Tối 12/4, hướng về kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức chương trình giao lưu với nhân chứng và thi Tìm hiểu lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò do thực dân […]
Tối 12/4, hướng về kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức chương trình giao lưu với nhân chứng và thi Tìm hiểu lịch sử nhà tù Hỏa Lò.
Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, là nơi giam giữ hàng ngàn người Việt yêu nước, trong đó có 5 đồng chí đã từng giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Dưới thời bị giặc Pháp bắt giam, dù phải chịu cảnh sinh hoạt hà khắc, bị đày đọa nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn giữ trọn lòng yêu nước, vượt lên gian khó, biến nhà tù thành trường học cách mạng.
Sau khi ra tù, nhiều đồng chí trở thành những cán bộ xuất sắc, lãnh đạo nhân dân làm nên Chiến thắng lịch sử năm 1975. Nhà tù Hỏa Lò trở thành địa điểm thiêng liêng trong lòng Thủ đô.
Nhà tù Hỏa Lò từng nằm trong top 10 nhà tù rùng rợn nhất trên thế giới. Ảnh: Xuân Cường |
Tưởng nhớ về một chặng đường gian lao nhưng sục sôi ý chí chiến đấu trong lịch sử dân tộc, về một miền ký ức khó quên, các đoàn viên thanh niên Thủ đô cùng hàng trăm chiến sỹ trẻ đến tham dự chương trình giao lưu đã được nghe những câu chuyện, những kỷ niệm xúc động do chính các nhân chứng lịch sử trực tiếp kể lại.
Đó là Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính uỷ Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày; ông Tạ Quốc Bảo, lão thành cách mạng, nguyên Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày nhà tù Hỏa Lò; ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày nhà tù Hỏa Lò.
Nhắc lại những kỷ niệm một thời hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương không khỏi xúc động cho biết, Di tích nhà tù Hỏa Lò là một phần lịch sử đấu tranh giành và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thiếu tướng căn dặn thế hệ trẻ phải trân trọng lịch sử, biết ơn những anh hùng đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho rằng, chương trình tìm hiểu lịch sử nhà tù Hỏa Lò là một hoạt động có tính nhân văn sâu sắc, hướng về lịch sử, thế hệ trẻ Việt Nam nên tích cực tham gia vào các hoạt động mang ý nghĩa lớn như vậy.
Ngoài hoạt động giao lưu với các nhân chứng của nhà tù Hỏa Lò, các đoàn viên, thanh niên và các chiến sỹ trẻ Thủ đô còn được tham dự Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Cuộc thi gồm các phần vui nhộn như: “Giải mã hình ảnh”, “Ai nhanh tay hơn” và phần thi “Tài năng” với sự tham gia của 3 đội chơi đến từ Đoàn 275 – Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Đoàn Thanh niên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Các phần thi hấp dẫn đã mở ra cho các bạn trẻ một cách tiếp cận mới về việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử nhà tù Hỏa Lò nói riêng. Nhưng ý nghĩa hơn cả, chương trình đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các thế hệ người dân Việt Nam, đặc biệt là của các đồng chí cộng sản bị giam cầm trong các nhà tù thực dân, đế quốc, trong đó có nhà tù Hỏa Lò.
Qua đó, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo TTXVN