Văn hóa cơ sở

Người “thổi hồn” cho lụa Vạn Phúc thăng hoa

Tới làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) những ngày này, bên âm thanh rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của thoi đưa, được nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm – công dân ưu tú Thủ đô trải lòng về nghề dệt lụa quê mình và câu chuyện gian nan phục hồi những dòng […]

Tới làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) những ngày này, bên âm thanh rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của thoi đưa, được nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm – công dân ưu tú Thủ đô trải lòng về nghề dệt lụa quê mình và câu chuyện gian nan phục hồi những dòng lụa quý khiến tôi thêm nể phục người nghệ nhân “một đời tơ lụa” hơn.

Qua các thư tịch cổ, mảnh đất Vạn Phúc ngày nay được hình thành phát triển từ năm 865 sau Công nguyên. Thủa ấy, trong một lần kinh lý trên sông, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền phải thốt lên:  “Đất Vạn Bảo núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Đây thật là cảnh thanh nhàn”. Bà Lã Thị Nga – vợ của Cao Biền thấy vùng đất này thơ mộng đã về ngụ tại đây, bà truyền dạy cho dân nghề nuôi tằm canh cửi. Nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo (tức Vạn Phúc) tôn bà làm Thành hoàng làng và lập miếu thờ. Từ đó đến nay, Vạn Phúc đã duy trì, phát triển được nghề dệt lụa nghìn năm tuổi nức tiếng gần xa.

Trong tâm thức của người dân Vạn Phúc, lụa là kết quả của quá trình trồng dâu nuôi tằm, kéo kén ươm tơ, là kết tinh sản phẩm của trời – đất, thấm đượm công sức, tài hoa của người thợ, sản phẩm quý giá của quê hương, lụa Vạn Phúc được sản xuất gồm nhiều loại: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, quế, sa, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là lụa vân (hoa văn nổi vân trên mặt lụa) tưởng chừng như thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân. Câu ca xưa: “The La, lĩnh bưởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn” đã phần nào khẳng định tinh hoa làng nghề Vạn Phúc. Nét đặc biệt của lụa vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là bền đẹp, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí đối xứng, đường nét mềm mại, phóng khoáng, đa dạng mẫu mã như mẫu Song hạc, Thọ đỉnh, Tứ quý… khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, đến các nước Đông Âu, Tây Âu…

Vạn Phúc có khoảng 800 hộ dân làm nghề dệt, hàng năm, sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu toàn bộ làng nghề. Trong các gia đình, khung dệt cổ vẫn được lưu giữ xen lẫn khung dệt cơ khí hiện đại với trên 1.000 máy dệt. Hàng ngày, Vạn Phúc thu hút 400 lao động thời vụ quanh vùng đến làm việc. Cửa hàng bán và giới thiệu lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành các phố lụa, chợ lụa đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Ở Vạn Phúc, xưởng dệt lụa Triệu Văn Mão luôn là địa chỉ tin cậy đối với du khách khi đến tham quan. Nghệ nhân đã về với suối vàng, mà câu nói vẫn còn ở lại: “Đời tằm ngắn ngủi nhưng sợi của nó nhả ra, qua tay người thợ để lại cho đời những sản phẩm vô giá.” Cụ đã bỏ bao công sức sưu tầm, phục dựng nhiều loại lụa quý mong giữ lại cho con cháu đời sau những kỹ thuật tinh xảo, nét tinh hoa làng nghề. Chính tình yêu, sự trân trọng nghề của cụ khiến cô con dâu Nguyễn Thị Tâm kính phục và nguyện giữ “ngọn lửa” nghề của ông cha. Suốt bao năm miệt mài bên khung cửi, tỉ mẩn từng sợi tơ, cuối cùng bà Tâm cũng tìm được “bí quyết” dệt lụa vân tưởng mãi thất truyền. Khác với những cơ sở khác ở làng nghề Vạn Phúc chỉ dành không gian bày bán sản phẩm, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm còn đầu tư kinh phí đặt khu sản xuất ngay bên cạnh. Bà mong muốn khách tới Vạn Phúc không chỉ được nhìn những tấm lụa đủ màu sắc, được chạm tay vào những thớ vải óng mượt mà còn được tận mắt tham quan công việc của người thợ dệt tài hoa. 40 năm làm nghề, bằng cái tâm, cái tình của người thợ dệt, bà Tâm không chỉ gây dựng thành công cơ nghiệp của cha, mà còn phát triển những ý tưởng nghệ nhân Triệu Văn Mão từng ấp ủ. Sản phẩm lụa của bà luôn được đánh giá cao, đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Đặc biệt, năm 2000, lụa vân của bà được lựa chọn phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của đất nước. Sản phẩm lụa vân “Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội” của bà được thành phố Hà Nội lựa chọn làm quà tặng cho các đoàn khách quốc tế đến dự Đại lễ. Năm 2011, sản phẩm lụa vân “Lưỡng long” được UBND Thành phố chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2012 – 2013, từ bàn tay tài hoa của bà, sản phẩm lụa vân “Lưỡng long song hạc”, “Lưỡng long song thọ”, “Vân triện thọ”, “Vân thọ đỉnh” được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội chọn là sản phẩm tiêu biểu. Xưởng dệt lụa Triệu Văn Mão do bà làm chủ vinh dự được đón tiếp nhiều đoàn khách của Trung ương, Thành phố và các tỉnh bạn đến học tập kinh nghiệm; hàng ngàn lượt khách quốc tế, các đoàn đại biểu cấp cao của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản…đến tham quan.

Đau đáu với nghề, mong muốn cho làng nghề ngày càng phát triển, bà Tâm luôn phối hợp với Phòng Kinh tế quận Hà Đông mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ trẻ, lớp học sáng tạo mẫu mã, lớp kỹ năng giao tiếp bán hàng… Bản thân bà ngày ngày tận tụy truyền nghề cho thợ, để những tinh hoa làng nghề Vạn Phúc không bị phôi phai. Từ cô gái dệt lụa năm xưa, giờ đây là nghệ nhân với một “gia tài” đồ sộ, người phụ nữ có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, nụ cười dễ thương vẹn nguyên nét giản dị, mộc mạc của người con gái quê lụa cứ vương vấn trong tôi. Như con ong cần mẫn làm việc, con tằm chăm chỉ kéo kén chăng tơ, người phụ nữ ấy đang lặng lẽ ngày đêm dệt nên bức tranh làng lụa nghìn năm thơ mộng, đẹp tươi trên mảnh đất quê hương.

1

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm bên cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm lụa Mão silk

Hương Giang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *