Năm nay bước sang tuổi 59 , chị Vũ Thị Hương, làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên vẫn rất say mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương: Hò cửa đình, múa hát bài Bông.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Hương
Trong ngôi nhà nhỏ rợp mát cỏ cây, hoa lá, chị Hương say sưa trò chuyện với khách về những hoạt động của CLB Hò cửa đình, múa hát bài Bông làng Phú Nhiêu, về niềm đam mê với môn nghệ thuật truyền thống này của chị.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Hương cho biết, chị đam mê múa cổ Bài bông từ nhỏ, nhưng phải đến năm 2002 mới bắt đầu tham gia sinh hoạt được. Bước vào CLB, chị Hương đã nhận được sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân đi trước trong việc học hát, học múa, sao cho uyển chuyển, nhẹ nhàng mà cuốn hút.
Hơn 20 năm gắn bó với loại hình múa cổ bài Bông, chị Hương luôn tâm niệm 1 điều phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy được vốn quý của quê hương, để Hò Cửa Đình và Múa hát Bài Bông luôn là địa chỉ đỏ về văn hóa dân gian.
Chị say mê nghiên cứu cách múa, hát sao cho dễ nhớ, dễ học. Từ đó truyền dạy cho các bạn trẻ ở địa phương. Bởi múa Bài Bông không có nhạc, chỉ có trống dạo đầu và kết thúc. Khi biểu diễn, các thiếu nữ trong trang phục áo dài và áo bát tiên, mũ bát tiên, xây, giày vải, yếm bông tai, đôi quạt lụa giải khăn hồng, vai đeo hai cây đèn cổ… tay múa, chân bước, uyển chuyển mà nhịp nhàng theo điệu uốn lượn của tay. Người múa làm sao phải thể hiện thật cuốn hút, nhưng vẫn vô cùng trang nghiêm, thành kính. Đến nay, chị Hương đã truyền dạy được cho nhiều thế hệ, với hàng chục em múa, hát bài bông. Tiêu biểu như các em: Lê Như Quỳnh và Vũ Thị Điệp, sinh năm 1986; Lương Thị Dung, Lê Hương Giang sinh năm 1991; Lương Thị Trang, Lương Thị Diệp sinh năm 2006; Vũ Bảo Anh, Vũ Quỳnh Anh, Phan Minh Trang, Phạm Nguyệt Anh, Lương Thanh Ngân, Vũ Minh Trang sinh năm 2018…Đến nay các cháu đều biết hát, múa thuần thục và đã nhiều lần tham gia biểu diễn cùng câu lạc bộ.
Chị Vũ Thị Hương và các thành viên của câu lạc bộ đã tham gia biểu diễn nhiều nơi, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem về loại hình múa cổ độc đáo này, như trong dịp Khai mạc lễ hội Thăng Long; tham dự Liên hoan Thăng Long hội tụ; tham dự Liên hoan múa cổ Hà Nội; tham gia biểu diễn ngày kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hội văn nghệ dân gian Việt Nam được nhận huân chương Hồ Chí Minh; tham dự diễu hành kỷ niệm 10 năm ASEAN; tham dự biểu diễn và diễu hành 1000 năm Thăng Long Hà Nội; tham gia chương trình bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ Thăng Long Hà Nội; tham gia biểu diễn nhân kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; tham gia biểu diễn Chung kết hội thi gìn giữ màu sắc dân tộc tại Hà Nội; tham gia biểu diễn ghi hình, ghi băng đĩa của các đài VTV1, VTV3, VTV6, VTV4, truyền hình thông tấn xã Việt Nam, các đài VOV, VOV4 và biểu diễn thường xuyên tại các lễ hội ở thôn, xã và huyện. v.v.
Múa Bài bông mang tính chất nghi lễ, được thực hiện ở khu vực đình Phú Nhiêu
Hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật truyền thống Hò Cửa Đình và Múa hát Bài Bông, nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Hương đã được nhận nhiều phần thưởng, giấy khen của các cấp, ngành, tiêu biểu như: Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (nghệ thuật trình diễn dân gian) vào tháng 9/2022. Chị được câu lạc bộ Hò cửa đình và múa Bài Bông bầu làm Phó chủ nhiệm câu lạc bộ phụ trách múa hát Bài Bông.
Thanh Quy