Lễ hội

Nghi thức làm và thả bánh Vía ở lễ hội Bình Đà

Trong những ngày tháng 3 hành hương về đất Tổ, trước khi thắp nén tâm nhang tỏ lòng thành kính với  các vị vua Hùng đã có công dựng nước, du khách hãy ghé thăm đền Nội (làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) – nơi thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Lễ hội Bình Đà được tổ chức nhằm tưởng nhớ Quốc tổ Lạc Long Quân (thờ tại đền Nội) và Thành Hoàng làng Linh Lang Đại Vương (thờ tại đình Ngoại) đã có nhiều công đức trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Trước kia, lễ hội Bình Đà diễn ra từ 25/2 đến ngày mùng 6/3 âm lịch hàng năm. Những năm gần đây, lễ hội Bình Đà được tổ chức tập trung trong 3 ngày (từ mùng 4 – 6/3). Người dân Bình Đà đã duy trì lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức thực hành tín ngưỡng độc đáo. Đặc biệt, nghi thức làm và thả bánh Vía (còn gọi là bánh Thánh) xuống giếng Ngọc (bởi tương truyền, giếng Ngọc có mạch ngầm thông tới thủy cung) để tưởng nhớ Quốc tổ Lạc Long Quân, thu hút đông đảo các thế hệ dân cư trong vùng về vui hội.

Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân

Tục này có từ lâu và được truyền lại cho đến ngày nay, với ý “thiên cơ bất khả lộ”.  Làng Bình Đà có 7 dòng họ, nhưng chỉ duy nhất dòng họ Nguyễn Văn được chọn làm bánh Vía, do đời xưa truyền lại. Bí quyết làm bánh dâng Quốc tổ Lạc Long Quân chỉ có trưởng tộc Nguyễn Văn nắm giữ. Bí quyết này được truyền lại cho trưởng tộc thế hệ tiếp theo. Trong trường hợp không có con trưởng, dòng họ sẽ phải làm lễ phong trưởng (chọn con trai của chi nhánh kế tiếp để phong trưởng tộc). Ông Nguyễn Văn Nam hiện là người nắm giữ bí quyết làm bánh của dòng họ Nguyễn Văn và là người trực tiếp thực hành. Quy trình để làm ra chiếc bánh Vía rất nghiêm ngặt, mang nhiều yếu tố tâm linh.

Cùng với đó, nghi thức thả bánh được xem là nghi lễ thiêng liêng, kì bí nhất trong lễ hội Bình Đà. Vì thế, trước ngày lễ hội khoảng một tuần, người làm bánh phải kiêng kỵ trong ăn uống và sinh hoạt, giữ cho tâm tĩnh. Dụng cụ làm bánh Vía như chày, cối, nồi nấu bánh, bát, đĩa, rổ, rá… hàng năm đều được mua mới, không sử dụng đồ cũ trong quá trình làm bánh. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp ngon thu hoạch từ ruộng do dân làng cấp cho gia đình trưởng tộc, được cất giữ cẩn thận, đến ngày lễ hội mới lấy ra làm bánh Vía. Gạo dùng để làm bánh được đãi sạch và để ráo nước, như thế khi giã bột không bết và vón cục. Nhân bánh là những vị thuốc bắc biểu trưng cho thiên – địa. Củi nấu bánh phải là cây tre già chết khô ở trong bụi tre. Muốn kiếm được loại củi này cũng không dễ dàng.

Nghi thức thả bánh Vía xuống giếng Ngọc

Ngày mùng 5/3 âm lịch, gia đình được giao trọng trách làm bánh phải đưa số nguyên vật liệu làm bánh ra ngoài đền Nội. Trước khi đi ra đền, cả gia đình làm bánh thắp hương khấn cáo tổ tiên, dòng họ, cầu mong mọi việc thuận lợi. Tại đền Nội cũng sắp xếp một gian riêng, ở đó chỉ có trưởng nam dòng họ Nguyễn Văn cùng con trai lớn của mình phụ giúp làm bánh Vía. Tất cả các cửa đóng kín lại và không ai được phép tới gần khu vực làm bánh. Theo lời kể lại, số lượng bánh phải đủ 100 cái, mỗi cái bánh sẽ tương ứng với những điềm báo của làng trong năm tới, vì thế mỗi lần xếp bánh, người làm bánh luôn tâm niệm phải chia bánh vào khay sao cho vừa và đạt con số đẹp nhất. Khi bánh Vía  làm xong, người làm bánh ra hiệu, ông chủ tế cùng những người trong ban tế lễ tay cầm cờ, quạt, vải đỏ phủ kín đài bánh, rồi đưa bánh vào trong hậu cung để làm lễ. Ngày mùng 6/3 âm lịch là ngày chính hội, đúng giờ chính Tỵ (10 giờ), bánh Vía được rước ra giếng Ngọc, bánh để trong đài đậy kín, kiệu rước bánh có lọng, tàn, quạt hầu hai bên. Nhạc trống, chiêng cùng phường bát âm reo vui đưa đám rước tới bên giếng. Tại đây, trong lòng giếng Ngọc đã quây sẵn một khung để thả bánh Vía trong đó. Mọi người ai cũng chăm chú dõi theo nghi thức thả bánh Vía xuống giếng Ngọc. Mỗi chiếc bánh thả xuống, ông chủ tế đều đọc một câu “thần chú”, mong bánh chìm xuống giếng Ngọc và đến được thủy cung.

Bánh Vía thả xuống giếng Ngọc như là vật tế lễ Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ, cùng 100 người con theo cha mẹ khai phá những miền đất mới. Lễ hội Bình Đà được tổ chức để nhớ về nguồn cội dân tộc. Người dân Bình Đà tin tưởng rằng, Quốc tổ Lạc Long Quân sẽ luôn phù hộ cho dân làng bình yên, mạnh khỏe, lúa tốt, của nhiều, muôn đời sung sướng.

Hương Giang

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *