Các học sinh xem trình diễn rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tại phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN) Chiều 21/9, các hoạt động văn hóa truyền thống dịp Tết Trung Thu, do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức, đã đồng loạt diễn ra tại các điểm di […]
Tại đây, Ban Quản lý phố cổ và các nghệ nhân, thợ thủ công giới thiệu đến du khách không gian Tết Trung thu truyền thống năm 2018, đồng thời giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống.
Khẳng định tổ chức các hoạt động văn hóa dịp Tết Trung thu nhằm đem đến cho thiếu nhi một sân chơi ý nghĩa, bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết đó cũng là nỗ lực của Ban Quản lý và các nghệ nhân giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, giúp thiếu nhi cũng như người dân và du khách hiểu thêm nét đẹp văn hóa truyền thống.
[Video] Tái hiện không gian tết Trung Thu xưa giữa lòng Hà Nội
Tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian: Đèn ông sao, ông tiến sỹ, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy bằng sắt tây, nghệ thuật con giống bột (tò he) cùng nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức.
Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm là không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội và triển lãm ảnh trung thu Hà Nội xưa.
Tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, 3 dòng tranh dân gian và trình diễn, hướng dẫn cách làm tranh Kim Hoàng, Đông Hồ… được giới thiệu tới du khách.
Tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào, các nghệ nhân giới thiệu, trình diễn nghệ thuật làm mặt nạ giấy bồi.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, ở thôn Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cho biết ông phấn khởi khi được trình diễn và hướng dẫn cách làm đèn kéo quân cho các cháu thiếu nhi và du khách tại đây, nhất là khi đồ chơi truyền thống đang có xu hướng quay trở lại trong những năm gần đây, được nhiều người tìm mua. Thời gian làm một đèn kéo quân khá lâu, phải mất một ngày mới hoàn thành một chiếc, vì thế ông đã chuẩn bị sẵn mọi nguyên vật liệu, hướng dẫn cách dựng đèn và dán trang trí.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, ở thôn Bá Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội, mang những cánh diều truyền thống của làng đến phố cổ. Không chỉ giới thiệu sự khéo léo trong cách làm ra những con diều, ông còn nhiệt tình hướng dẫn mọi người tìm hiểu và cùng trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống gắn với tuổi thơ của rất nhiều người Việt Nam.
Ngoài các điểm di tích, tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội và không gian Bích họa phố Phùng Hưng cũng diễn ra nhiều hoạt động vui Tết Trung thu. Đó là không gian vui chơi dành cho thiếu nhi với các trò chơi dân gian: Ô ăn quan, cà kheo, chơi chuyền, kéo co, nhảy sạp, cướp cờ, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột…; giới thiệu nghệ thuật biểu diễn rối cạn Tế Tiêu, âm nhạc thiếu thi.
Tại các gian hàng, nghệ nhân các làng nghề giới thiệu, hướng dẫn các cháu thiếu nhi cách làm đồ chơi truyền thống.
Các hoạt động diễn ra đến hết ngày 23/9./.