Văn hóa

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền: Lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian cho trẻ em

Từ bao đời nay, thả diều trở thành trò chơi truyền thống được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, hình ảnh cánh diều no gió cong vút như in, như khắc trên nền trời xanh, cùng tiếng sáo vi vu, du dương buổi chiều hè là những kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức tuổi thơ mỗi người. Ở Cao Viên (Thanh Oai), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền nay bước sang tuổi “xưa nay hiếm” vẫn đam mê diều sáo, lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian cho trẻ em.

Ông Quyền truyền cảm hứng làm diều sáo cho các em nhỏ.

Tuổi thơ gắn với những cánh diều

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền sinh năm 1939 ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên. Vừa say sưa làm diều, ông vừa kể cho khách nghe về ký ức tuổi thơ của mình gắn với những cánh diều. Hồi còn bé, ông và các bạn “trẻ trâu” trong thôn thường theo các cụ lên đình làm diều, ngồi xem thấy thích rồi bắt chước làm. Khi các cụ thả diều, ông và các bạn cũng tập thả theo. Từ yêu thích trở thành đam mê lúc nào không hay. Thế rồi, ông cùng bạn tập uốn kết thành những con diều khích thước 20-30cm, có những lúc hứng chí làm đến 50-60cm. Ông bảo, diều ngày đó chủ yếu dán bằng giấy bản, khung diều làm bằng tre. Tre thì có sẵn, chỉ việc lựa cành dẻo, vót rồi đem phơi nắng. Lúc phơi, phải lưu ý đến độ giòn, độ dẻo để khi uốn thành khung, tre không bị gãy. Sau khi uốn khung xong, các ông dán giấy, gắn đuôi, gắn sáo cho diều. Đuôi diều thì chỉ việc cắt dài giấy ra rồi dùng keo kết lại với nhau. Tuỳ theo kích cỡ của diều, các ông có thể nối đuôi dài hay ngắn. Cuối cùng, ông và các bạn buộc dây vào diều và mang ra đồng. Chiều nào ông cũng cùng các bạn quần đùi, áo cộc  lũn cũn kéo nhau ra triền đê thả diều hoặc chạy khắp cánh đồng sau mùa thu hoạch lúa, mắt tròn vo ngó nghiêng trên bầu trời khi cánh diều từ từ cất lên theo ngọn gió cùng tiếng sáo kêu “ro ro” mà lòng mừng rơn. Tất cả cùng chạy và cười vang trong nắng, trong gió và trong những niềm vui khó tả bằng lời.

Theo ông, làm diều tỉ mỉ là vậy, nhưng thả diều còn đòi hỏi “nghệ thuật” hơn. Có những con diều trông rất to, đẹp nhưng lại bay không cao bằng những con diều bé hơn. Vì vậy, muốn diều bay cao, ông và các bạn phải “chạy mồi” một quãng. Khi diều bay lên không trung sẽ nới dây từ từ, cho đến khi diều ở lưng chừng bầu trời thì mới cố định dây lại…Những mùa tuổi thơ của ông và các bạn với những cánh diều thả vào mênh mông gió trời, vào bát ngát màu xanh đồng ruộng thanh bình, yên ả cứ vương vấn mãi trong ông. Ông nghĩ mình thật may mắn khi có một tuổi thơ như thế.

Ông Quyền được mời tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm “Tìm hiểu văn hóa truyền thống Thăng Long – Hà Nội” tại Bảo tàng Hà Nội.

Cả một đời gìn giữ thú chơi diều sáo

Ông Quyền là đời thứ 4 ở Cao Viên đam mê sáo diều. Lứa tuổi “cổ lai hi” như ông Quyền rất luyến tiếc, đêm nằm vẫn mơ tiếng sáo vọng về. Cách đây gần chục năm, vì quá nhớ cánh diều nên các ông rủ nhau ra đê sông Đáy thả, tận dụng diều cũ và làm thêm một số diều mới. Với mong muốn khôi phục lại trò chơi sáo diều của quê hương, ông đi vận động các lứa tuổi trong thôn, trong xã tham gia.

Những người am hiểu diều sáo như ông Quyền thường đánh giá chất lượng qua màu sắc của cánh điều, âm thanh của tiếng sáo và mức độ “đứng” lâu trên không trung. Tiếng sáo vừa phải trong trẻo, du dương, tưởng như vang vọng cả trên trời, dưới đất, vừa hài hòa thanh âm giữa các sáo trong cùng một bộ. Sáo diều Cao Viên dân dã, truyền thống, ống sáo ngắn hơn các nơi khác, kích cỡ sáo vẫn giữ được theo các cụ ngày xưa. Căn cứ vào tiếng kêu để gọi tên sáo gồm: Sáo còi (nhỏ nhất), sáo ro ro, sáo vô vô, sáo đu đu, sáo ìm ìm (to nhất). Diều Cao Viên có 2 dáng: Dáng lá đa (tròn) chứa được nhiều gió hơn nhưng lên trời hình tròn nên không đẹp; dáng quéo (dài) đẹp hơn vì thế người Cao Viên hay làm. Xưa kia, giấy dán diều bằng giấy bản,  nay giấy có thêm bằng vải hoặc ni lông để diều nhẹ, bay cao. Mùa thả diều Cao Viên từ đầu tháng tư đến cuối thu. Để diều chơi được cả mùa đông, phục vụ lễ hội, chơi xuân, ông và những người làm diều trong thôn đã cải tiến bộ xương khung ăn ít gió và dán trùng hơn để chứa được nhiều gió. Chẳng thế mà trên cánh đồng Đàn Viên, triền đê sông Đáy luôn xuất hiện những cánh diều no gió khiến tâm hồn người chơi diều thêm thư thái, còn những người nông dân trên đồng ruộng thấy lòng phơi phới, xốn xang. Ông Quyền cho hay, cái lợi của chơi sáo diều đã tác động đến tinh thần, sở thích của các cháu nhỏ. Một số cháu trên địa bàn Cao Viên trước kia ham chơi game bây giờ chuyển sang chơi diều sáo. Đây là niềm động viên lớn đối với thế hệ hoài cổ như ông.

Diều sáo là thú vui tao nhã như thế, nhưng tiếc thay vì cuộc sống mưu sinh, vì thời đại công nghệ số khiến giới trẻ xao nhãng với các trò chơi dân gian. Ông Quyền mong muốn truyền được cảm hứng sáo diều cho lớp trẻ. Khi ông được mời đến Bảo tàng Dân tộc học tham gia chương trình bảo tồn trò chơi dân gian, ông mới biết đằng sau thú chơi ấy là những câu chuyện văn hóa, là giá trị di sản. Ông vận động mọi người trong thôn, cũng như một số địa phương trên địa bàn huyện Thanh Oai yêu thích diều sáo để thành lập Câu lạc bộ Diều sáo Cao Viên, rồi CLB Diều sáo Thanh Oai (năm 2013). Diều sáo Cao Viên không chỉ dừng lại là thú chơi đồng quê nữa, ông còn tích cực tham gia biểu diễn, giới thiệu diều sáo ở nhiều địa phương, mời các nơi về giao lưu. Ông không quản đường xa đến các trường học, bảo tàng, trung tâm văn hóa… hướng dẫn cách làm diều, nhất là diều sáo cho các em học sinh. Tuổi cao, song ông Quyền vẫn dùng mạng xã hội để giới thiệu diều sáo, mong muốn lan tỏa tình yêu với những trò chơi dân gian thú vị ngày xưa.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực diều sáo. Đây là nguồn động viên để ông tiếp tục nuôi dưỡng đam mê diều sáo nhằm gìn giữ, phát huy nét văn hóa đẹp của quê hương.

Mai Phương

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *