Văn phòng UBND TP vừa có Văn bản số 6449/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý về việc nghiên cứu, xác định giá trị lịch sử công trình Hào phủ Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Trước đó, UBND Thành phố nhận được văn bản số 2021/SVHTT-QLDT […]
Văn phòng UBND TP vừa có Văn bản số 6449/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý về việc nghiên cứu, xác định giá trị lịch sử công trình Hào phủ Quốc Oai, huyện Quốc Oai.
Trước đó, UBND Thành phố nhận được văn bản số 2021/SVHTT-QLDT ngày 06/6/2017 của Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo kết quả thực hiện Thông báo số 410/TB-UBND ngày 17/10/2016 về nghiên cứu, xác định giá trị lịch sử công trình Hào phủ Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, giá trị lịch sử công trình Hào phủ Quốc Oai trong chiều dài của lịch sử đất nước, Sơn Tây luôn là cửa ngõ quan trọng ở phía tây Thăng Long – Hà Nội, Phủ Quốc Oai là cửa ngõ trung điểm kết nối Thăng Long – Hà Nội với Sơn Tây và cả vùng phía Tây rộng lớn nên luôn được coi trong xây dựng và củng cố để trở thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, thương mai của khu vực xứ Đoài.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền- Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai phát biểu tại “Hội thảo giá trị lịch sử và sự cần thiết bảo tồn, tôn tạo công trình Hào phủ Quốc Oai” (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Quốc Oai)
Căn cứ giá trị và hiện trạng còn lại; đối chiếu quy định tại Khoản 9, Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa cho thấy công trình Hào phủ Quốc Oai được xây dựng từ năm 1832 hiện còn lại một vài dấu tích (như giếng cổ, ao thành, một đoạn hào thành) đã từng là công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương trong các thời kỳ lịch sử (từ thời Nguyễn), do vậy cần được bảo tồn các hạng mục còn lại và có cơ sở khoa học để khôi phục một số hạng mục kiến trúc đã được ghi chép trong lịch sử. Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất Bảo tồn tôn tạo các kiến trúc hạng mục hiện còn (ao cổ, giếng cổ, đoạn còn lại hào thành), khôi phục, tôn tạo một đoạn hào thành; phục dựng một đoạn thành cổ ở vị trí phù hợp. Làm sa bàn khoa học phục dựng thành cổ Quốc Oai đặt trong khuôn viên Khu chính trị – Hành chính, Khu liên hợp văn hóa – Thể thao huyện Quốc Oai hoặc ở vị trí khác phù hợp.
Bản vẽ Quy hoạch khu Trung tâm chính trị, hành chính huyện Quốc Oai
(Ảnh: Cổng TTĐT huyện Quốc Oai)
Về việc này, UBND Thành phố chấp thuận về nguyên tắc nội dung báo cáo, đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao tại văn bản nêu trên về nghiên cứu, xác định giá trị lịch sử công trình Hào phủ Quốc Oai, huyện Quốc Oai; giao Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, phối hợp UBND huyện Quốc Oai tổ chức thực hiện theo quy định.
Giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, hướng dẫn UBND huyện Quốc Oai tổng hợp nội dung nghiên cứu, báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tại văn bản nêu trên vào nội dung nghiên cứu 02 đồ án “Quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị trấn Quốc Oai” và “Quy hoach điều chỉnh khu chính trị, hành chính, liên hợp văn hóa thể thao huyện Quốc Oai”, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 410/TB-UBND ngày 17/10/2016 và văn bản số 5794/VP-ĐT ngày 22/6/2017; đề xuất báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.
Văn Chiến