Gắn bó với rối nước ngay từ khi còn thơ bé, nghệ nhân Đinh Thanh Tiên, phường rối nước Đào Thục, đã dành trọn niềm đam mê và tình yêu với những con rối nước.
Đến Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ , Tết, du khách thường được nghe tiếng trống, nhịp phách rộn ràng từ thủy đình đình làng vang lên. Từ tháng 3/2020, do dịch bệnh Covid – 19 tiếng trống, tiếng phách tuy có thưa thớt hơn, do yêu cầu không tập trung đông người và không đón khách du lịch nước ngoài, nhưng những nghệ nhân Đào Thục vẫn tự luyện tập, biểu diễn rối.
Sinh ra ở nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước dân gian Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, ngay từ thuở nhỏ, múa rối nước đã sớm ăn sâu vào tiềm thức, khơi gợi niềm đam mê trong lòng nghệ nhân Tiên. Anh Tiên chia sẻ: Từ bé, tôi đã được đi xem bậc cha chú biểu diễn múa rối nước. Thời đó, cùng với hát tuồng, múa rối nước được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Đông Anh. “Sáng rối, tối tuồng” đã đi vào tâm thức của nhiều người.
Như bao đứa trẻ cùng trang lứa, thuở nhỏ anh Tiên say mê vẽ rối với các bạn và xem các nghệ nhân của làng làm rối. Những con rối nhỏ xinh mà sinh động vô cùng. Từ rối, qua bàn tay những người Đào Thục là cả một thế giới mở ra: Cảnh các cô tiên xiêm y lộng lẫy ca múa, những con trâu miệt mài theo người nông dân ra đồng cày ruộng. Con trâu thong dong bước, vừa gặm cỏ non vừa lắng nghe tiếng sáo của cậu bé mục đồng trên lưng. Rồi cảnh rồng bay, ếch nhảy, cá bơi, gà gáy, hổ vồ…thật sinh động, hấp dẫn. Nhiều hôm cậu bé Tiên say mê với những con rối đến quên cả lối về.
Nghệ nhân Đinh Thanh Tiên đang truyền dạy nghề múa rối nước cho các em nhỏ.
Nghệ nhân Đinh Thanh Tiên với các em nhỏ trong chương trình “Kể về làng tớ – Làng rối nước Đào Thục”.
Lớn hơn một chút, anh Tiên chọn múa rối nước là niềm đam mê và hướng đi của mình. Đến nay, đã hơn 40 tuổi nhưng anh Tiên có tới 15 năm tham gia biểu diễn trong phường rối nước Đào Thục. Anh đã trực tiếp biểu diễn hàng nghìn buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, của huyện và thành phố, biểu diễn và chỉ đạo biểu diễn hàng trăm buổi tại thủy đình Đào Thục phục vụ các du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó anh cùng phường rối Đào Thục đã tham gia các Hội diễn nghệ thuật dân gian do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, đoạt nhiều giải cao. Gắn bó hàng chục năm với múa rối nước nên anh Tiên có thể biểu diễn được nhiều trò, trong đó có nhiều trò mang đặc trưng riêng của phường múa rối nước dân gian Đào Thục.
Theo nghề rối, đam mê với rối, anh Tiên luôn tâm niệm phải gắn bó, giữ gìn để bảo lưu môn nghệ thuật truyền thống của quê hương mà bao thế hệ người Đào Thục đã dày công gây dựng. Dù anh biết rằng nghệ nhân rối phải trải qua nhiều vất vả, thăng trầm bởi muốn có một chương trình biểu diễn hấp dẫn, lôi cuốn người xem, người nghệ nhân phải lội bùn, ngâm mình dưới nước nhiều giờ để giật dây điều khiển quân rối.
Trăn trở không để rối nước mai một, với kinh nghiệm của mình, anh Tiên sẵn sàng chia sẻ, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Anh được đánh giá là người nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, anh đã truyền dạy nghề cho hàng chục người. Hiện hầu hết các học trò của anh đang hoạt động ở phường rối nước Đào Thục.
Năm 2020, nghệ nhân Đinh Thanh Tiên đã được Sở VHTT Hà Nội đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, do có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, bảo lưu nghệ thuật múa rối nước.
Quỳnh Anh