Tin tức - Sự kiện

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long: Đơn vị  nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long được thành lập từ năm 1960, tiền thân có tên là Đoàn văn công nhân dân thành phố Hà Nội, rồi Đoàn Ca múa Hà Nội, Đoàn ca múa Thăng Long. Trải qua 56 năm xây dựng, trưởng thành, vượt qua bao khó khăn, Nhà hát đã phát […]

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long được thành lập từ năm 1960, tiền thân có tên là Đoàn văn công nhân dân thành phố Hà Nội, rồi Đoàn Ca múa Hà Nội, Đoàn ca múa Thăng Long. Trải qua 56 năm xây dựng, trưởng thành, vượt qua bao khó khăn, Nhà hát đã phát triển vững mạnh toàn diện, trở thành điểm đến biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô.

          Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long có chức năng biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc; sưu tầm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca múa nhạc Thăng Long – Hà Nội. Ngoài Giám đốc – NSƯT Huỳnh Tấn Minh, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long quy tụ được một số nghệ sĩ tài năng: NSND Hoàng Anh Tú, NSƯT Huỳnh Tú, NSƯT Thanh Thanh Hiền… và một số nghệ sĩ, diễn viên trẻ đầy nhiệt huyết: Nhạc sĩ Dương Cầm, Ca sĩ Khánh Linh, Ca sĩ Minh Thu, Ca sĩ Lô Thủy…Những năm qua, Nhà hát đã dàn dựng được trên 1.000 chương trình nghệ thuật, trong đó có gần 300 chương trình lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô, đóng góp tích cực trên mặt trận văn hóa – tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Khán giả Thủ đô đến với sân khấu Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long được thưởng thức những chương trình, tiết mục ca múa nhạc đặc sắc đậm chất dân gian, giàu tính dân tộc. Không những thế, Nhà hát còn sáng tạo, thể nghiệm và phát triển hiện đại nghệ thuật ca múa nhạc dân gian, dân tộc; tiếp thu tinh hoa nghệ thuật ca múa nhạc của các dân tộc trên thế giới để phục vụ khán giả trong nước và quốc tế nhằm bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca múa nhạc Thăng Long – Hà Nội. Xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; giao lưu hợp tác với các đoàn nghệ thuật nước ngoài theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội…Nhà hát đã biểu diễn phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với gần 10.000 buổi, thu hút trên 5 triệu lượt người xem. Nhiều chương trình nghệ thuật để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao tính thẩm mỹ của người xem như các chương trình: “Việt Nam trên đường chúng ta đi”, “Hữu nghị”, “Hồ Gươm”, “Trống hội Thăng Long”, “Bài ca thống nhất”, “Hương sắc Việt Nam”… nên “thương hiệu” cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

          Điểm nhấn tạo nên tiếng vang cho Nhà hát là năm 2015, Nhà hát dàn dựng chương trình nghệ thuật với tên gọi “Trở về” để tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt I tại tỉnh Thái Nguyên đã đạt Huy chương Vàng. “Trở về” không còn mang dáng vóc của một chương trình tạp kĩ mà đã được nâng tầm thành một chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp có thể biến hoá ở những sân khấu lớn, biểu diễn cho nhiều đối tượng khán giả hơn. Toàn bộ câu chuyện của “Trở về” được trải dài từ cách dẫn dắt, chào đầu dễ chịu, cho đến những bài múa đương đại nhiều kịch tính, mang hơi thở phố phường của Hà Nội hôm nay. Bâng khuâng đâu đó “Đêm ả đào” của những ca sĩ quen thuộc trình diễn như Minh Thu, Lô Thuỷ, Hồng Dung, hay phần Xẩm “Người quê ở phố” của NSƯT Hoàng Tú là những điểm nhấn hoài niệm sâu sắc, thâm trầm; phần hát như “lên đồng” những trường đoạn cao trào thăng hoa của Tấn Minh với “Bên dòng sông Cái” và kết lại với những “Nồng nàn Hà Nội”, “Hà Nội trà đá vỉa hè…” rất trẻ trung và gợi mở. Nhờ có sự kết nối chặt chẽ cũng như một tinh thần luyện tập chăm chỉ, các nghệ sĩ đã làm cho “Trở về” trở thành một chuỗi hơi thở nghệ thuật đầy giá trị. Năm 2016, ngoài biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà hát đã xây dựng kịch bản chương trình với chủ đề “Xưa và nay” để tham gia Liên hoan nghệ thuật Ca múa nhạc cùng với các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam tại Quảng Trị, đạt 1 HCV toàn đoàn, 2 HVCV tiết mục và 2 HCB tiết mục. Đặc biệt, từ ngày 29/4 – 3/5, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long  tham dự Festival Huế với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu. Khán giả được hòa mình vào ca khúc hào hùng, sâu lắng “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” qua giọng hát của ca sĩ – NSƯT Tấn Minh, mãn nhãn với điệu múa “Trúc xinh sân đình” pha trộn giữa dân gian và hiện đại. Ngoài các phần trình diễn tại lễ khai mạc và bế mạc, Nhà hát còn thực hiện các đêm diễn nghệ thuật truyền thống tại sân khấu Điện Kiến Trung – Đại Nội và tại quảng trường Ngọ Môn, thu hút sự quan tâm thưởng thức của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

          Với những đóng góp tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long vinh dự được khen thưởng: Tập thể Lao động xuất sắc cấp thành phố, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2015). Năm 2016, để ghi nhận công lao của tập thể cán bộ, các nghệ sĩ diễn viên, công nhân viên Nhà hát và phát huy những thành tích đạt được, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tiếp tục đề nghị Bộ VHTT&DL tặng Bằng khen.

1

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tham gia biểu diễn chào mừng bầu cử đại biểuQquốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

2

Tiết mục múa “Trúc xinh sân đình” biểu diễn tại Festival Huế 2016

Hương Giang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *