Chưa được phân loại

Nghề làm cờ Tổ quốc

Đối với mỗi người dân đất Việt, đã từ lâu, lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành hình ảnh rất đỗi thân thuộc. Ở làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín), một trong những địa phương cung cấp cờ Tổ quốc cho thị trường, được làm nghề, được gửi tình yêu, sự cẩn thận, tỉ mỉ vào từng khâu làm nên lá cờ, chính là niềm tự hào, là ý thức trách nhiệm…của người dân nơi đây.

 

Người làm nghề trau chuốt từng đường kim mũi chỉ. (Ảnh: Dương Phúc)

Nghề làm cờ Tổ quốc ở Từ Vân có từ năm 1945. Cờ có nhiều kích cỡ, phổ biến nhất là 80cm x 120cm . Có loại nhỏ để  sử dụng cầm trên tay nhưng cũng có loại cỡ đại (gọi là đại kỳ) được đặt may để sử dụng khi duyệt binh trong quân đội, cổ vũ bóng đá, treo ở cột cờ …Để có được một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao…Vải được chọn làm cờ đáp ứng yêu cầu màu phải bền, không bị nếp gấp, để khi treo lá cờ được phẳng. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ. May cờ khó nhất là khâu đính sao vàng ở chính giữa. Người thợ phải căn chỉnh để ngôi sao được ngay ngắn, cân đối. Bên cạnh đó, còn có loại cờ in sao vàng bằng máy hoặc thêu rất tỉ mỉ, công phu.

Trước đây, người Từ Vân làm cờ hoàn toàn thủ công, từ cắt, may đến in ngôi sao vàng. Nay, người làm nghề đã áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất: May, thêu bằng máy, cắt bằng máy laze.  Sản phẩm được làm ra nhanh hơn, đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Người làm nghề ở Từ Vân bận rộn nhất vào dịp chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Quốc khánh, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh;  các sự kiện thể thao, đặc biệt là các giải bóng đá. Mỗi lần đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu ở đấu trường quốc tế, làng nghề lại nhộn nhịp hẳn, các cơ sở phải tuyển thêm nhân công, tăng ca để đáp ứng các đơn hàng tăng đột biến.

Thời hoàng kim, nghề làm cờ Tổ quốc thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân trong làng, mang lại nguồn thu khá ổn định, lại cao hơn làm nông nghiệp. Nhiều người làng Từ Vân đã lên Hà Nội và mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu. Trong những lá cờ tung bay ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, rất nhiều lá được làm ở Từ Vân. Năm 1945,  những nghệ nhân giỏi nhất ở Từ Vân đã được Ủy ban kháng chiến mời về Hà Nội để làm cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa. Họ được tuyển vào Hợp tác xã Cờ đỏ trên phố Hàng Bông và tự tay làm mọi công đoạn, từ mua vải may cờ (vải sa) ở La Khê (quận Hà Đông), đến mua tua ở Triều Khúc (huyện Thanh Trì).  Những năm đắt hàng, làng nhộn nhịp khung cảnh sản xuất, bán, mua.  Nay do nhiều yếu tố, số hộ làm nghề trong làng đã giảm. Một số hộ chuyển sang làm theo mùa vụ hoặc những lúc nông nhàn. Nhưng vẫn có những hộ sản xuất với quy mô lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động, mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng để mua máy cắt lazer, máy in màu như gia đình bà Vương Thị Nhung, gia đình ông Nguyễn Văn Phục…Sắp đến dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, không khí ở làng Từ Vân nhộn nhịp hơn hẳn. Những chuyến xe tấp nập chở nguyên liệu đến rồi chở cờ đi. Những lá cờ Tổ quốc lại tung bay trong gió đầy kiêu hãnh, tự hào.

Cờ Tổ quốc là biểu tượng về phẩm giá sáng ngời của dân tộc Việt Nam được các thế hệ người Việt ở trong và ngoài nước trân trọng, gìn giữ. Sự thiêng liêng và giá trị to lớn của lá cờ không thể nói hết được bằng lời. Với những người làm nghề ở Từ Vân, may cờ không chỉ là công việc kiếm sống mà còn là tình yêu dành cho nghề, cho lá quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc.

                                                                                 Minh Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *