Nghề nặn Tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên là một nghề độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề này đang bị mai một do thị trường ngày càng xuất hiện nhiều đồ chơi hiện đại, rẻ mà tiện dụng. Không ít người Xuân La dù yêu nghề nhưng đã nản lòng, bỏ đi khắp nơi làm nghề khác kiếm sống.
Khác với mọi người, anh Nguyễn Văn Thành lại đau đáu một niềm trăn trở: Làm sao cho những con giống Tò he có sức sống lâu bền hơn và được nhiều người đón nhận hơn, nhất là với những cháu nhỏ. Nghĩ là làm, sau nhiều tìm tòi, thử nghiệm, anh Thành đã nâng cao được chất lượng sản phẩm, làm tăng hiệu quả kinh tế của Tò he, hỗ trợ hàng trăm bạn trẻ khác ở địa phương cùng phát triển nghề. Đó là sáng tạo ra kỹ thuật hấp cách thủy tò he, làm cho những con tò he bền màu hơn, để được nhiều ngày hơn, từ 1 năm đến vài ba năm, chứ không chỉ mấy ngày là hỏng như trước đây. Anh còn biến sản phẩm Tò he từ vai trò là đồ chơi của trẻ nhỏ thành sản phẩm mỹ nghệ, quà lưu niệm có giá trị, được đưa vào các gallery, các cửa hàng mỹ nghệ, được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng.
Anh Nguyễn Văn Thành sinh tháng 1/1978. Hiện anh là chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống Tò he Xuân La. Từ thuở lọt lòng, anh đã được nhìn, được chơi với những sản phẩm Tò he truyền thống của quê hương. Lớn lên một chút, anh được cha, anh, người làng truyền cho những kỹ thuật nhào bột, nặn con giống. Chỉ một chút bột gạo thôi, vậy là cả thế giới nhiều màu, nhiều vẻ đã hiện ra trước mắt: Này là bông hoa, kia là con khỉ, con chim, con rồng, con trâu, con ngựa, lúc khác lại là máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, ô tô, xe đạp…Thành miệt mài, miệt mài nhào bột rồi nặn, hết con Tò he này đến con Tò he khác, theo trí tưởng tượng của mình. Trong đầu cậu bé Thành lúc đó chỉ mong sao cho mình nhanh lớn, để học xong phổ thông là theo cha, anh và những người đàn ông trong làng đi chu du khắp nơi trong cả nước, đến những điểm vui chơi công cộng nặn những con Tò he theo ý khách mua. Những ngày hè vào trung tâm thành phố Hà Nội nặn bán Tò he cho khách với anh ngắn ngủi quá, không thỏa hết niềm đam mê với nghề. Anh mơ ước có một ngày các sản phẩm Tò he được chu du khắp năm châu, vào những cửa hàng sang trọng, những gallery to lớn giới thiệu cho bạn bè thế giới biết về một sản phẩm rất lâu đời tuy đơn giản mà phong phú, sạch sẽ và dân dã, chứ không dừng lại ở những hội chợ thương mại quốc tế giới thiệu sản phẩm, như các nghệ nhân trước của làng vẫn đi.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành bên những sản phẩm Tò he
Tiếp xúc với anh Thành, điều dễ nhận thấy anh là người hoạt bát, có đức tính kiên trì, ham học hỏi. Có lẽ vì vậy mà anh không bao giờ cảm thấy khó chịu vì những đòi hỏi khắt khe của khách hàng. Anh chia sẻ: Sản phẩm Tò he tuy là sản phẩm dân gian nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, từ khâu bột, nặn hình đến hấp sản phẩm. Muốn có những sản phẩm đẹp, có hồn đòi hỏi người thợ phải giỏi tay nghề, đam mê và có trí tượng tượng tốt.
Với mong muốn giữ nghề và phát huy truyền thống làng nghề, nhiều năm qua anh Thành đã dày công đào tạo những thế hệ thợ nghề của làng. Anh còn thành lập Câu lạc bộ (CLB) làng nghề Tò he Xuân La. Đến nay, CLB đã thu hút được gần 120 hội viên và đã nhiều lần tổ chức Hội thi tay nghề nặn Tò he và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Sở Công thương Hà Nội, lãnh đạo huyện Phú Xuyên. Năm 2010, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, CLB đã mang đến ba sản phẩm Tò he kỉ lục bao gồm một con rồng thời Lý nặng 300kg, một con rùa nặng 250 kg và một mâm ngũ quả nặng 25kg do chính tay những nghệ nhân trong làng làm để quảng bá thương hiệu làng nghề truyền thống với người dân Thủ đô và du khách gần xa. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tặng cúp kỷ lục cho các sản phẩm này.
CLB còn phối hợp với trường ĐH Khoa học, Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia – Hà Nội) triển khai Dự án Tò he Việt để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo các bạn sinh viên của trường Đại học Quốc gia. Nhiều trường học mời các nghệ nhân CLB dạy ngoại khóa cho học sinh các cấp. Ngoài ra, trong các buổi hội thảo tổ chức ở các nước ASEAN, anh Thành và CLB còn được tạo cơ hội đưa sản phẩm tò he đến giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Đức, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành đang truyền dạy nghề cho các sinh viên khoa Mầm non, trường Đại học Sư phạm.
Những sản phẩm Tò he của CLB.
Nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội. Anh đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú”và đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khen thưởng vì có thành tích trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thanh Quy
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm