Sơn được tổ chức đại đám 3 năm một lần, hàng năm tổ chức hội lệ. Lễ hội lớn được tổ chức tưng bừng trong 7 ngày, từ ngày mùng 6-12 tháng Giêng, nhằm rước Tam Vị Đức Thánh Tản đi du ngoạn, thể hiện sự tôn kính của Nhân dân đối với các vị thần có công với dân, với đất nước. Ngày nay, vào ngày mùng 7 tháng giêng Nhân dân Sơn Tây lại tổ chức lễ hội đền Măng Sơn. Lễ hội truyền thống gắn với cụm di tích Quốc gia đền Măng Sơn, đình Sơn Trung và đình Sơn Đông.
Tam vị Đức Thánh Tản ở đền Măng Sơn
Chuyện kể rằng, trong những lần đi thăm thú các nơi, Đức Thánh Tản Viên đã đến vùng Sơn Đông. Trước cảnh sắc trù phú, đẹp đẽ, người dân hiền hậu, nên Ngài đã ở lại và cho lập một cung điện trên đồi Măng Sơn. Ở Sơn Đông, Đức Thánh Tản đã dạy cho dân cách săn bắt. Sau khi Đức Thánh Tản Viên rời Sơn Đông, dân làng tưởng nhớ công ơn nên đã lập đền thờ Ngài và 2 người em họ là Cao Sơn, Quý Minh. Hằng năm tổ chức lễ hội đền Măng Sơn tưởng nhớ các Ngài.
Vào ngày lễ hội, dân làng 5 xã cử đại diện mang lễ vật đến. Đó chính là hộp quả chồng 8 tầng, do 4 người khiêng vào tế lễ và mâm ngũ quả dâng lên thần bày các thứ quả có sẵn trong vùng. Tuy vậy, quy định mâm hoa quả nhất thiết phải có mít xanh – loại mít đặc trưng của Sơn Đông, gọi là mít chiêm. Ngoài ra, phải có một mâm cỗ, với lễ vật quan trọng nhất để dâng lên Đức Thánh Tản là thịt thú rừng. Ngày nay, người ta dùng ba miếng thịt lợn sống thay thế thịt thú rừng. Vào ngày hội, chủ tế thay mặt cả tổng Tường Phiêu diễn lại nghi thức dân làng hưởng lộc do Đức Thánh Tản săn bắt được và ban cho dân: Chủ tế nâng chén làm động tác giả uống, rồi lật đi lật lại miếng thịt thú rừng (nay là 3 miếng thịt lợn) để hưởng lộc của ngài. Chủ tế được Tổng chọn ra nhất thiết phải là cụ già, gia đình vẹn toàn,người làng Sơn Đông. Bên cạnh chủ tế là ba bồi tế, một đọc văn, năm người dẫn rượu, người dẫn đèn.
Lễ hội đền Măng Sơn xưa, ngoài phần tế lễ của dân làng trong tổng Tường Phiêu còn có phần rước kiệu rất long trọng, ấn tượng. Khi ấy, mỗi làng cắt cử các trai đinh đảm trách việc khiêng kiệu. Ba cỗ kiệu được đặt long ngai bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản được rước lên đền Măng Sơn. Mỗi cỗ kiệu gồm 8 người khiêng. Đi ngoài có một người cầm lọng, một người cầm cờ múa dẫn đường, một người đánh trống khẩu dẹp đám. Riêng kiệu Đức Thánh Tản Viên còn có thêm hai quạt vả lớn che hai bên. Tam vị Đức Thánh Tản ngồi trên kiệu, trên đầu đội mũ Kim Ngạc, quần áo vóc trắng, choàng áo vóc đỏ, ngoài khoác áo hoàng bào màu hoàng yến, thắt đai lưng cổn long, đi hia hổ túc.
Lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản vào đền
Ảnh: Phạm Hảo
Sau phần tế lễ, rước kiệu là phần hội với nhiều trò vui như: Đấu vật, bắn nỏ, đánh đu cây, hát giao duyên, cuối cùng tất cả sẽ rước kiệu về vào lúc nửa đêm. Buổi tối là lễ rước đuốc. Cây đuốc lớn được trồng lên, sáng trưng một vùng, xung quanh có rất nhiều những ngọn đuốc nhỏ của người đi dự hội, khiến cả vùng rực sáng, tưng bừng trong tiếng hò reo. Việc rước đuốc nhằm diễn lại sự tích Đức Thánh Tản đi săn, diệt được thú, nghỉ đêm ở bãi Thày, dân các xã mang rượu tới ca hát, vui chơi, mừng thắng lợi…
Hội đền Măng Sơn xưa lớn đến mức, Nhân dân quanh vùng đã có câu ca:
Dù ăn cơm độn sắn khoai
Cũng không bỏ hội Xứ Đoài Đền Măng
Lễ hội truyền thống cụm di tích Quốc gia đền Măng Sơn, đình Sơn Trung và đình Sơn Đông ngày nay ngoài việc thể hiện long tôn kính với các bậc tiền nhân cũng là dịp để Nhân dân thể hiện niềm mong ước mong cho mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đền Măng Sơn
Ngoài dịp lễ hội, vào những tuần, ngày sinh, ngày hóa của thành hoàng, tại đền Măng Sơn, Ban quản lý di tích đền cũng mở cửa và chuẩn bị lễ vật chu đáo để đón Nhân dân và khách hành hương vào lễ tế.
Lễ hội truyền thống cụm di tích Quốc gia đền Măng Sơn Xuân Quý Mão năm 2023 đã được tổ chức trang trọng, an toàn, vui tươi, với sự tham gia của đông đảo Nhân dân xứ Đoài và khách thập phương.
Quỳnh Quy