Xôi chè Phú Thượng mộc mạc, dẻo thơm là một trong chín đặc sản Hà Nội được lựa chọn giới thiệu tới quan khách, phóng viên quốc tế tham gia tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai. Hương vị truyền thống của mảnh đất Phú Thượng đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng thực khách trong và ngoài nước qua đôi bàn tay khéo léo, đầy tâm huyết của nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến.
Lớn lên cùng gánh xôi của bà, của mẹ…
Nghề thổi xôi ở làng Phú Thượng, Tây Hồ có từ bao giờ không ai biết rõ. Những bậc cao niên kể lại rằng món xôi xưa được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng trồng trên những cánh đồng làng để cúng tế trong mỗi dịp lễ tết. Sau dần, người làng mới thổi xôi đem bán. Trải qua nhiều thăng trầm, người dân nơi đây vẫn giữ gìn và phát triển nghề. Năm 2016, làng Phú Thượng được thành phố công nhận “Làng nghề truyền thống”.
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến có tới ba đời “giữ lửa” bếp hồng làng xôi Phú Thượng. Từ tấm bé, nữ nghệ nhân đã theo gánh xôi của bà ngoại, rồi của mẹ đi khắp ngõ ngách Hà Nội. Mới chừng năm, sáu tuổi, bà đã bắt đầu làm quen với việc rửa, xếp lá. Lớn hơn một chút thì học cách đãi, vo gạo… Khi trở thành thiếu nữ, bà Tuyến đã thành thạo mọi công đoạn, nắm được phương pháp cũng như bí quyết có những chõ xôi ngon. Mười tám, đôi mươi, bạn bè của bà có người rời làng đi phương xa lập nghiệp, người lại chọn yên bề gia thất, còn bà với tình yêu và niềm đam mê, quyết tâm theo và giữ nghề gia truyền mà bà và mẹ truyền lại.
Gói tâm tình trong thức quà bình dị
Bốn mươi mốt năm qua, gánh xôi của bà Tuyến ở số 37 phố Bát Đàn đã trở nên quen thuộc với người dân khu phố cổ cũng như nhiều người Hà Nội sành ăn. Bà Tuyến tếu táo rằng mình quen gần hết những cư dân khu phố cổ. Có khi khách chỉ vừa đến, chưa cần nói là bà đã biết để gói món xôi mà họ vẫn thường mua. Có những cô, cậu học sinh năm nào thường hay mua vội gói xôi mỗi khi đi học, giờ đây lại dắt theo những đứa trẻ ghé gánh xôi bà để con mang theo quà sáng trước khi tới trường.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tâm niệm, hạt gạo là hạt ngọc trời cho, xôi được làm nên từ tinh túy của đất trời, thế nên người nấu phải thật nâng niu, trân quý, đem tâm tình trao gửi vào món ngon ấy. Bà luôn đặt chất lượng các nguyên, phụ liệu để nấu xôi làm ưu tiên hàng đầu. Gạo thổi xôi nhất thiết phải là nếp cái hoa vàng, tròn và mẩy. Lạc thì chọn loại hạt nhỏ, đều; hạt đỗ xát vỏ sao cho vẫn còn phấn; ngô chỉ chọn loại hạt bóng, tròn. Các phụ liệu khác như vừng, ruốc, hành phi… cũng phải thật kỹ càng. Bà Tuyến thường thức dậy từ 2 giờ sáng, sửa xoạn đồ xôi. Để xôi ngon đúng điệu, sao cho gạo chín đều, dẻo, thơm là cả một quá trình nhiều công đoạn, đòi hỏi người nấu phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Với kinh nghiệm lâu năm, bà Tuyến chẳng cần phải đặt đồng hồ hay đo nhiệt độ mà chỉ cần nhìn hạt xôi, ngửi mùi hương tỏa ra là biết xôi đã chín tới hay chưa. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cũng rất coi trọng việc chọn lá gói xôi. Lá phải rửa thật kỹ, đủ độ sạch để đảm bảo chất lượng cũng như bảo quản xôi được lâu. Mùa hè, bà gói xôi bằng lá sen, các mùa khác thì mới gói lá dong, lá chuối.
Mang xôi làng đến với thực khách quốc tế
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến phục vụ món xôi chè Phú Thượng tại Trung tâm Báo chí Quốc tế trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ II tại Hà Nội.
Xôi Phú Thượng nức tiếng Hà thành cũng như cả nước từ lâu nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến không nghĩ rằng đến một ngày bà có cơ hội đưa sản phẩm truyền thống của làng đến với bạn bè quốc tế. Bà vẫn nhớ như in khoảnh khắc biết tin mình được chọn phục vụ quan khách, phóng viên quốc tế đến Hà Nội tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Đó là sáng ngày 24/2, chỉ hai ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh. Khi ấy khoảng chừng 8 giờ sáng, đang bán hàng thì bà nhận được điện thoại báo tin. Nghe xong, bà mừng đến luýnh quýnh tay chân, tức tốc thu dọn luôn gánh xôi mới chỉ bán vơi chừng non nửa để kịp về gặp Ban tổ chức.
Với cương vị Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến hiểu rằng phục vụ sự kiện lớn như Hội nghị thượng đỉnh là một vinh dự, đồng thời cũng là cơ hội hiếm có để giới thiệu đến bạn bè quốc tế món ngon nổi tiếng của quê hương. Bởi vậy, bà cùng các thành viên trong Hội đã chuẩn bị rất chu đáo, kĩ lưỡng, cẩn thận từ nguyên liệu đến các khâu chế biến dù thời gian gấp gáp. Xôi vò chè đường, xôi gấc, xôi ngũ sắc được làm từ những loại lá dân dã…, những món ăn mộc mạc của Hà Nội đã chinh phục rất nhiều phóng viên nước ngoài. Thoạt đầu, nhiều phóng viên đến gian hàng vì thấy màu sắc vô cùng bắt mắt nhưng sau khi nếm thử thì họ ấn tượng ngay bởi sự hòa quyện giữa vị dẻo thơm của gạo nếp và vị ngọt thanh, mát của chè đường. Các phóng viên đến từ Mỹ, Đức, Hàn Quốc… dù bất đồng ngôn ngữ nhưng đều ra dấu với nghệ nhân, tỏ vẻ thích thú, khen ngợi món ăn ngon. Có người còn nhờ phiên dịch viên hỏi bà về món ăn làm từ nguyên liệu gì, cách làm ra sao và còn xin địa chỉ, hứa rằng có dịp quay lại Hà Nội nhất định sẽ thưởng thức lần nữa.
Dành nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng nghề cũng như trong việc giới thiệu, quảng bá nét văn hóa ẩm thực Hà Nội nói chung và xôi Phú Thượng nói riêng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giấy khen của Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Giấy khen của Chủ tịch UBND phường Phú Thượng…
Hơn bốn mươi năm qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã bền bỉ giữ lửa nghề truyền thống, góp phần gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa ẩm thực xôi Phú Thượng nói riêng cũng như Hà Nội nói chung.
Minh Trang
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm