Di sản – Bảo tồn

Nghê – linh vật đã tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa người Việt

Nghê là linh vật đã tồn tại từ lâu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Nghê được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, chạm trên kiến trúc, đắp chầu trước cổng…, xuất hiện trong cung điện, lăng tẩm của các bậc vua chúa và trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu…

Thời gian qua, linh vật này dường như rơi vào lãng quên và bị thay thế bởi những linh vật không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Những linh vật ngoại lai này xuất hiện ở nhiều nơi, từ di tích đến nơi công sở, từ tư gia đến nơi công cộng, khiến không ít người nhầm lẫn cho rằng đó là linh vật của người Việt.

Trước thực trạng đó, song song với việc đôn đốc thực hiện Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 113/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, ngày 08 tháng 8 năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, và ngày 03 tháng 4 năm 2018 ban hành Công văn số 1313/BVHTTDL-MTNATL về việc tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Một số ứng dụng hình tượng Nghê trong văn hóa đương đại

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dưới nhiều hình thức đa dạng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của dân tộc. Triển lãm “Tư liệu Linh vật Nghê Việt” được khai mạc vào chiều 15/11 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những hoạt động như vậy.

Triển lãm do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Không gian Văn hóa Hoa Lư tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá về Nghê – linh vật rất quen thuộc, gần gũi với người Việt Nam, giúp phân biệt rõ hình tượng linh vật Nghê của Việt Nam với các linh vật của nước ngoài. Đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật truyền thống; lành mạnh môi trường thẩm mỹ của cộng đồng, giữ gìn truyền thống văn hóa và tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Một số hình ảnh tại Triển lãm

Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh, tư liệu linh vật Nghê theo các nội dung: Nguồn gốc, đặc điểm tạo hình, phân loại linh vật nghê Việt, so sánh linh vật nghê Việt với linh vật một số quốc gia; Nghê chốn chùa chiền; Nghê chốn cung vua, phủ chúa; Nghê chốn lăng tẩm, đền miếu; Nghê tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Nghê chốn đình làng và các hiện vật bảo tàng; và một số phiên bản tượng linh vật nghê thế kỷ XVII tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Vua Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình).

Trước đó, Triển lãm “Tư liệu Linh vật Nghê Việt” đã được tổ chức tại nhiều nơi như Đà Nẵng, Ninh Bình, theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khác với những triển lãm lần trước, triển lãm lần này có thêm một số hình ảnh, tư liệu về linh vật Nghê xuất hiện tại nhiều vị trí trong không gian của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám như tứ trụ, cổng Đại Thành, chân đèn thờ, bia Tiến sĩ… và trên trang phục của tượng Khổng Tử.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc Triển lãm
Tứ trụ Văn Miếu được xây vào thời Nguyễn với 4 trụ biểu trên đỉnh có trang trí Nghê và chim phượng.

Cũng theo ông Kiêu, đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Triển lãm là kết quả của sự phối hợp giữa nhiều tổ chức, cá nhân – những người luôn nặng lòng với những giá trị di sản của dân tộc. Ban Tổ chức mong muốn, sự kiện này cùng với nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh ngày Di sản văn hóa Việt Nam, những giá trị tốt đẹp của cha ông luôn được gìn giữ, tiếp nối, là mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu, sự trân quý với văn hóa dân tộc.

Triển lãm mở cửa từ ngày 15/11/2018 đến hết ngày 15/02/2019.

Bài và ảnh: Thanh Hằng – Tiến Đạt

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *