Cũng giống như bao người yêu Hà Nội, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban biên tập Văn hóa – xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội luôn luôn ấp ủ một tình yêu vô bờ với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Nay đã ở tuổi nghỉ […]
Cũng giống như bao người yêu Hà Nội, nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban biên tập Văn hóa – xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội luôn luôn ấp ủ một tình yêu vô bờ với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Nay đã ở tuổi nghỉ hưu, bà vẫn một lòng hướng về mảnh đất này với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đắm đuối với Hà Nội
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung tốt nghiệp thủ khoa, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 niên khóa 1976-1980. Nguyện vọng của bà khi ấy là muốn được ở lại trường để làm công tác nghiên cứu, giảng dạy. Nhưng rồi số phận đã rẽ ngang đưa bà sang nghề làm báo.
Hơn 3 thập kỷ công tác, nhà báo Tuyết Nhung đã dành cả sự nghiệp của mình cho tình yêu với Hà Nội. Nặng lòng với “phố phường – con người – ẩm thực” Hà thành, tên tuổi của bà đã đóng đinh trong chương trình được rất nhiều khán thính giả yêu thích: “Hà Nội của chúng ta”.
Chương trình “Hà Nội của chúng ta” phát trên sóng truyền hình Hà Nội từ năm 1984 và sau này còn được phát trên Kênh VTV4. Khán giả hẳn còn nhớ các tiểu mục như: Hà Nội phố, Hà Nội ngàn năm văn hiến, Hà Nội thanh lịch, Người Hà Nội thanh lịch văn minh… Những chuyên mục ấy đều do nhà báo Tuyết Nhung đảm trách với nhiều vai trò khác nhau, từ phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình đến viết kịch bản, đạo diễn… Hàng trăm con phố, hàng ngàn món ăn ngon và biết bao địa danh lịch sử của Hà Nội được nữ nhà báo cùng đồng nghiệp gửi tới khán thính giả.
Năm 2004, chương trình “Hà Nội của chúng ta” đã được Bộ Văn hóa – Thông tin khen thưởng là một trong những chương trình truyền hình xuất sắc về đề tài Hà Nội.
Cả đời tích lũy những kiến thức tinh hoa, khi đã ở tuổi nghỉ hưu, nhà báo Tuyết Nhung lại càng có thêm thời gian để nghiền ngẫm, tìm hiểu về văn hóa Hà Nội.
Bà nói: “Khi còn làm việc tại Đài, tôi luôn trăn trở cách thể hiện tình yêu Hà Nội sao cho khán giả đồng cảm, cũng như khơi gợi để các thế hệ cảm thông và thấu hiểu, nhất là trong lĩnh vực ẩm thực. Tôi đã đi mọi ngóc ngách, đã cố công tìm đến những địa chỉ tinh hoa nhất, danh tiếng nhất, để hiểu thêm nghệ thuật ẩm thực đất Kinh kỳ”…
Mới đây, bà cho ra mắt ấn phẩm “Hà Thành hương xưa vị cũ”. Đây là cuốn sách viết trong cả cuộc đời làm báo của bà, là một kho tư liệu xung quanh bữa ăn của người Hà Nội trong những năm nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Mỗi bài viết đều có những nét đặc trưng riêng, hương vị riêng, dẫn dắt người đọc như được nếm thử bằng giác quan, cảm nhận mùi vị độc đáo của từng món. Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ bạn đọc và được sử dụng như một tài liệu tham khảo về ẩm thực Hà Nội rất đáng tin cậy.
Trái tim nhân hậu sẻ chia
Bên cạnh chuyên đề “Hà Nội của chúng ta”, chuyên đề “Địa chỉ từ thiện” cũng là một đề tài mà nhà báo Tuyết Nhung tâm huyết. Ra đời vào năm 1992, đây là chương trình thiện nguyện đầu tiên trong làng báo phía Bắc. Chương trình đã gây một tiếng vang lớn trong xã hội, được nhận giải thưởng đồng hạng Giải báo chí toàn quốc năm 1992.
Năm 2002, khi Câu lạc bộ (CLB) nhà báo nữ Việt Nam được thành lập, nhà báo Tuyết Nhung, Phó Chủ nhiệm CLB, được giao nhiệm vụ gây dựng và phát triển Đoàn thiện nguyện CLB nhà báo nữ Việt Nam. Bà đã kết nối mọi người chung tay làm thiện nguyện rất hiệu quả.
Trải qua gần 20 năm hoạt động, Đoàn thiện nguyện đến nay đã có hơn 300 thành viên, hoạt động rất bền bỉ và đều đặn trong các kỳ cuộc: Tết Nguyên đán, ngày 8-3, ngày 1-6, Tết Trung thu, ngày khai giảng, Noel… Với nguyên tắc công khai, liên kết chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể địa phương, Đoàn đã kết nối trợ giúp cho hàng ngàn cụ già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa, các bệnh nhi được điều trị tại Viện Tim Hà Nội, Viện Huyết học truyền máu trung ương và đặc biệt là các cựu nữ thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn tại Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), Quỳnh Lưu (Nghệ An), Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Quảng Bình… với số tiền và quà trị giá hàng tỷ đồng. Năm 2021, bà trích tiền bán sách “Hà Thành hương xưa vị cũ” đóng góp 20 triệu đồng cho Trường Dạy trẻ khiếm thính Hà Nội và xóm chạy thận Ngọc Hồi.
Là một nhà báo sắc sảo, nhiệt huyết, trọn nghĩa vẹn tình với bạn bè, đồng nghiệp, ở tuổi nghỉ hưu, nhà báo Tuyết Nhung có thể tận hưởng cuộc sống an nhàn bên gia đình nhưng bà vẫn hăng say lao động. Ẩn chứa trong sức lao động miệt mài ấy là niềm đam mê, là tấm lòng có trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng.
Dìu dắt thế hệ trẻ
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ: “Khi mới vào nghề, tôi đã được theo người thầy của mình là nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đi tới nhiều đường phố, xóm làng, danh lam, thắng tích… Biết bao câu chuyện huyền thoại và những kiến thức thực tế về mảnh đất, con người Hà Nội, qua lời thầy đã đến với chúng tôi, truyền cho chúng tôi một tình yêu mỗi ngày một thêm thắm thiết và niềm tự hào mỗi ngày một thêm sâu sắc về Hà Nội dấu yêu”. Và giờ đây, bà lại truyền tình yêu ấy cho lớp trẻ.
Bà luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn, tư vấn thêm kiến thức Hà Nội học cũng như cung cấp những tư liệu quý, những địa chỉ không dễ kiếm tìm về những vấn đề của Hà Nội. Bà cho biết vừa hoàn thiện thêm 42 bài viết để bổ sung cho cuốn “Hà thành hương xưa vị cũ” với chủ đề: Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực trăm miền.
Bà cũng đang gấp rút hoàn thiện một cuốn sách khác mang tên “Hà Nội mến yêu” để tiếp tục gửi gắm tình yêu với mảnh đất “lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Theo Báo Hànộimới
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/824977/nguoi-ton-vinh-net-van-hien-thang-long—ha-noi