Di sản – Bảo tồn

Nghệ nhân Phan Lạc Hùng với mô hình đình làng siêu nhỏ

Bằng tình yêu quê hương và kinh nghiệm 50 năm gắn bó với nghề làm mộc truyền thống, nghệ nhân Phan Lạc Hùng ở xóm chùa, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất đã chế tác ra mô hình đình làng Hữu Bằng bằng gỗ gụ siêu nhỏ, độc đáo nhờ đôi tay tài hoa, khéo léo…

Ngôi đình Hữu Bằng ngoài thực tế. Ảnh Lê Nhân

Đình Hữu Bằng xưa kia có tên Nôm là đình Kẻ Nủa, được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa năm 1989. Đình xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hòa, thờ tam vị Nam Hải Đại Vương làm Thành hoàng làng. Trong đình còn lưu giữ 27 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến. Tam vị Thành hoàng được phong Thượng đẳng thần. Ngôi đình tồn tại hơn 300 năm, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa – xã hội của 9 thôn trong xã. Đối với những người con Hữu Bằng như ông Hùng, ngôi đình chính là hồn cốt quê hương khắc sâu trong tâm khảm. Ở cái tuổi “thất thập”, khi có nhiều thời gian rảnh, nhà lại gần ngôi đình nên ông Hùng đã lên ý tưởng làm mô hình đình làng thu nhỏ.

Theo ông Hùng, để làm ra ngôi đình làng giống với thực tế, ông đã dày công tìm tòi, nghiên cứu kỹ kiến trúc của ngôi đình làng mình. Vào mỗi buổi sáng, sau khi ra sân đình tập thể dục, ông đều dành thời gian ngắm nghía tổng quan ngôi đình, chụp ảnh lại các chi tiết nhỏ, sau đó về nghiền ngẫm, tính toán cách làm. Việc thu nhỏ ngôi đình bằng mô hình là điều vô cùng khó. Công trình thu nhỏ này có quá nhiều chi tiết nên mỗi bước, mỗi công đoạn ông buộc phải làm cẩn thận, chậm mà chắc bởi chỉ cần sai lệch một chút sẽ hỏng ngay. Việc đầu tiên ông làm là lên bản vẽ, kẻ diện tích khuôn viên ngôi đình. Lấy đình chính làm chuẩn, chia theo đúng tỉ lệ bản gốc. Ông ưu tiên làm các phần chính trước rồi mới bắt đầu chế tác phần tiểu tiết. Gỗ gụ là nguyên liệu mà người nghệ nhân lựa chọn chế tác mô hình đình làng. Ông đã dành ra 6 đến 8 tiếng mỗi ngày để thực hiện các công đoạn gia công phức tạp mà máy móc hiện đại không thực hiện được. Ông đã rất tỉ mỉ làm từ những chi tiết nhỏ nhất như tấm ngói bằng gỗ ép được cắt y hệt tấm ngói lợp ở đình; cái mộng nhỏ trên cột, nền gạch, khung cửa hình chữ thọ được chế tác công phu. Không chỉ dừng lại ở gỗ, một số chi tiết nhỏ khác như mặt trống đều được làm bằng da, một số thì được sơn son thiếp vàng cho giống với thực tế; biểu tượng ”lưỡng long chầu nguyệt” bằng nhôm được phục dựng khéo léo. Mái đình thực lợp khoảng 100.000 viên ngói nhỏ, nhưng bản mô hình chỉ khoảng 75.000 viên. Mỗi ngày ông Hùng chỉ dập được 1.500 viên nên mất gần 2 tháng mới xong. Vị trí và hình dáng của từng viên ngói, viên gạch đều được sắp xếp giống thực tế. Để tăng thêm phần sống động cho ngôi đình, nghệ nhân Hùng dành rất nhiều thời gian đi tìm kiếm hai cây tùng, hai cây bàng, hai cây đại và hai cây ngọc lan phù hợp với kích thước nhỏ của ngôi đình, khiến mô hình đình làng trở nên có hồn. Chi tiết ông Hùng tâm đắc nhất là cánh cửa làng có thể đóng mở không khác gì ngoài đình thật.

Nghệ nhân Hùng miệt mài chế tác mô hình đình Hữu Bằng.

Mô hình đình Hữu Bằng siêu nhỏ đã hoàn thiện. Ảnh Internet

Nghệ nhân Hùng chia sẻ, khi thực hiện mô hình này, ông gặp rất nhiều khó khăn, do mô hình đình làng siêu nhỏ nên với những chi tiết cỡ lớn, ông phải sử dụng kính mắt lão nặng 2,5 độ; khi đi vào tiểu tiết, việc ghép nối bằng keo những thiết kế nhỏ như que tăm, ông buộc phải dùng kính mắt 4 độ để nhìn rõ hơn. Thời tiết miền Bắc trở lạnh cũng là một sự cản trở, khi nhiệt độ xuống rất thấp, bàn tay tê cứng khiến việc chế tác vất vả hơn; với trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, ông cũng không dám bật quạt vì sợ các chi tiết nhỏ bị bay, lại bỏ công làm từ đầu. Mỗi khi thực hiện xong một chi tiết nhỏ hay cả ngôi đình, những lúc ngồi nhìn ngắm, ông đều cảm thấy vui và hạnh phúc. Nếu sức lực còn cho phép, ông sẽ thực hiện thêm nhiều mô hình đình, chùa nữa của đất nước.

Sau 5 năm nghiên cứu, tìm nguyên vật liệu và thực hiện chế tác, bằng sự say mê và đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Phan Lạc Hùng đã tái hiện một cách chân thực, sống động đình làng Hữu Bằng siêu nhỏ, có tỉ lệ 1/1.000, trọng lượng khoảng 60kg. Tác phẩm hoàn thiện đạt đến độ tinh xảo, giống gần như tuyệt đối với ngôi đình làng thực tế. Tuy là ý tưởng cá nhân nhưng việc làm của nghệ nhân Hùng có ý nghĩa thiết thực trong việc lưu giữ, bảo tồn các công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử, văn hoá lâu đời ở địa phương.

Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *