Gia đình

Người mẹ “liều mạng” và những chuyến du lịch giúp con trai tự kỷ thỏa sức vẽ tranh

Ở đó, có bóng dáng người mẹ âm thầm, lặng lẽ mài mực, cắt giấy cho cậu con trai bị hội chứng tự kỷ miệt mài bên khung vẽ.

Ngôi nhà khang trang nằm bình yên trong con hẻm nhỏ tại thị trấn Lái Thiêu (Bình Dương). Ở đó, có bóng dáng người mẹ âm thầm, lặng lẽ mài mực, cắt giấy cho cậu con trai bị hội chứng tự kỷ miệt mài bên khung vẽ. Ở đó, ít nụ cười, nhiều nước mắt nhưng luôn trào dâng tình yêu thương.

Đi về đến nhà là An say mê vẽ tranh
An say mê vẽ tranh

Cùng con chinh phục bầu trời
Kể về con, chị Trần Thị Minh Thảo (SN 1978) nhiều lần nghẹn đi vì thương số phận đứa trẻ mới chào đời đã phải gánh chịu nỗi đau. Ngày mang một mầm sống, chị đã vui mừng biết nhường nào, chị luôn sống trong trạng thái lâng lâng hạnh phúc nghĩ về ngày trở dạ đứa con thân yêu. Sinh con trong muôn vàn khó nhọc, nuôi con khỏe mạnh, bụ bẫm lại càng khó. Hơn một tuổi, bé Phạm Thái An thường ngồi cả ngày trong một góc nhà cầm chiếc thìa xoay đi xoay lại. Sự trầm tĩnh khác lạ của con khiến chị Thảo lo lắng. Chị đưa An đi bệnh viện, sau khi khám xét tổng quát, bác sĩ chẩn đoán An có dấu hiệu của trẻ tự kỷ, dặn gia đình để ý quan tâm theo dõi. Hơn hai tuổi, An vẫn trầm lặng, không nô đùa như những đứa trẻ khác và cậu bé bắt đầu thích vẽ tranh. Lúc đầu là những đường nét nguệch ngoạc trên giấy nhưng đã có nội dung, bố cục. Trí tưởng tượng của An khi đó chỉ bó hẹp trong ngôi nhà và mẹ, nên tranh An vẽ chỉ có vậy thôi. Ngoài mẹ ra, bé không nói chuyện với ai, không quan tâm đến ai và cả cuộc sống xung quanh. Tất cả thời gian và tâm trí của bé chỉ để vẽ. An biết nói, nhưng lại không thích sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Mọi vui buồn, hờn giận cậu bé đều thể hiện trong gam màu của bức tranh. Khi nào vui thì tranh tươi sáng, buồn thì tranh u tối, trầm mặc. Ba tuổi, tranh của An đã khiến mọi người phải ngỡ ngàng bởi những đường nét vô cùng mềm mại, uyển chuyển, những gam màu được phối hợp hài hòa, sống động. Năm An lên năm tuổi, thì biến cố gia đình đổ ập xuống. Vợ chồng chị Thảo xảy ra nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống dẫn đến việc chia tay.

An có thể vẽ tranh bất cứ nơi nào
An có thể vẽ tranh bất cứ nơi nào

Với những đứa trẻ như An, càng lớn, suy nghĩ và tính tình thay đổi cùng với đó là tâm hồn nhạy cảm dễ tổn thương, dễ hờn giận. Mỗi khi giận hờn hay không hài lòng một điều gì đó, An biểu lộ bằng trạng thái buồn bã, căng thẳng dẫn đến stress nặng. Mỗi lần như vậy, An thường mất ngủ. Con không ngủ thì mẹ cũng phải thức và nếu có ngủ thì An cũng chỉ nằm trên tay mẹ, chỉ cần rời tay là bé khóc. Bế con cả đêm, đôi tay mỏi nhừ, đầu gối tê cứng nhưng chị Thảo không dám đặt con xuống giường. Phải quá nửa đêm, chờ cho bé say giấc, chị mới nhẹ nhàng đặt xuống, nhưng suốt đêm phải để tay trên bụng để con có cảm giác được ôm.
Nhằm tiếp thêm sức mạnh hội họa cho con, chị Thảo đã “liều mạng” dẫn An đi du lịch. Chị mong muốn tâm hồn bé sẽ mở mang với cảnh sắc thiên nhiên bên ngoài. Mỗi lần được đi xa, An rất hào hứng nhưng chị Thảo lại đứng ngồi không yên. Ra chỗ đông người, chị phải nắm tay con thật chặt, không dám buông tay dù chỉ một phút, vì sợ An sẽ đi lang thang lạc lối ở đâu đó. Có lần ra sân bay, chị chạy vào nhà vệ sinh, thoáng cái chạy ra đã không thấy con đâu, chị hoảng hốt, thất thần kêu tên An khàn cả giọng. An thì không có thói quen nói, càng không thích trả lời. Tưởng như phải òa khóc vì lo lắng thì chị thấy con đang ngơ ngác giữa dòng người hối hả.
Được hòa mình vào bầu trời thiên nhiên với muôn vàn gam màu, An thích thú vô cùng. Mỗi chuyến đi trở về, cậu bé lục lại hình ảnh trong trí não rồi say mê vẽ. Tất cả những vùng đất đã đi qua, những cảnh vật đã được ngắm nhìn, An đưa vào tranh một cách sống động, chân thực, không bỏ xót chi tiết nào. Chị Thảo nghĩ: “Mỗi đứa trẻ tự kỷ có thể có một thế mạnh đặc biệt. Trí não của bé chỉ tập trung vào một mảng, và đó chính là tiềm năng duy nhất để bé đam mê hết mình. Hy vọng mọi người yêu và nhớ đến An vì cháu đang có gắng từng ngày để vẽ đẹp hơn, chứ xin đừng thương hại hay tội nghiệp vì An là trẻ tự kỷ”.

30 bức tranh đặc biệt cho buổi triển lãm riêng

14055163_1232680800098698_3912846685361603922_n

14322528_1259254794107965_2952815378548170145_n

14494658_1271402139559897_3299426511254991815_n

14502727_1269380706428707_5217952522766923231_n

Những bức tranh đầy cảm xúc của An

Là một người mẹ có con tự kỷ, chị Thảo đã tìm hiểu về hội chứng này rất kỹ. Cho đến nay, tự kỷ là gì, hội chứng tự kỷ là như thế nào thì chưa có một định nghĩa chính xác. Trong ngành y và tâm lý học, người ta nhìn nhận tự kỷ là hội chứng rối loạn chức năng, các chức năng hệ thống như ngôn ngữ, vận động hay cảm xúc không rạch ròi như người bình thường. Nhưng dù là nguyên nhân gì đi nữa, thì đó vẫn là nỗi bất hạnh không gì bù lấp được cho đứa trẻ, cho các bậc làm cha làm mẹ.

Người mẹ chính là cánh chim cho con bay ra bầu trời
Người mẹ chính là cánh chim cho con bay ra bầu trời

Không có mẫu số chung cho trẻ tự kỷ, vì mỗi trẻ có một rối loạn khác nhau và mỗi trẻ đều có một thế giới riêng của mình. Thế giới của An chính là hội họa. Nhìn vào tranh, không ai nghĩ đó là tác phẩm của một đứa trẻ lên mười. Tranh của An tràn đầy sức sống và những thông điệp nhân văn. An đặc biệt yêu thích thiên nhiên. Mỗi bức tranh là một gam màu về thiên nhiên. Ở đó có rừng xanh, có những chiếc thuyền tí xíu lượn lờ trên mặt sông, có con đường nhỏ chạy thẳng đến chân trời tươi sáng. Và ở đó, thấp thoáng bóng dáng người mẹ, nhỏ bé nhưng kiên cường. An yêu thiên nhiên đến mức xót xa, giằng xé khi thấy một ngọn chuối non bị gãy, cả đêm An không thể ngủ vì sự tổn thương của cây chuối. Tâm hồn của cậu chỉ có vậy, dành hết tình thương và sự quan tâm cho thiên nhiên.
Thương con, người mẹ đã lặng lẽ hy sinh nhu cầu riêng, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời cho con. Ngay cả việc vị trí nhà ở hiện tại cũng là vì con, chị muốn con có không gian tĩnh lặng để sáng tạo và có khoảng trời riêng để con bớt đi những tổn thương không đáng có. Hỏi chị Thảo, đã bao giờ chị mường tượng ra viễn cảnh cuộc sống sau này của bé An chưa? Chị cười, ẩn chứa nỗi buồn cùng sự hoang mang: “Tôi không nghĩ đến những điều ở phía trước. Hiện tại tôi đang sống hết mình vì con, chăm lo cho con đã không còn thời gian để suy nghĩ về chuyện khác nữa rồi”.
Chị Thảo gửi con đến trường để bé có cơ hội giao tiếp với xã hội, với môi trường sống. Hơn ai hết, chị hiểu rõ sự phức tạp của hội chứng tự kỷ, thì trường học hay trường đời đều không có một giáo án chung và sự can thiệp để bé hòa nhập hoàn toàn là điều rất khó, thậm chí là không thể. Mẹ, thầy cô và những người xung quanh chỉ là sự chia sẻ yêu thương với nỗi đau tự kỷ suốt đời của con trẻ mà thôi. Đi qua vất vả từng ngày, từng đêm, chị Thảo đã thích nghi với nếp sinh hoạt của con. An càng lớn, biểu hiện tâm lý càng phức tạp, nhưng chị luôn thấy vui và hạnh phúc mỗi khi nhìn con miệt mài vẽ tranh. Phía sau những bức tranh trong sáng, hồn nhiên của An, luôn có bàn tay mài mực, cắt giấy của người mẹ. An chỉ vẽ đẹp, vẽ có hồn khi mẹ ngồi cạnh bên tâm sự, chuyện trò.
Tháng 4/2016, được sự chung tay của mọi người, An cùng một số bé đã có buổi triển lãm tranh vô cùng ý nghĩa ở Hà Nội. Qua buổi triển lãm, người ta biết nhiều hơn về tâm hồn và suy nghĩ của trẻ tự kỷ và An là một nhân tố bí ẩn. Tranh của An được mọi người rất quan tâm. Khâm phục tài năng hội họa của An, các mạnh thường quân ở TP. HCM đã nhận đứng ra tổ chức buổi triển lãm dành riêng cho cậu vào ngày 22/10/2016. Hiện An đang hoàn tất khoảng 30 bức tranh tuyệt đẹp của mình cho buổi triển lãm.

Ngân Hà

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *